Chiến lược 'né và đỡ' của Nga đối đầu ngang ngửa loạt đòn trừng phạt bất định từ phương Tây

Ứng phó với loạt đòn trừng phạt kinh tế đa dạng và vô tiền khoáng hậu từ Mỹ và phương Tây, là một nền kinh tế Nga uyển chuyển với các chiến lược 'né và đỡ'.

Chiến lược 'né và đỡ' của Nga đối đầu ngang ngửa đòn trừng phạt bất định từ phương Tây. (Nguồn: WSJ)

Chiến lược 'né và đỡ' của Nga đối đầu ngang ngửa đòn trừng phạt bất định từ phương Tây. (Nguồn: WSJ)

Trên mặt trận quân sự, Washington được cho là không tiếc tiền hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Còn ở mặt trận kinh tế, bằng những tính toán riêng, Mỹ đang sát cánh cùng châu Âu dồn ép kinh tế Nga "vào ngõ cụt".

Ở phía bên kia, kinh tế Nga vẫn đang tìm mọi cách vượt khó bằng cách xích lại gần hơn với Trung Quốc và các đối tác còn lại trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ở mức quan hệ thấp hơn, Nga thậm chí còn tìm kiếm trợ giúp của cộng đồng hải ngoại và mạng lưới ủng hộ rộng khắp ở châu Phi và châu Á.

Các hiệp sỹ đenvẫn trong bóng tối

Khái niệm “hiệp sỹ đen” từ lâu đã tồn tại trong các tài liệu về lệnh trừng phạt. Theo đó, khái niệm này được hiểu là một quốc gia, trái với các chế độ trừng phạt của các quốc gia khởi xướng riêng lẻ, vẫn tiếp tục hợp tác với quốc gia mục tiêu.

Và cuối cùng, sự hợp tác này giúp quốc gia mục tiêu thích nghi với các biện pháp trừng phạt, giảm thiệt hại và khắc phục, một phần hoặc toàn bộ, hậu quả của việc bị cô lập khỏi những nước khởi xướng các lệnh trừng phạt.

Trong quá khứ, các “hiệp sỹ đen” không ngừng bất tuân các lệnh trừng phạt. Trong quan hệ quốc tế, các trường hợp khi một đối thủ cạnh tranh của quốc gia khởi xướng trừng phạt hỗ trợ các quốc gia mục tiêu là điều phổ biến. Nga cũng đã nhiều lần đóng vai trò tương tự.

Chẳng hạn, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ thường đối đầu với sự giúp đỡ từ phía Liên Xô. Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba và nhiều nước khác đã nhận được sự giúp đỡ từ Nga với khối lượng lớn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các “hiệp sỹ đen” dường như đã chìm vào bóng tối. Không cường quốc nào thách thức trực tiếp Mỹ và không tìm cách giúp đỡ các quốc gia bị trừng phạt. Trung Quốc cẩn trọng xây dựng quan hệ kinh tế với Triều Tiên, Venezuela và Iran nhưng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tránh các bước đi đối đầu.

Nga bắt đầu trở lại với vai trò “Hiệp sỹ đen” chỉ từ giữa những năm 2010. Trường hợp nổi bật nhất có thể được coi là sự hỗ trợ đối với chính phủ Syria. Nhưng ở đây, sự trợ giúp của Nga cũng thiên về quân sự hơn là kinh tế.

Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra vào tháng 2/2022, một liên minh các quốc gia phương Tây đã áp đặt một số lượng đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nga trở thành mục tiêu lớn nhất của các hạn chế kinh tế, cả về số lượng và chất lượng.

Và hiện tại, không phải tất cả các quốc gia đã tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga. Phần lớn thế giới né tránh điều đó.

Nhưng để nói về các “hiệp sỹ đen” thì vẫn còn quá sớm. Và các doanh nghiệp ở các quốc gia thân thiện với Nga dù tiếp tục giữ mối quan hệ ở mức độ nào đó, nhưng vẫn đang rất thận trọng trước các biện pháp trừng phạt thứ cấp hoặc một hình thức khác của Mỹ và các đồng minh.

Nga không còn quan tâm đến “các vì sao”

Trong khi đó, các cường quốc đang thực hiện một chiến lược ngăn chặn lẫn nhau, gợi nhớ đến chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao” của thời kỳ những năm 1980.

Như Viện Tư vấn và nghiên cứu RAND Corporation từng mô tả chi tiết vào năm 2019, chiến lược này bao gồm mục tiêu kéo Nga vào chạy đua trong các lĩnh vực hoặc khu vực mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh, từ đó khiến Nga không thể chịu đựng nổi về quân sự hoặc kinh tế.

Trong thời kỳ “chiến tranh giữa các vì sao” hoặc “Sáng kiến phòng thủ chiến lược”, Mỹ và các đồng minh đã đầu tư rất mạnh cho hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến Liên Xô rơi vào tình trạng kinh tế quá nóng. Kết quả là giai đoạn này đã kết thúc bằng chính sách “perestroika” (cải tổ).

Thời kỳ Liên Xô, có hai khối thách thức lẫn nhau trước sự chứng kiến của phong trào không liên kết.

Ngày nay, phong trào này không còn giữ được hình thù rõ nét, tức là phương Tây đang đứng trước một khối có những đường nét mơ hồ ngày càng thu hút các nước có thái độ hoài nghi, do dự, mong muốn hạn chế hậu quả của các biện pháp trừng phạt.

Và nếu như trước đây, Mỹ chỉ có một đối thủ thì hôm nay họ đã có hai là Nga và Trung Quốc, trong khi Washington luôn thừa nhận rằng, họ chỉ có thể đối phó với từng đối thủ một. Trước mắt là Nga, nhưng về lâu dài có lẽ ưu tiên của Washington hẳn sẽ phải xoay trục sang Trung Quốc, miễn sao không để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng đến biên giới Alaska.

Sự xuất hiện của Bắc Kinh bên cạnh Moscow rõ ràng đang khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn đối với Washington. Đối mặt với khối phương Tây, khối Á-Âu được cấu trúc như thể để phủ nhận các biện pháp trừng phạt xung quanh BRICS và SCO, vốn tập hợp các đối tác cùng hoàn cảnh, gần 1/2 dân số thế giới và 1/4 của cải toàn cầu.

Với những đối tác này, Moscow tin rằng, thời gian đang có lợi cho mình nếu Nga thể hiện khả năng phục hồi bằng cách lách luật và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản cũng như ngũ cốc.

Moscow cũng có thể tìm cách bán vũ khí và công nghệ hạt nhân thông qua các công ty quốc gia Nga.

Tập đoàn Rosoboronexport có mặt tại triển lãm quốc tế IDEX 2023 ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), với khẩu hiệu “vũ khí được thử nghiệm trên chiến trường”, trong khi tập đoàn năng lượng Rosatom, một trong những nhà cung cấp lò phản ứng lớn nhất thế giới, đang hoạt động mạnh ở Saudi Arabia và Morocco.

Trong thập kỷ tới, dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt, trật tự kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị đảo lộn. Cuối tháng 1/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố các đối tác BRICS có ý định đưa chủ đề kiến tạo một loại tiền tệ quốc tế mới vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh của nhóm nước này (dự kiến diễn ra trong tháng 8/2023).

Nếu điều đó xảy ra sẽ đánh dấu một sự phân mảnh mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, để né tránh sự trừng phạt của phương Tây, ưu tiên hàng đầu của Nga vẫn là nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng bằng đường biển.

Nga đang định hình một tuyến đường mới bằng việc kích hoạt lại những con đường cũ, cho dù mới ở mức khiêm tốn. Mạng lưới đường sắt và đường sông dài 3.000 km, được gọi là hành lang Bắc/Nam chạy quanh nút chiến lược ở Biển Caspi, để nối Saint Petersburg (Nga) với Bombay (Ấn Độ) trong 25 ngày so với 40 ngày chạy qua kênh đào Suez.

Hành lang mở rộng đường cho các đối tác này sẽ kết nối Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Iran với nhau. Kế hoạch cho phép Nga thoát khỏi sự kiểm soát của phương Tây, đặc biệt là ở các nút thắt cổ chai Hormuz, Bab-El-Mandeb và Suez, nhưng như thế vẫn chưa đủ bởi tuyến đường phía Bắc chạy qua Bắc Cực vẫn chưa được sử dụng.

Mặc dù Tổng thống Vladimir Putin đã công khai ý định hiện đại hóa lực lượng hàng hải thương mại và cải tạo các hải cảng từ năm 2019, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu, mà một phần lớn vẫn có nguyên nhân là các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tình hình các nhà máy đóng tàu ngày càng xấu đi do các dự án phụ thuộc khá nhiều vào hàng nhập khẩu, từ 20% đến 90% giá trị tùy theo loại tàu, trong khi hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan đều đang bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt.

Để tiếp cận các hải cảng cấm tàu Nga, Moscow rất tích cực tìm kiếm các biện pháp đối phó. Chẳng hạn, người Nga đã đưa các con tàu của mình ra khỏi hệ thống phân loại của phương Tây và chuyển sang hệ thống đăng ký của Ấn Độ vốn cũng được các công ty bảo hiểm quốc tế chấp nhận.

Họ cũng "né" lệnh cấm vận bằng cách nhờ các tàu khác không trong diện “bị trừng phạt” vận chuyển hàng. Họ cũng có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại hùng hậu gồm 200.000 người trong các thủy thủ đoàn, cũng như vào mạng lưới những người đi biển có thiện cảm, từ châu Phi đến châu Á, từng được đào tạo tại các trường hàng hải thương mại tại Nga.

Theo giới quan sát, các ông chủ người Nga cũng thường bị cho là đã sử dụng tàu hàng dưới một lá cờ khác. Gói trừng phạt thứ 10 của EU tìm cách hạn chế việc Nga sử dụng cái gọi là “tàu ma”.

Chẳng hạn, Công ty Sun Ship Management, được thành lập năm 2012 tại Dubai, hiện quản lý vài trăm con tàu dưới cờ của Liberia, Panama và Cộng hòa Cyprus, đang nằm trong tầm ngắm của EU, bởi hơn 70% doanh thu năng lượng của Nga "đi qua" công ty này.

Như vậy, trong cuộc đối đầu tiêu hao với Mỹ, người Nga đã không còn quan tâm đến các “vì sao”, mà dành ưu tiên cho mặt đất và mặt biển.

Cụ thể là, Nga đang quyết duy trì xuất khẩu thông qua việc phát triển các hải cảng và bù đắp sự sụt giảm lưu lượng vận chuyển từ các cảng ở Biển Đen và Baltic, bằng cách tăng khả năng của các cảng ở Thái Bình Dương - nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong trao đổi thương mại với châu Á.

(theo Le Monde, russiancouncil.ru)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-ne-va-do-cua-nga-doi-dau-ngang-ngua-loat-don-trung-phat-bat-dinh-tu-phuong-tay-222492.html