Đô đốc Nakhimov là một trong 4 tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc Đề án 1144 "Orlan", còn được gọi là lớp Kirov, được Liên Xô biên chế ngày 30/12/1988.
Chiến hạm lớp Kirov sở hữu hệ thống vũ khí mạnh tương đương một hạm đội tàu chiến, khiến chúng được mệnh danh là "siêu pháo đài nổi" thời Liên Xô.
Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov nằm cảng từ năm 1999, quá trình đại tu và hiện đại hóa bắt đầu từ năm 2013 do nhà máy Sevmash thực hiện.
"Lò phản ứng hạt nhân thứ hai trên tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov đã khởi động ngày 2/2. Lò phản ứng thứ nhất được kích hoạt hồi cuối tháng 12/2024", hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết hôm 4/2.
Hai lò phản ứng hạt nhân được khởi động cho thấy toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng của Đô đốc Nakhimov đã sẵn sàng hoạt động ở mọi chế độ.
"Cuộc thử nghiệm trên biển của tuần dương hạm sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay", nguồn tin nói thêm.
Nỗ lực đưa tuần dương hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov trở lại hoạt động đã nhiều lần bị gián đoạn, một phần lý do bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine, song cũng cần nhớ rằng đây chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng.
Dù vẻ ngoài không thay đổi nhiều so với thời Liên Xô, tuy nhiên tuần dương hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov sẽ được trang bị những hệ thống điện tử, thông tin liên lạc và vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay.
Lò phản ứng hạt nhân trên tàu được giữ nguyên, nhưng các thiết bị duy trì hoạt động và kiểm soát sẽ được nâng cấp, bảo đảm khả năng vận hành ổn định và an toàn trong hàng chục năm.
Vũ khí nguyên bản gồm 20 tên lửa diệt hạm siêu thanh P-700 Granit sẽ được thay bằng tên lửa hành trình Kalibr và diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks, có khả năng diệt hạm, chống tàu ngầm và tấn công mục tiêu mặt đất từ khoảng cách 2.500 km.
Tuần dương hạm này cũng có thể mang tên lửa siêu vượt âm Zircon, do loại tên lửa này dùng chung ống phóng thẳng đứng với hệ thống Kalibr và Oniks.
Sau quá trình nâng cấp, tàu có thể mang tối đa 176 bệ phóng thẳng đứng, gồm 80 ống cho tên lửa chống hạm và đối đất, cùng 96 quả đạn phòng không thuộc hệ thống S-400 phiên bản hải quân.
Nhiệm vụ phòng thủ tầm gần sẽ được giao cho 8 tổ hợp Pantsir-M với tối đa 32 đạn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
"Đô đốc Nakhimov sẽ được trang bị lượng ống phóng nhiều hơn bất cứ chiến hạm mặt nước hoặc tàu ngầm nào đang hoạt động trên thế giới", trang TWZ của Mỹ cho hay.
Ngoài Đô đốc Nakhimov, hải quân Nga hiện vận hành một tuần dương hạm duy nhất thuộc Đề án 1144 là Pyotr Đại đế.
Đề án 1144 Orlan được Liên Xô thiết kế vào thập niên 1970. Đây là những tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay. Với chiều dài 252 m và lượng giãn nước 28.000 tấn, chúng chỉ thua kém các loại tàu sân bay hạng nặng.
Liên Xô gọi lớp Kirov là tàu tuần dương tên lửa hạng nặng chạy bằng động cơ hạt nhân (TARK). Còn các chuyên gia quân sự phương Tây gọi chúng là "thiết giáp hạm tuần dương" (battlecruiser), vì kích thước và hình dáng của chúng khá tương đồng với các thiết giáp hạm.
Lớp Kirov được thiết kế với khả năng độc lập tác chiến hoặc nằm trong một biên đội hỗn hợp gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục.
Mục tiêu chính của Kirov là các tàu nổi trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, như tàu sân bay lớp Nimitz, tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Để đáp ứng nhiệm vụ đó, mỗi chiếc lớp Kirov đều được trang bị nhiều loại vũ khí tiến công và phòng thủ, biến chúng trở thành những siêu pháo đài nổi trên biển.
Vũ khí tấn công chủ đạo của tuần dương hạm lớp Kirov là 20 tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit, có tầm bắn 625 km, mang theo đầu đạn nổ mạnh (HE) 750 kg hoặc đầu đạn nhiệt hạch có sức công phá tương đương 25 quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki.
Tên lửa có tốc độ bay lên tới 2.000-3.000 km/h, tùy thuộc vào độ cao hành trình.
Để phòng thủ, các tàu lớp Kirov dựa vào hệ thống tên lửa phòng không đa tầng. Trên tàu Đô đốc Nakhimov, hệ thống phòng không tầm xa S-300F (Fort) là lá chắn đầu tiên với 96 quả đạn 5V55RM. Tên lửa có tầm bắn tối đa 90 km và tốc độ gấp 4 lần âm thanh.
Ở tầm trung là 128 tên lửa của tổ hợp 3K95 Kinzhal. Trong trường hợp tên lửa diệt hạm đối phương vượt qua được hai lớp phòng thủ này, chúng sẽ phải đối mặt với 44 tên lửa của tổ hợp OSA-MA và 6 bệ pháo - tên lửa tầm gần Kashtan.
Tàu ngầm của đối phương cũng rất khó tiếp cận để tấn công các siêu pháo đài nổi này.
Mỗi chiếc tuần dương hạm được trang bị 10 ống phóng lôi cỡ 533 mm, có thể bắn ngư lôi Type-53 hoặc tên lửa chống ngầm RPK-2 Vyuga.
Trên tàu còn có 4 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-1000 và RBU-12000, cùng ba trực thăng săn ngầm Ka-27.
Việt Hùng
Theo TASS, AP, TWZ