Chiến lược phát triển của Thái Nguyên sau hợp nhất: Giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Sau hợp nhất, một trong những định hướng chiến lược của tỉnh Thái Nguyên là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Học sinh THPT tham dự Cuộc thi thiết kế 3D sáng tạo nông cụ “Thái Nguyên xanh” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tổ chức.

Học sinh THPT tham dự Cuộc thi thiết kế 3D sáng tạo nông cụ “Thái Nguyên xanh” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tổ chức.

Phát huy vai trò trung tâm đào tạo của Đại học Thái Nguyên

Ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên (mới) chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội. Hiện nay, Thái Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 8.375 km2, dân số gần 1,8 triệu người, gồm 92 xã, phường. Trung tâm hành chính được đặt tại thành phố Thái Nguyên (cũ).

Ngay sau thời điểm hợp nhất, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã có bài viết quan trọng nhấn mạnh định hướng phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một trong những chiến lược xuyên suốt là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Cơ sở vật chất Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Cơ sở vật chất Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Với vai trò là trung tâm giáo dục lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên hiện là nơi đặt trụ sở của Đại học Thái Nguyên - một trong 5 đại học vùng trọng điểm quốc gia.

Trong thời gian qua, Đại học Thái Nguyên đã có bước phát triển ấn tượng về quy mô, chất lượng và tầm ảnh hưởng.

Từ năm 2020 đến nay, quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên tăng mạnh, với hơn 85.000 người học, tăng hơn 20.000 người. Trường đã mở mới 49 ngành đào tạo, xây dựng 29 chương trình liên kết quốc tế; tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo đạt trên 80%.

Đặc biệt, 7/7 trường đại học thành viên đã hoàn tất kiểm định chất lượng chu kỳ hai, có 35 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 88 chương trình được kiểm định trong nước.

 Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.

Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.

PGS TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cho biết: "Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm đồng hành cùng tỉnh trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sau sáp nhập, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển mới của tỉnh".

Trong giai đoạn tới, Đại học Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành "Đại học xanh", "Đại học số", trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Các định hướng phát triển trọng điểm, gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), nông nghiệp thông minh, giáo dục STEM và kinh tế số. Nhà trường sẽ đẩy mạnh liên thông ngành học, đa dạng hóa hình thức đào tạo, xây dựng hệ sinh thái giáo dục cá nhân hóa, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.

Phát triển đồng bộ giáo dục phổ thông, thu hẹp khoảng cách vùng miền

Không chỉ tập trung phát triển giáo dục đại học, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông toàn diện và bình đẳng.

Hiện toàn tỉnh có 976 cơ sở giáo dục với hơn 433.000 học sinh, gồm: 351 trường mầm non, 263 trường tiểu học, 49 trường liên cấp tiểu học - THCS, 238 trường THCS, 4 trường THCS - THPT và 46 trường THPT; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên và 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Sau hợp nhất, ngành Giáo dục xác định mục tiêu quan trọng là thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, tạo nền tảng công bằng trong tiếp cận tri thức cho học sinh các dân tộc".

 Giờ học của học sinh Trường THCS Chùa Hang II, phường Linh Sơn, tỉnh Thái Nguyên.

Giờ học của học sinh Trường THCS Chùa Hang II, phường Linh Sơn, tỉnh Thái Nguyên.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, số hóa các hoạt động dạy - học, đồng thời tăng cường đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

Các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, định hướng STEM cũng sẽ được mở rộng để giúp học sinh phát triển toàn diện.

Thái Nguyên đang đứng trước thời cơ hiếm có để chuyển mình mạnh mẽ. Từ một quyết sách hành chính mang tầm quốc gia, tỉnh đã kịp thời xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và bài bản, trong đó giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực được xác định là nền tảng vững chắc cho sự bứt phá trong tương lai gần.

Quốc Tuân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-luoc-phat-trien-cua-thai-nguyen-sau-hop-nhat-giao-duc-la-uu-tien-hang-dau-post738672.html