Chiến lược Bắc Cực của EU sẽ ảnh hưởng đến các dự án khai thác dầu của Nga
Liên minh châu Âu (EU) đang có tham vọng tăng vai trò ảnh hưởng của khối này tại Bắc Cực.
Được sự hẫu thuẫn của 3 thành viên Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển trong Hội đồng Bắc Cực bao gồm 8 quốc gia có biên giới gắn liền Bắc Cực là Đan Mạch, Iceland, Canada, Na Uy, Nga, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển, EU muốn can thiệp sâu hơn vào tiến trình phát triển khu vực này, mặc dù vẫn chưa đạt đến tư cách quan sát viên sau nhiều năm cố gắng kể từ 2008.
Mới đây, Ủy ban châu Âu đã ban hành Chiến lược Bắc Cực, trong đó nêu rõ yêu cầu cấm hoàn toàn khai thác than, dầu thô và khí đốt, bao gồm cả tại các vùng lân cận do lo ngại ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tự cho mình đóng vai tác nhân có tầm ảnh hưởng địa chính trị lớn khu vực, EU có lợi ích chiến lược không chỉ tại phần lãnh thổ Bắc Cực châu Âu, mà cả Bắc Cực nói chung.
Động thái này sẽ ảnh hưởng đến các dự án LB Nga đang phát triển tại Bắc Cực, bao gồm cụm mỏ Vankor (2009), Bovanenkovskoye và đường ống dẫn khí Bovanenkovo-Ukhta (2012), Prirazlomnoye và Novoportovskoye, Đông Messoyakhskoye và Paiyakhskoye (2017), Artic LNG 2, trong tương lai – mỏ Tambeyskoye sẽ được phát triển. Ngoài ra, LB Nga đang tích cực phát triển Tuyến đường Biển Bắc (Northeast Passage, viết tắt là NEP) - giao thông vận tải biển kết nối châu Âu và châu Á thông qua Bắc Cực.
Theo dữ liệu Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng tài nguyên dầu khí tiềm năng Bắc Cực lên tới 90 tỷ thùng dầu thô, 47.300 tỷ m3 khí đốt, 44 tỷ thùng condensate, tập trung chủ yếu tại các lưu vực như Tây Siberia, thềm lục địa Bắc Alaska và phía đông biển Barents. Công ty tư vấn Vygon Consulting ước tính, Bắc Cực chiếm hơn 15% tổng sản lượng khai thác dầu thô và 20% khí đốt LB Nga hàng năm. Các công ty dầu khí hàng đầu LB Nga như Rosneft, Gazprom và Novatek đang triển khai những kế hoạch tham vọng nhất phát triển khai thác tài nguyên, nhưng phải chịu áp lực trừng phạt từ phía Mỹ và EU, phần nào hạn chế khả năng tìm kiếm đối tác và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Vostok Oil - dự án quy mô lớn nhất Bắc Cực (vùng Krasnoyarsk) đang được Rosneft tập trung phát triển và hiện chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt, kỳ vọng sẽ đạt sản lượng 50 triệu tấn dầu thô/năm đến năm 2030, chiếm 40% lưu lượng NEP.
Tuyến NEP được khai thông lần đầu tiên từ năm 1935, là tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu với Viễn Đông, giảm 40% quãng đường so với đi qua kênh đào Suez (thời gian từ cảng Murmansk đến Nhật Bản chỉ mất 18 ngày so với 37 ngày qua Suez, không phải xếp hàng và trả phí). Mặc dù khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng đều hàng năm, tuy nhiên, đến nay, lưu lượng của NEP vẫn thấp hơn tuyến kênh Suez 35 lần. Chính phủ LB Nga có kế hoạch đầu tư bổ sung 10 tỷ USD phát triển NEP đến năm 2030 nhằm đưa công suất vận chuyển lên 150 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nếu lần này EU quyết tâm đưa ra tối hậu thư cấm khai thác tài nguyên Bắc Cực, điều này sẽ hạn chế sự tham gia của các đối tác lớn như Shell, Total, BP.