Chiến lược phát triển nguồn thu cho Lào Cai sau sáp nhập

Xây dựng một chiến lược tổng thể về phát triển nguồn thu cho tỉnh Lào Cai mới không chỉ là yêu cầu tất yếu trước áp lực ngân sách, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực tự chủ tài chính, tạo dư địa để hiện thực hóa các định hướng phát triển.

LỜI TÒA SOẠN:

Từ hôm nay (1/7/2025), cùng với các tỉnh, thành khác trên cả nước, tỉnh Lào Cai mới sẽ chính thức đi vào hoạt động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Tỉnh Lào Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái để trở thành tỉnh Lào Cai mới. Đây là một bước đi quan trọng, tạo ra cơ hội bứt phá cho vùng đất phía Bắc của Tổ quốc. Theo các chuyên gia, việc sáp nhập bên cạnh các vấn đề khác, thì làm sao để tăng nguồn thu bền vững cho địa phương mới hình thành trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh là một vấn đề thiết yếu, sẽ góp phần định hình nên diện mạo của tỉnh trong tương lai.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã khởi đăng loạt bài của TS.LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp về chủ đề định vị trục kinh tế bền vững cho Lào Cai mới, trong đó đưa ra các mệnh đề liên quan tới phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, logistic, công nghiệp sinh thái... với góc nhìn đa chiều, phân tích nội hàm đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng tiếp tục giới thiệu Bài 6 (trong Chuyên đề định vị trục kinh tế bền vững cho Lào Cai mới) của TS, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp về Chiến lược phát triển nguồn thu cho Lào Cai sau sáp nhập.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ: NHỮNG YÊU CẦU MỚI VỀ NGUỒN THU SAU SÁP NHẬP TỈNH LÀO CAI – YÊN BÁI

Theo số liệu thống kê, tổng dân số sau sáp nhập của tỉnh Lào Cai – Yên Bái hơn 1,6 triệu người, với diện tích tự nhiên hơn 13.200 km², đứng đầu nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc về quy mô lãnh thổ. Cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về nhu cầu chi tiêu cho phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quản lý hành chính và dịch vụ công.

Tuy nhiên, hiện nay cả hai tỉnh (và tỉnh Lào Cai mới) vẫn chưa đạt mức độ tự chủ ngân sách cao. Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2024 cho thấy, tỉnh Lào Cai mới chỉ đạt khoảng 70–80% tỷ lệ tự chủ, trong khi Yên Bái còn phụ thuộc lớn vào bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Cùng với việc phân bổ ngân sách Trung ương ngày càng theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng yêu cầu địa phương tự cân đối (theo Nghị quyết 07-NQ/TW và tinh thần cải cách tài chính công giai đoạn 2021–2030), bài toán đặt ra cho Lào Cai là phải chủ động thiết lập các nguồn thu mới, có khả năng tăng trưởng ổn định, bền vững, và gắn với đặc điểm kinh tế – địa lý của địa phương.

Thực tiễn tại nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương cho thấy: để “thoát khỏi vai trò người đi xin ngân sách”, các địa phương cần thiết kế lại tư duy tạo thu – không đơn thuần là tăng thuế hay mở rộng đối tượng nộp thuế, mà là tạo dựng các hệ sinh thái kinh tế mang lại giá trị gia tăng lớn, giúp giữ lại nguồn thu tại địa phương một cách hợp pháp và hiệu quả.Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng một chiến lược tổng thể về phát triển nguồn thu cho tỉnh Lào Cai mới không chỉ là yêu cầu tất yếu trước áp lực ngân sách hậu sáp nhập, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực tự chủ tài chính, tạo dư địa để hiện thực hóa các định hướng phát triển kinh tế – xã hội lâu dài.

II. TƯ DUY CHIẾN LƯỢC VỀ NGUỒN THU: TỪ “XIN – CẤP” SANG “ĐẦU TƯ – KHAI THÁC – GIỮ LẠI”

Trong nhiều năm qua, cơ chế phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương tại Việt Nam đã thực hiện theo hướng ưu tiên hỗ trợ các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có các địa phương miền núi như Lào Cai và Yên Bái. Tuy nhiên, yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy tự chủ tài khóa trong giai đoạn 2021–2030, được đặt ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước (đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TW và các báo cáo chiến lược của Bộ Tài chính), đã chỉ rõ: đã đến lúc các địa phương cần chuyển mạnh từ tư duy “xin ngân sách” sang tư duy tạo lập và quản lý hiệu quả nguồn thu của chính mình.

Trong bối cảnh sau sáp nhập, tư duy chiến lược về nguồn thu của tỉnh Lào Cai mới cần bắt đầu từ ba nguyên lý nền tảng:

Thứ nhất, địa phương phải đóng vai trò chủ động kiến tạo nguồn thu, thay vì chỉ thực hiện nhiệm vụ thu theo chỉ tiêu giao. Muốn vậy, tỉnh cần đầu tư có chọn lọc vào các hệ sinh thái kinh tế có khả năng sinh lời bền vững và đóng góp ngân sách cao, như: logistics cửa khẩu, công nghiệp chế biến sâu, du lịch cao cấp, đô thị thông minh, kinh tế số. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với đặc điểm địa lý, tài nguyên và xu hướng thị trường của Lào Cai – Yên Bái trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế sâu rộng.

Thứ hai, việc lựa chọn ngành, lĩnh vực để ưu tiên phát triển phải dựa trên biên lợi nhuận thu ngân sách, chứ không phải quy mô đầu tư hay số lượng dự án. Kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều địa phương cho thấy, các ngành “đông người – nhiều đầu tư nhưng đóng góp ngân sách thấp” như trồng rừng thô, thủy điện nhỏ, hay chăn nuôi phân tán… thường làm tăng áp lực lên kết cấu hạ tầng và môi trường nhưng không tạo được dư địa tài khóa tương xứng. Trong khi đó, những ngành có thể tạo ra giá trị gia tăng cao trên cùng một đơn vị diện tích như khai khoáng có kiểm soát, chế biến sâu, trung tâm logistics hoặc mô hình du lịch bản địa thông minh lại cho thấy tiềm năng đóng góp thuế – phí lớn và ổn định hơn nhiều.

Thứ ba, cần chuyển trọng tâm từ “tạo nguồn thu ngắn hạn” sang “giữ lại và tích lũy nguồn thu dài hạn”. Điều này đặc biệt quan trọng với các nguồn thu phát sinh mới sau sáp nhập, nhất là ở các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, tài nguyên khoáng sản, thương mại điện tử hay chuyển đổi số. Thay vì để toàn bộ các khoản thu này phân bổ trở lại trung ương như trước đây, tỉnh cần chủ động kiến nghị cơ chế giữ lại hợp lý – ít nhất trong giai đoạn 10 năm đầu – nhằm tạo ra dư địa tái đầu tư cho hạ tầng, dịch vụ công và nâng cấp năng lực thu.Thực tiễn tại các tỉnh thành công như Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh… cho thấy, chính tư duy “giữ lại để tái đầu tư” đã giúp họ bứt phá, chuyển từ địa phương nhận hỗ trợ sang địa phương có đóng góp ngân sách Trung ương lớn nhất cả nước. Đây là bài học quan trọng mà Lào Cai có thể vận dụng, phù hợp với vị thế địa kinh tế mới của mình sau khi mở rộng quy mô lãnh thổ và dân số.

III. NĂM TRỤC ĐỘNG LỰC NGUỒN THU CHỦ ĐẠO

1. Kinh tế cửa khẩu – logistics – thương mại biên giới

1.1. Lợi thế vị trí và liên kết vùng thúc đẩy chuỗi giá trị logistics

Lào Cai là một trong hai tỉnh duy nhất trên cả nước sẽ có hệ thống đường sắt kết nối trực tiếp với Trung Quốc, thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Tuyến đường sắt này giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, được xác định là một trong tám tuyến hành lang ưu tiên của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

Đồng thời, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai kết nối thủ đô Hà Nội với khu vực biên giới Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa giữa khu vực trung tâm và vùng cửa khẩu.

Đây chính là tiền đề để tỉnh Lào Cai phát triển thành một đầu mối logistics trung chuyển hàng hóa khu vực ASEAN đi Tây Nam Trung Quốc và ngược lại – một định hướng chiến lược đã được xác lập trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022).

1.2. Tiềm năng thu ngân sách từ chuỗi dịch vụ cửa khẩu – logistics

Theo số liệu của Cục Hải quan Lào Cai, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai ntăng trưởng bình quân 15–20%/năm trong 5 năm gần đây. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) năm 2001 chỉ đạt gần 210 triệu USD thì đến năm 2007 là 723 triệu USD (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm). Đến năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai đạt cao nhất với 3,8 tỷ USD; năm 2023 là 1,159 tỷ USD (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Bước sang năm 2024, hoạt động xuất - nhập khẩu từng bước phục hồi, giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 3,625 tỷ USD.

Song song với đó là sự gia tăng của các dịch vụ hỗ trợ như: kho bãi, bảo quản hàng hóa, kiểm định, vận tải xuyên biên giới, trung chuyển quốc tế… Đây là các loại hình dịch vụ có khả năng tạo nguồn thu ngân sách cao từ các khoản thuế gián thu (GTGT, TNDN) và phí dịch vụ (phí hạ tầng, phí cảng, phí kho bãi…).

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn thu từ xuất nhập khẩu qua cửa khẩu vẫn được điều tiết về ngân sách trung ương. Việc thiếu cơ chế giữ lại hợp lý các khoản thu từ hoạt động logistics – dịch vụ cửa khẩu khiến địa phương chưa có đủ dư địa để tái đầu tư hạ tầng và nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ.

1.3. Định hướng hình thành khu thương mại tự do và trung tâm logistics biên giới

Để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lào Cai cần chủ động đề xuất thí điểm mô hình “Khu thương mại tự do Lào Cai – Hà Khẩu” theo hướng: kết hợp trung chuyển hàng ASEAN đi Trung Quốc, ưu đãi thuế – phí – hạ tầng cho doanh nghiệp tham gia, đồng thời tăng khả năng giữ lại nguồn thu cho địa phương. Mô hình này không chỉ làm tăng giá trị hàng hóa qua cửa khẩu, mà còn giúp thu hút các tập đoàn logistics, hãng vận tải quốc tế và chuỗi thương mại điện tử xuyên biên giới về đầu tư, đóng góp trực tiếp vào ngân sách tỉnh.

Song song, Lào Cai cần xây dựng “Trung tâm logistics biên giới” với đầy đủ chức năng: kho ngoại quan, kho kiểm định, vận tải đa phương thức, thanh toán điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa… để nâng cấp toàn diện năng lực cung ứng dịch vụ cửa khẩu. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý logistics (như hải quan điện tử, hệ thống E-logistics) sẽ giúp minh bạch hóa dòng hàng – dòng tiền – dòng thuế, giảm thất thoát và tăng thu hiệu quả.

1.4. Mục tiêu tài khóa và đề xuất chính sách đặc thù

Với tốc độ tăng trưởng thương mại biên giới hiện nay, nếu có cơ chế giữ lại từ 50–70% nguồn thu từ phí hạ tầng, kho bãi, dịch vụ logistics, Lào Cai có thể đạt mục tiêu thu từ kinh tế cửa khẩu lên đến 6.000–10.000 tỷ đồng/năm vào năm 2030 – tương đương hơn 40% tổng thu ngân sách nội địa hiện tại. Đây sẽ là một trong những trụ cột chiến lược của cơ cấu thu ngân sách địa phương trong giai đoạn tới.

Do đó, tỉnh cần chủ động kiến nghị trung ương ban hành cơ chế tài khóa đặc thù đối với vùng động lực biên mậu Lào Cai – Yên Bái, cho phép giữ lại phần lớn nguồn thu phát sinh từ hoạt động xuất nhập khẩu, phí logistics và dịch vụ cửa khẩu trong thời gian ít nhất 10 năm, nhằm tái đầu tư vào hạ tầng, logistics và năng lực quản trị biên mậu.

Lào Cai là một trong hai địa phương duy nhất cả nước có tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc. Cần khai thác tối đa lợi thế này để hình thành hệ sinh thái logistics – thương mại biên giới có chiều sâu, đồng thời kiến nghị cơ chế giữ lại 50–70% nguồn thu từ phí hạ tầng, kho bãi, logistics.

Đề xuất xây dựng khu thương mại tự do Lào Cai – Hà Khẩu để thu hút hàng ASEAN vào Trung Quốc, từ đó tăng nguồn thu thuế GTGT, TNDN.

2. Công nghiệp chế biến sâu – khai khoáng có kiểm soát: Mở rộng nguồn thu từ gia tăng giá trị tại chỗ

Công nghiệp khai khoáng và chế biến tài nguyên là một trong những ngành kinh tế có truyền thống lâu đời và đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu thu ngân sách của Lào Cai – Yên Bái.

Với việc hai tỉnh sáp nhập, địa phương mới hình thành sở hữu một hệ sinh thái khoáng sản đa dạng, quy mô lớn và có khả năng phát triển thành các chuỗi chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao, qua đó mang lại nguồn thu bền vững và lâu dài cho ngân sách địa phương nếu được tổ chức, quản trị và kiểm soát hiệu quả.

2.1. Lào Cai – Yên Bái: Vùng khoáng sản chiến lược của miền Bắc

Lào Cai là nơi tập trung hơn 90% trữ lượng apatit toàn quốc, với hơn 2,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, đồng thời sở hữu các mỏ đồng, sắt, đá vôi trắng, cao lanh và đất hiếm có giá trị kinh tế cao.

Trong khi đó, Yên Bái cũng nổi tiếng với các mỏ khoáng sản đặc hữu như: đá hoa trắng tại Lục Yên, quặng sắt tại Văn Chấn, đồng và chì kẽm ở Văn Yên, vàng tại Trạm Tấu, và đặc biệt là cao lanh, fenspat, đá quý và bán quý (ruby, sapphire, spinel...) – vốn đã và đang được khai thác cho xuất khẩu và chế tác mỹ nghệ.

Lào Cai mới sau sáp nhập có thể xem là vùng hội tụ của cả khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì, kẽm, vàng) lẫn phi kim loại (apatit, đá trắng, đất hiếm, fenspat, cao lanh, đá quý), tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm công nghiệp chế biến vật liệu cơ bản, hóa chất công nghiệp, mỹ nghệ – trang sức và vật liệu xây dựng cao cấp.

2.2. Hạn chế mô hình “khai thác thô – nộp phí” và chuyển hướng sang “chế biến sâu – nộp thuế”

Hiện nay, phần lớn các nguồn thu từ khai khoáng vẫn đến từ phí tài nguyên – một loại thu có tỷ lệ thấp (3–5% giá trị hàng hóa), và chưa phản ánh đúng đóng góp thực tế của hoạt động này vào ngân sách. Trong khi đó, các khoản thu từ thuế TNDN, thuế GTGT, phí môi trường... lại phụ thuộc vào mức độ chế biến, quy mô nhà máy và chuỗi giá trị đầu ra tại chỗ.

Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) hay Khu công nghiệp Mông Sơn (Yên Bái) cho thấy: nếu khai thác gắn với chế biến sâu – đặc biệt là chế biến hóa chất từ apatit, vật liệu xây dựng từ đá vôi trắng, hoặc sản phẩm mỹ nghệ từ đá quý – thì nguồn thu cho ngân sách địa phương sẽ tăng gấp 3–5 lần so với chỉ xuất bán nguyên liệu.

2.3. Mục tiêu tài khóa và khuyến nghị chính sách

Với nền tảng tài nguyên đa dạng và phong phú như hiện nay, Lào Cai mới có đủ điều kiện để đặt mục tiêu tăng gấp đôi nguồn thu ngân sách từ công nghiệp chế biến và khai khoáng có kiểm soát trong 5 năm tới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:

Rà soát, phân vùng và công bố danh mục mỏ đấu giá ưu tiên, theo hướng không cấp phép tự phát, mà có quy hoạch đi kèm chỉ tiêu tài chính cụ thể.

Phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành tại Tằng Loỏng (Lào Cai), Mông Sơn (Yên Bái), Văn Yên và Lục Yên, trong đó tích hợp cả ngành chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng và chế tác mỹ nghệ.

Đề xuất cơ chế giữ lại 60–70% nguồn thu phát sinh mới từ khai khoáng và chế biến sâu, trong giai đoạn 10 năm sau sáp nhập, để tái đầu tư vào hạ tầng và công nghệ xử lý môi trường trong khu vực khai thác.

3. Du lịch – dịch vụ chất lượng cao

Bên cạnh thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và vị trí cửa khẩu quốc tế, du lịch chính là một trong những lĩnh vực có tiềm năng đột phá lớn nhất trong chiến lược phát triển nguồn thu bền vững của tỉnh Lào Cai mới.

Việc sáp nhập hai địa phương – Lào Cai và Yên Bái – mở ra cơ hội thiết lập một không gian du lịch liên kết vùng rộng lớn, đa dạng về địa hình, khí hậu, văn hóa và trải nghiệm – từ núi cao hùng vĩ đến thung lũng bản địa, từ di sản văn hóa đến thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, để du lịch trở thành nguồn thu ngân sách thực sự hiệu quả, cần tái định vị ngành theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao và có khả năng khai thác sâu giá trị bản địa.

3.1. Không gian du lịch đa dạng – sản phẩm độc đáo mang tầm quốc gia

Sau sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới sở hữu một quần thể điểm đến du lịch có thể xem là độc đáo nhất miền Bắc, bao gồm:

Sapa – Bát Xát – Y Tý: du lịch núi, nghỉ dưỡng cao cấp, săn mây, trekking và thể thao mạo hiểm;

Bắc Hà – Si Ma Cai – Mường Khương: du lịch văn hóa – lễ hội – chợ phiên – trải nghiệm bản địa;

Mù Cang Chải – Trạm Tấu – Văn Chấn (Yên Bái): ruộng bậc thang – di sản quốc gia đặc biệt, dù lượn mạo hiểm, trải nghiệm cộng đồng;

Thành phố Lào Cai và thị xã Nghĩa Lộ: trung tâm du lịch đô thị, thương mại, dịch vụ – điểm trung chuyển và lưu trú cho khách quốc tế.

Theo thống kê của ngành Du lịch Lào Cai và Yên Bái, tổng lượt khách du lịch năm 2023 của hai tỉnh đạt gần 9 triệu lượt, trong đó có trên 750.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Pháp, Úc, Mỹ và ASEAN. Doanh thu toàn ngành du lịch đạt gần 15.000 tỷ đồng, nhưng mức đóng góp vào ngân sách vẫn còn khiêm tốn do quy mô doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ nộp thuế thấp và sản phẩm chưa có độ “sâu” về chuỗi giá trị.

3.2. Du lịch cao cấp – dịch vụ bản địa: động lực tăng thu ngân sách hiệu quả

Một trong những bất cập hiện nay là mô hình du lịch vẫn còn thiên về trải nghiệm giá rẻ, lưu trú phân tán, thu nhập chủ yếu từ vé vào cửa hoặc dịch vụ nhỏ lẻ, khiến ngân sách địa phương khó thu được nguồn lớn từ thuế GTGT, TNDN hoặc phí lưu trú. Trong khi đó, nếu định vị du lịch ở phân khúc nghỉ dưỡng núi cao cấp, trải nghiệm bản địa cao giá trị, hoặc du lịch thể thao – văn hóa – sáng tạo thì chi tiêu bình quân đầu người có thể tăng gấp 3–5 lần.

Ví dụ, tại Y Tý hoặc Mù Cang Chải, một mô hình homestay tiêu chuẩn cao, có dịch vụ trọn gói (hướng dẫn viên, vận chuyển, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, ẩm thực…) có thể mang lại doanh thu từ 2–4 triệu đồng/ngày/khách. Trong khi đó, mô hình cư trú giá rẻ dưới 200.000 đồng/người/đêm gần như không đóng góp đáng kể vào ngân sách.

3.3. Mô hình “đặc khu du lịch” – chia sẻ doanh thu, nâng hiệu quả thuế

Để đảm bảo du lịch không chỉ phát triển về lượng mà còn tạo ra nguồn thu chất lượng, tỉnh cần thí điểm mô hình “đặc khu du lịch” tại một số địa bàn trọng điểm như Sapa – Y Tý, Bắc Hà – Mường Khương, Mù Cang Chải – Văn Chấn.

Đây là nơi có thể áp dụng cơ chế:

Ưu đãi thuê đất dài hạn cho nhà đầu tư chiến lược;Áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu – phân bổ ngân sách động thay vì chỉ thu cố định theo diện tích đất thuê;

Kết hợp với quy hoạch “xanh – thông minh – có kiểm soát” để bảo tồn tài nguyên du lịch bền vững.

Ngoài ra, cần có công cụ số hóa dữ liệu khách du lịch, doanh thu dịch vụ, đồng bộ với cơ quan thuế, tài chính và thống kê để hạn chế thất thu, giám sát dòng thuế phát sinh theo thời gian thực.

3.4. Mục tiêu và lộ trình tài khóa

Tỉnh Lào Cai mới hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đưa tỷ trọng nguồn thu từ du lịch – dịch vụ chiếm 15–20% tổng thu nội địa vào năm 2035, với điều kiện tái cấu trúc không gian du lịch theo hướng liên kết vùng – chuyên sâu – đa trải nghiệm.

Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp trọng tâm gồm:

Phát triển các cụm du lịch đặc thù: nghỉ dưỡng núi (Sapa, Y Tý), thể thao mạo hiểm (Mù Cang Chải), văn hóa bản địa (Bắc Hà, Nghĩa Lộ), du lịch nông nghiệp – sáng tạo (Trạm Tấu, Văn Chấn);

Ưu tiên thu hút nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu quốc tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bản địa nâng cấp sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số và chuẩn hóa vận hành;

Kiến nghị cơ chế giữ lại phần thu từ du lịch phát sinh mới để tái đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và bảo tồn bản sắc địa phương. 4. Đô thị hóa thông minh – phát triển đất đai.

4. Đô thị hóa thông minh – phát triển đất đai

Trong bối cảnh Lào Cai và Yên Bái hợp nhất thành một thực thể hành chính – kinh tế mới với quy mô diện tích tự nhiên là 13.256,92 km2; quy mô dân số là trên 1,6 triệu. người, yêu cầu đặt ra không chỉ là mở rộng phát triển đô thị theo chiều rộng, mà còn cần tái cấu trúc hệ thống đô thị theo chiều sâu – hướng tới mô hình “đô thị hóa thông minh” làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững và tạo nguồn thu ổn định, hiệu quả từ đất đai, hạ tầng và các dịch vụ đô thị.

4.1. Tiềm năng hình thành hai cực tăng trưởng đô thị động lực.

Hiện nay, Lào Cai (TP. Lào Cai) và Yên Bái (TP. Yên Bái) đã được xác định là hai đô thị trung tâm cấp vùng trong quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cả hai thành phố đều có lợi thế rõ nét về vị trí giao thương (gần cao tốc Nội Bài – Lào Cai), kết nối hạ tầng tốt, và khả năng phát triển đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ.Việc sáp nhập mở ra cơ hội xây dựng trục đô thị động lực mới, nối từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai đến trung tâm công nghiệp – hậu cần – giáo dục – y tế tại TP. Yên Bái, qua đó hình thành các cực phát triển đô thị vệ tinh tại Bảo Thắng, Trấn Yên, Văn Yên. Đây là cơ sở để tạo ra các khu đô thị mới, khu thương mại – dịch vụ, khu tái định cư và đô thị công nhân gắn với quy hoạch đất đai hợp lý, từ đó tăng thu cho ngân sách địa phương.

4.2. Nguồn thu từ đất đai – động lực tài khóa dễ huy động

Theo kinh nghiệm thực tiễn từ các tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, thu từ đất đai (gồm tiền sử dụng đất, đấu giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khai thác quỹ đất công) có thể chiếm từ 20–35% tổng thu ngân sách địa phương trong giai đoạn phát triển hạ tầng – đô thị hóa nhanh.

Lào Cai mới, với diện tích trên 13.200 km² và quỹ đất dọc các tuyến hạ tầng chiến lược còn lớn, hoàn toàn có thể thiết lập “quỹ đất chiến lược” để phát triển các khu đô thị – dịch vụ – công nghiệp – logistics gắn với đấu giá công khai. Đây là phương thức tạo thu hợp pháp, nhanh, quy mô lớn, và phù hợp với xu hướng thị trường bất động sản phục hồi sau Covid-19.

4.3. Định hướng phát triển đô thị hóa thông minh – tuần hoàn

Điểm khác biệt quan trọng của Lào Cai – Yên Bái so với các tỉnh đô thị hóa truyền thống là quỹ đất còn lớn, mật độ dân số vừa phải, có thể quy hoạch lại từ đầu theo hướng thông minh – tuần hoàn – bền vững.

Đây là cơ hội để tỉnh:

Thiết lập các khu đô thị thông minh: tích hợp hạ tầng kỹ thuật – công nghệ số – môi trường sống – dịch vụ công.

Phát triển đô thị sinh thái vùng cao, hài hòa giữa dân cư bản địa, hạ tầng xanh và bảo tồn cảnh quan.

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đất đai, đấu giá đất, cấp phép xây dựng để minh bạch hóa nguồn thu và tăng hiệu quả quản trị đô thị.

4.4. Mục tiêu tài khóa và khuyến nghị chính sách

Tỉnh có thể đặt mục tiêu đến năm 2030: thu từ đất đai và phát triển đô thị chiếm 25–30% tổng thu ngân sách nội địa, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ đầu tư hạ tầng sau sáp nhập.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp:

Lập danh mục các khu đất có giá trị thương mại – công nghiệp cao, đưa vào kế hoạch đấu giá đất hằng năm theo hình thức công khai – cạnh tranh.

Hình thành Quỹ phát triển đất cấp tỉnh, phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái đầu tư vào hạ tầng giao thông, thoát nước, công viên đô thị…

Đề xuất cơ chế giữ lại toàn bộ nguồn thu từ đấu giá đất trong 10 năm đầu, để tạo nguồn lực tài chính đầu tư ngược trở lại vào phát triển đô thị.

5. Dịch vụ số – kinh tế số vùng cao

5.1. Nền tảng phát triển

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, các địa phương trung du và miền núi – dù có xuất phát điểm thấp – vẫn có thể “bước dài” bằng công nghệ nếu đi đúng hướng. Lào Cai và Yên Bái, với đặc thù địa hình phân tán, dân cư vùng cao đông đảo, tỷ lệ người dân có nhu cầu sử dụng smartphone cao.

Tại Lào Cai, 99% trung tâm thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng di động và 85,6% thôn, tổ dân phố có cáp quang Internet. Tại Yên Bái, 99% thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động và 95% có Internet băng rộng cố định.

Những điều này, cho thấy Lào Cai mới đang hội đủ điều kiện để phát triển kinh tế số vùng cao, qua đó hình thành một trục nguồn thu mới – ổn định, tăng trưởng nhanh, ít phụ thuộc vào tài nguyên.

Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như: mật ong bạc hà, lợn đen, gạo Séng Cù, nấm hương, quế Yên Bái, dược liệu Sa Pa… đang ngày càng được tiêu thụ qua các kênh trực tuyến, mang lại doanh thu cao hơn, đồng thời rút ngắn chuỗi trung gian, giúp người dân vùng cao tăng thu nhập thực tế.

Cùng với đó, các dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu, nền tảng thanh toán số, logistics điện tử… đang dần phát triển, mở ra tiềm năng thu ngân sách từ thuế GTGT, TNDN, phí dịch vụ nền tảng, vận chuyển và thanh toán số.

Không chỉ là lĩnh vực tạo ra nguồn thu mới, kinh tế số còn là công cụ hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính công. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, thu phí dịch vụ công, giám sát doanh thu du lịch, thương mại… giúp minh bạch hóa dòng tiền, giảm thất thoát, tăng tính chủ động trong điều hành tài khóa.

5.2. Định hướng phát triển: từ kết nối hộ sản xuất đến hạ tầng số vùng cao

Để biến kinh tế số thành nguồn thu thực chất, Lào Cai mới cần tập trung vào ba hướng chiến lược:

Hỗ trợ người dân và hợp tác xã vùng cao tham gia chuỗi TMĐT (trên các sàn như Postmart, Voso, Tiki, Shopee…), qua đó tăng doanh thu, đồng thời tạo cơ sở thu phí nền tảng, logistics, thanh toán.

Phát triển hạ tầng dịch vụ số cấp tỉnh: trung tâm dữ liệu, trung tâm chuyển đổi số cộng đồng, nền tảng quản lý thông minh cho các lĩnh vực nông nghiệp – du lịch – giáo dục – y tế.

Xây dựng cơ chế thu ngân sách từ kinh tế số: xác định rõ địa bàn phát sinh thuế, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ đăng ký hoạt động và nộp thuế tại địa phương (thay vì tập trung về Hà Nội/HCM).

5.3. Mục tiêu và lộ trình thu ngân sách từ dịch vụ – kinh tế số

Dù xuất phát từ quy mô nhỏ, nhưng với tốc độ tăng trưởng hàng năm >20% và biên lợi nhuận cao, dịch vụ số có thể trở thành nguồn thu bền vững và tăng trưởng nhanh nhất của tỉnh trong giai đoạn 2025–2035.

Tỉnh có thể đặt mục tiêu đến năm 2030:

Thu từ dịch vụ số chiếm 5–7% tổng thu nội địa, và đến năm 2035 tăng lên 10–12%, tương đương thu từ một trụ cột ngân sách chính.

100% xã, phường có điểm chuyển đổi số cộng đồng, hỗ trợ thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, phục vụ điều hành tài khóa – kinh tế – dân sinh theo mô hình “chính quyền số”.

IV. KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Để các trục nguồn thu chiến lược có thể phát huy hiệu quả thực tế và tạo dư địa tài khóa vững chắc cho tỉnh Lào Cai sau sáp nhập, cần song song với việc phát triển kinh tế – kỹ thuật là việc thiết kế và vận hành một hệ thống chính sách tài khóa linh hoạt, phân cấp hợp lý và khuyến khích địa phương chủ động giữ lại giá trị gia tăng. Việc này không chỉ giúp bảo đảm tính bền vững của nguồn thu, mà còn tạo động lực tái đầu tư trở lại vào các ngành trụ cột và hạ tầng chiến lược.

1. Kiến nghị cấp trung ương: Cơ chế đặc thù cho “vùng động lực Lào Cai – Yên Bái”

1.1. Cho phép giữ lại phần lớn nguồn thu phát sinh mới từ các trục động lực

Các nguồn thu phát sinh từ xuất nhập khẩu, logistics cửa khẩu, đấu giá đất, dịch vụ du lịch cao cấp và khai thác – chế biến khoáng sản tại Lào Cai mới đều có giá trị lớn, nhưng hiện nay đa phần điều tiết về trung ương. Do đó, tỉnh kiến nghị được giữ lại 50–70% nguồn thu phát sinh mới trong vòng 10 năm (2026–2035), cụ thể:

Giữ lại phần lớn thuế GTGT và TNDN phát sinh mới từ doanh nghiệp logistics – chế biến – du lịch.

Giữ lại 100% các khoản thu phí hạ tầng, phí dịch vụ cửa khẩu, đấu giá đất đô thị hóa.

Ưu tiên tái đầu tư các nguồn này vào hạ tầng kết nối cửa khẩu, công nghiệp chế biến, và du lịch vùng cao.

1.2. Đề xuất cơ chế tài khóa vùng động lực liên tỉnh

Lào Cai – Yên Bái có thể thí điểm cơ chế vùng tài khóa liên kết, áp dụng tại các cụm cửa khẩu, cụm công nghiệp liên huyện, hoặc hành lang đô thị – dịch vụ liên tỉnh (Lào Cai – Bảo Thắng – Trấn Yên – TP Yên Bái). Cần có chính sách:

Đồng đầu tư – chia sẻ thu, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, logistics và dịch vụ công.

Phân quyền thu – chi linh hoạt cho từng cụm chức năng, như khu logistics, khu du lịch đặc thù hoặc khu thương mại tự do.

1.3. Ban hành chính sách ưu đãi thuế – đất – phí gắn với điều kiện tăng thu ngân sách

Thay vì hỗ trợ dàn trải, kiến nghị áp dụng chính sách “ưu đãi có điều kiện” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể:

Miễn, giảm thuế trong 3–5 năm đầu nhưng phải cam kết tỷ lệ nộp ngân sách tăng dần.

Ưu đãi thuê đất dài hạn, nhưng ràng buộc về hiệu suất sử dụng đất và tỷ lệ giá trị gia tăng tạo ra tại chỗ

2. Đề xuất cấp địa phương: Hoàn thiện cơ chế điều hành tài khóa theo chiến lược

2.1. Thành lập Ban phát triển nguồn thu cấp tỉnh

Đây là đầu mối chuyên trách về chiến lược nguồn thu, có nhiệm vụ:

Tổ chức rà soát các tiềm năng phát sinh thu ngân sách mới.

Đề xuất cơ chế giữ lại – phân bổ nguồn thu hợp lý.

Theo dõi hiệu quả tài khóa theo từng trụ cột ngành kinh tế, làm cơ sở điều chỉnh đầu tư và thu hút nguồn lực.

2.2. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý thu – chi ngân sách

Tỉnh cần ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ tài chính công, gồm:

Hệ thống phân tích nguồn thu theo thời gian thực, gắn với dữ liệu thuế, đất đai, đấu giá, giao dịch thương mại – du lịch.

Bản đồ tài khóa không gian: trực quan hóa vùng động lực thu ngân sách, vùng rò rỉ nguồn thu, làm cơ sở định hướng chính sách thu – chi trung hạn.

2.3. Đổi mới tư duy thu – chi ngân sách địa phương

Cần chuyển từ tư duy “bình quân – phân bổ chỉ tiêu cứng” sang “quản lý ngân sách theo hiệu quả đầu tư”. Các đơn vị sử dụng ngân sách nên được đánh giá theo tiêu chí: khả năng tạo thu bền vững, mức độ thu hút đầu tư, và chỉ số lan tỏa tài khóa.

KẾT LUẬN:

Trong bối cảnh Lào Cai và Yên Bái sáp nhập để hình thành một đơn vị hành chính – kinh tế mới có quy mô lớn, thách thức về quản trị ngân sách không chỉ nằm ở nhu cầu chi tiêu gia tăng mà còn đặt ra yêu cầu bức thiết phải tái cấu trúc tư duy tạo thu.

Việc duy trì cách tiếp cận cũ – lệ thuộc vào điều tiết từ trung ương – sẽ không đủ để đảm bảo an ninh tài khóa, càng không đủ để thực hiện những tham vọng phát triển mang tính bứt phá trong giai đoạn tới.

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một chiến lược nguồn thu hiện đại, lấy nguyên lý “đầu tư – khai thác – giữ lại” làm trọng tâm, đồng thời kết nối chặt chẽ giữa tiềm năng địa phương và thiết kế chính sách tài khóa phù hợp. Cụ thể, 5 trục động lực thu ngân sách – từ logistics cửa khẩu, khai khoáng chế biến sâu, du lịch chất lượng cao, đô thị hóa thông minh, đến dịch vụ số vùng cao – không chỉ là các ngành tăng trưởng mà còn là hệ sinh thái tạo nguồn thu ổn định, lâu dài và có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chiến lược thu ngân sách cho Lào Cai mới không thể đơn thuần dựa vào nỗ lực nội tại. Nó đòi hỏi một khung chính sách tài khóa đặc thù, phân quyền mạnh mẽ, linh hoạt trong điều phối, và minh bạch trong theo dõi hiệu quả. Trong đó, việc giữ lại phần lớn nguồn thu phát sinh mới trong 10 năm đầu là điều kiện tiên quyết để đầu tư trở lại cho hạ tầng, dịch vụ công, công nghệ và nâng cao năng lực quản trị địa phương.

Lào Cai mới đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển mình từ “tỉnh nhận hỗ trợ” thành “vùng đóng góp tích cực”. Muốn vậy, cần bắt đầu bằng một bước đi chiến lược – kiến tạo một mô hình tài khóa thích ứng, tự chủ và công bằng, để ngân sách không chỉ là công cụ cân đối chi – thu, mà trở thành đòn bẩy phát triển toàn diện, bền vững và hội nhập.

T.S, LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chien-luoc-phat-trien-nguon-thu-cho-lao-cai-sau-sap-nhap-99998.html