Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021: Dấu ấn áo xanh trong mùa Covid
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh Bình Thuận năm 2021 đã đi qua 1/3 chặng đường với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều điều chỉnh cả về nội dung và phương thức triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19. Những điều chỉnh kịp thời, kết quả đạt được, những kinh nghiệm được rút ra trong giai đoạn đầu của chiến dịch chính là tiền đề quan trọng, là động lực để các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện chiến dịch trong giai đoạn tiếp theo.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyệ
Tình nguyện thời Covid
Tháng 6 - tháng đầu tiên của chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021 được triển khai trong bối cảnh đặc biệt: dịch Covid-19 với 2 mốc, trước thời điểm Bình Thuận phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên của đợt dịch này và từ sau khi xuất hiện thêm một số ca lây nhiễm mới, cả hệ thống chính trị, xã hội phải vào cuộc để chung tay đẩy lùi dịch bệnh tới nay.
Trước bối cảnh dịch bệnh, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã có những điều chỉnh cả về nội dung và phương thức triển khai chiến dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Tuyên truyền, tham gia phòng chống dịch Covid-19 đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm, cần kíp của chiến dịch. Ngoài yếu tố thiết thực, rộng khắp, hiệu quả, sáng tạo thì đảm bảo tuyệt đối an toàn trong triển khai chiến dịch, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn, không để dịch bệnh phát tán, lây lan trong cộng đồng xuất phát từ hoạt động tình nguyện của đoàn viên, thanh niên cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ sở Đoàn trong chiến dịch. Năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lựa chọn các xã khó khăn, xã vùng bãi ngang ven biển, xã đảo, các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2021, địa bàn có 3 dân tộc thiểu số quy mô dân số thấp (K’Ho, Raglai, Chơ Ro) và địa bàn tại chỗ làm địa bàn trọng tâm; chọn các đối tượng dễ bị ảnh hưởng, tổn thương do tác động của dịch bệnh như thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên công nhân và lao động trẻ, thanh niên dân tộc thiểu số, người dân có hoàn cảnh khó khăn... để tập trung hướng đến trong các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội.
Trong phương thức triển khai, dễ nhận thấy nhất là năm nay, cơ bản các cấp bộ Đoàn không tổ chức các phần mang tính chất nghi lễ mà bắt tay ngay vào hoạt động với các công trình, phần việc cụ thể. Ngay cả hoạt động phát động chiến dịch cấp tỉnh, thay vì làm hoạt động tập trung quy mô lớn, huy động đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia như mọi năm, thì năm nay Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã điều chỉnh sang hình thức trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Ngay sau phần phát động trực tuyến ngắn gọn, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã bắt tay ngay vào triển khai các hoạt động cụ thể, mang tính hành động cao. Các ngày hoạt động cao điểm trong tháng đầu tiên của chiến dịch (Chiến sĩ tình nguyện chung tay giải quyết thủ tục hành chính; Chiến sĩ tình nguyện vì văn minh đô thị; Chiến sĩ tình nguyện Ngày chủ nhật xanh) cũng không thực hiện phần nghi lễ mà triển khai công việc ngay.
Điều kiện dịch bệnh cũng đòi hỏi các cấp bộ Đoàn phải vận dụng linh hoạt các phương thức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để tổ chức các hoạt động. Nếu như vài năm trở lại đây, các đội hình thanh niên tình nguyện được tổ chức với số lượng khoảng 30 - 40 đoàn viên thanh niên, thậm chí là nhiều hơn để thực hiện các công việc trong một thời điểm thì nay các cấp bộ Đoàn đã chia nhỏ, giãn cách đội hình để tổ chức hoạt động, trước khi có dịch thì dao động trong khoảng 10 - 20 người và từ khi có dịch là dưới 5 người. Hoạt động của các đội hình cũng được giãn cách, phân chia số lượng tình nguyện viên luân phiên tham gia hoạt động. Thời điểm, địa bàn để tổ chức từng hoạt động cụ thể cũng được tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp trên cơ sở diễn biến của tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cũng đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, truyền thông hiện đại, mạng xã hội trong kết nối, tổ chức, tuyên truyền hoạt động.
Dấu ấn màu áo xanh
Qua 1 tháng triển khai chiến dịch, toàn tỉnh đã thành lập được 156 đội hình tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”, “Hoa phượng đỏ”, “Kỳ nghỉ hồng” và “Hành quân xanh” với tổng số 2.865 đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động. Các cấp bộ Đoàn đã sửa chữa được 16,5 km, làm mới 0,5 km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới 35 tuyến đường văn minh, tuyến đường hoa thanh niên và 11 tuyến đường camera an ninh; trồng mới 22.155 cây xanh; xây mới 8 và sửa chữa 15 nhà nhân ái cho đối tượng gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây mới 4 và sửa chữa nâng cấp 10 điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi; đề xuất được 3.381 ý tưởng, sáng kiến; tư vấn hướng nghiệp cho 1.690 thanh niên; giới thiệu việc làm cho 662 thanh niên; tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho 400 thanh niên, hỗ trợ 7 dự án khởi nghiệp trong thanh niên.
Trong phòng chống dịch Covid-19, toàn tỉnh đã thành lập được 145 đội hình thanh niên xung kích tham gia phòng chống dịch, tham gia triển khai hoạt động tại 53 điểm chốt kiểm tra phòng chống dịch với sự tham gia của 1.200 đoàn viên thanh niên. Với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, các đội hình tình nguyện đã tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng trực tại các chốt kiểm dịch; dọn dẹp các khu cách ly tập trung; thực hiện tốt công tác hậu cần tại các khu cách ly, địa điểm bị phong tỏa bởi dịch bệnh; ứng trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương... Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 142 hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch. Triển khai chương trình “San sẻ yêu thương - Chung tay đánh bay Covid”, các cấp bộ Đoàn đã vận động các nguồn lực xã hội để trao tặng gần 10.000 suất quà cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chốt kiểm dịch với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng; trực tiếp nấu và trao tặng hơn 3.800 suất cơm miễn phí cho các khu cách ly tập trung và người dân có hoàn cảnh khó khăn; trực tiếp làm và trao tặng hơn 8.500 kính chắn giọt bắn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được triển khai như: “Kính chắn giọt bắn”, “Gian hàng 0 đồng”, “Đi chợ giúp người dân khu vực cách ly”, “Bếp cơm yêu thương”, “Đội shipper thanh niên tình nguyện”, “Thu hoạch nông sản giúp người dân”, “Đổi vỏ chai nhựa lấy khẩu trang y tế”, “Thanh niên khởi nghiệp gây quỹ phòng chống Covid”, “Rửa xe gây quỹ phòng chống Covid”…
1/3 chặng đường của chiến dịch đã đi qua. Màu áo xanh đã phủ trên nhiều cung đường, bản làng, tổ dân khu phố, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. Kết quả đạt được là khá tích cực, có những nét mới nhưng dịch bệnh còn hoành hành, còn gây nhiều nguy cơ cho xã hội, yêu cầu của thực tiễn ngày càng cao thì đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, đổi mới, sáng tạo và thích ứng của các cấp bộ Đoàn trong triển khai chiến dịch 2 tháng tiếp theo càng phải cao hơn nữa, nhiều hơn nữa. Có vậy, màu áo xanh mới phủ rộng khắp, mới mang lại giá trị, lợi ích cho cộng đồng, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong xã hội.