Chiến lược phát triển bền vững về dân số

Con số công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Việt Nam đang tăng dần theo từng năm, cao nhất là TP Hồ Chí Minh với 30,4 tuổi, trung bình của cả nước đang ở mức 27,2 tuổi.

TP Hồ Chí Minh trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh thấp. Tình trạng nam nữ thanh niên lười kết hôn, kết hôn muộn, ngại sinh con, sinh con muộn đã đặt ra bài toán phải có giải pháp chiến lược để duy trì sự phát triển bền vững của dân số, bởi giai đoạn dân số vàng hiện nay sẽ nhanh qua đi.

Độ tuổi kết hôn và sinh con lần đầu, sinh con lần thứ hai của nam nữ muộn được xem là nguy cơ nhiều hơn thời cơ. Theo quy luật sinh tồn hữu hạn của con người, kết hôn muộn thì sinh con muộn, ngại sinh con đều dẫn đến già hóa dân số và chất lượng dân số giảm. Hệ lụy là các vấn đề xã hội như thiếu nguồn lao động trẻ; chất lượng dân số giảm làm tăng gánh nặng an sinh xã hội...

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Độ tuổi sinh sản của phụ nữ được khuyến cáo là trước 35 dựa trên nghiên cứu khoa học và thực tiễn, giai đoạn “vàng” là 20-25 tuổi. Phụ nữ tuổi càng cao thì chất lượng trứng càng kém, số lượng ít, nhiều rủi ro thai kỳ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản giai đoạn “vàng” buồng trứng hoạt động tốt nhất, giảm tỷ lệ bất thường thai nhi, tốt cho sức khỏe mẹ và con. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, bố mẹ ở độ tuổi sinh sản tốt thì trẻ sinh ra được thừa hưởng những điều kiện di truyền tốt.

Có nhiều nguyên nhân khiến nam nữ kết hôn muộn, ngại kết hôn, ngại sinh con, sinh con muộn, như: Áp lực công việc, áp lực kinh tế, áp lực về điều kiện nuôi dưỡng con cái, điều kiện hưởng thụ cuộc sống... Đây là những vấn đề tất yếu trong xã hội ngày càng phát triển.

Để giải quyết bài toán hóc búa này, một số quốc gia đã thực hiện các chính sách như: Tặng tiền, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nuôi con, hỗ trợ trẻ đi học cho các cặp vợ chồng kết hôn và sinh con; yêu cầu giảm giờ làm việc để nam nữ thanh niên có thời gian kết bạn và quan tâm đến vấn đề lập gia đình của giới trẻ...

Ở tầm vĩ mô, vấn đề dân số đã được Đảng, Nhà nước ta đặt ra từ khá sớm. Ngày 28-4-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Hiện dự thảo Luật Dân số đã được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Dân số. Luật ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Nhiều chủ đề, vấn đề về dân số đã được đề cập, bàn thảo.

Ở các phạm vi khác, đã có nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ ba với một số nhóm đối tượng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã tham mưu cho thành phố xây dựng Đề án các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách để giải quyết các thách thức về vấn đề dân số ở nước ta vẫn chủ yếu ở dạng thí điểm, kêu gọi, khuyến cáo. Rất cần sớm có một chiến lược tổng thể mang tính bền vững về vấn đề dân số.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chien-luoc-phat-trien-ben-vung-ve-dan-so-790929