Chiến lược ngăn chặn 2.0 của ông Biden với Nga khi ác mộng sau 8 thập kỷ thành sự thật

Tổng thống Biden đang thúc đẩy chiến lược ngăn chặn 2.0 với Nga nhưng sự chia rẽ trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, sự nổi lên của các thách thức mới và sự khó lường của nhân tố Trung Quốc liệu sẽ gây ra những trở ngại gì?

Không dễ thực hiện

Đối mặt với một Liên Xô cách đây hơn 75 năm mà Mỹ cho rằng lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng biên giới, Washington đã áp dụng hướng tiếp cận Chiến tranh Lạnh, còn được biết tới là chiến lược "ngăn chặn" - một cách gọi nghe có vẻ đơn giản mà sau này đã trở thành một chiến lược phức tạp.

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Geneva năm 2021. Ảnh: New York Times

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Geneva năm 2021. Ảnh: New York Times

Ngày 24/2, ông Putin tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine - điều mà Mỹ cho là cơn ác mộng cách đây 8 thập kỷ nay đã thành sự thật, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông đang thúc đẩy chiến lược Ngăn chặn 2.0. Mặc dù cách gọi nghe có vẻ giống chiến lược trước đó nhưng nó sẽ phải thích ứng trong một thế giới hiện đại, vốn ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Nga - quốc gia mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi là nước sẵn sàng "xóa sổ toàn bộ một quốc gia khỏi bản đồ thế giới" cũng chính là nhà cung cấp khí tự nhiên chủ chốt "giữ ấm" cho Đức và nhiều nước châu Âu. Nước Nga ngày nay cũng có đầy đủ các "vũ khí mạng" để tấn công vào Mỹ hoặc các đồng minh mà không cần mạo hiểm lựa chọn giải pháp hạt nhân để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chỉ hai ví dụ trên đã cho thấy chiến lược ngăn chặn của Tổng thống Biden sẽ không dễ thực hiện.

Trong 3 thập kỷ qua, các Tổng thống Mỹ đã gọi các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga là "bên làm ăn" hoặc thậm chí là "đối tác". Họ cũng góp phần đưa Nga vào Tổ chức Thương mại Thế giới và G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada). Trong những năm 1990, Washington thậm chí nêu ra ý tưởng Nga có thể gia nhập NATO vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, Tổng thống Biden, người vừa bước vào Nhà Trắng năm ngoái khẳng định rằng sẽ xây dựng một mối quan hệ "ổn định và dễ đoán" với Nga, hôm 24/2 đã nói về sự sụp đổ hoàn toàn của mối quan hệ này.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sẽ khiến Nga phải "trả giá đắt về kinh tế và chiến lược", cũng như khiến Tổng thống Putin "bị cô lập trên trường quốc tế".

Những bình luận này không khác những nhận định của George F. Kennan là bao. Ông là một quan chức ngoại giao Mỹ, từng nổi tiếng là một nhà đại chiến lược, phát minh ra chiến lược ngăn chặn, dù sau đó ở tuổi 94, ông đã cảnh báo rằng việc mở rộng NATO sang gần biên giới Nga là một ý tưởng tồi tệ, có thể trở thành "sự khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới".

Ông Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại nhận định ngày 24/2 rằng: "Việc thực hiện chính sách ngăn chặn ngày nay phức tạp hơn nhiều".

Theo chuyên gia này, Liên Xô có thể là một thách thức về quân sự và hệ tư tưởng nhưng nước Nga ngày nay lại là một nhà cung cấp các nhiên liệu và khoáng sản cần thiết. Ảnh hưởng của Nga có lẽ đã được làm rõ qua câu trả lời của Tổng thống Biden trước câu hỏi hôm 24/2 rằng tại sao Nga không bị loại khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Hannibal Hanschke

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Hannibal Hanschke

Việc cấm Nga khỏi hệ thống này sẽ là một bước đi gây tổn thất cho Nga bởi nước này sẽ mất đi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã lưu ý trong bài phát biểu của ông rằng, "trong gói trừng phạt của chúng tôi, chúng tôi đặc biệt cho phép các khoản thanh toán năng lượng tiếp tục thực hiện".

Khi được hỏi liệu có loại Nga khỏi SWIFT hay không, ông Biden trả lời rằng: "Hiện nay, đó không phải là quyết định mà phần còn lại của châu Âu muốn đưa ra". Trên thực tế, cuộc tranh luận về SWIFT là nguồn cơn của những cuộc trao đổi căng thẳng trong hậu trường, nhất là với Đức. Mục tiêu của Đức rất rõ ràng: Nếu nước này không thể thanh toán chi phí khí đốt thì Nga sẽ không cung cấp mặt hàng này.

Nhân tố Trung Quốc

Lý do thứ hai mà chính sách ngăn chặn của ông Biden có lẽ không hiệu quả là Nga có một đối tác mới để chống lại phương Tây, đó là Trung Quốc.

Tuần trước, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định với những người tham gia Hội nghị An ninh Munich rằng biên giới Ukraine cần được tôn trọng, người nào nên ngồi ở ghế của người đó.

Nhận định trên nghe như thể Trung Quốc đang muốn kiềm chế Nga nhưng đó là chuyện của ngày 19/2. Ngày 24/2, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine, chính phủ Trung Quốc cho biết nước này đã thông qua một số thỏa thuận được thông báo trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin nhân Thế Vận hội Mùa Đông tháng này, trong đó có thỏa thuận số mua lượng lớn lúa mì Nga.

Từ "trừng phạt" chưa bao giờ xuất hiện trong những thông báo của Trung Quốc về những thỏa thuận tuần này.

Khi được hỏi liệu có hối thúc Trung Quốc cô lập Nga hay không, Tổng thống Biden đã ngập ngừng và sau đó nói rằng: "Tôi không bình luận về điều đó ở thời điểm này".

Ngoài ra, chính sách ngăn chặn cũng có một thách thức nữa mà ông Kennan đã bỏ qua: đó là sự nổi lên của những cuộc xung đột trên không gian mạng, vốn cũng là một công cụ các siêu cường có thể sử dụng để tấn công nhau từ xa mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân./.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-luoc-ngan-chan-20-cua-ong-biden-voi-nga-khi-ac-mong-sau-8-thap-ky-thanh-su-that-post926908.vov