Công đoàn Việt Nam lý giải về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 9,2%
Về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng, đại diện người lao động - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu cao nhất lên đến 9,2%. Trong khi đó, đại diện người sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất điều chỉnh 3 - 5%. Mức tang này áp dụng từ 1/1/2026.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn Nhạc Phan Linh, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Đó là phương án tăng 9,2% và 8,3%.
Về điều chỉnh lương tối thiểu giờ, đại diện người lao động đề nghị xác định mức lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi lương tối thiểu tháng và có hệ số điều chỉnh.

Lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động. Ảnh: TTXVN
Căn cứ đề xuất mức tang này, ông Phan Nhạc Linh cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như những báo cáo tại diễn đàn Quốc hội, cùng với kết quả điều tra, khảo sát thường xuyên của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Với căn cứ trên, ông Linh cho biết, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 15.000 USD/người, trong khi hiện nay chỉ đạt 4.700 USD/người. Như vậy, mỗi năm thu nhập của người lao động phải tăng trên 400 USD, tương đương 12 triệu đồng/người.
Cũng theo ông Linh, nếu mức tăng lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp chỉ quanh mức 5 - 6% thì sẽ tạo ra khoảng cách lớn so với mức tăng sắp tới của khu vực công chức, viên chức, từ đó có thể gây tâm lý so sánh, tác động đến tâm lý xã hội và sự ổn định chung.
Tại khảo sát của Tổng Liên đoàn vào 2 tháng 3 và 4/2025 ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của 3.000 công nhân, lao động cũng cho thấy: Có 93,25% người lao động trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã được điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho một bộ phận người lao động có mức lương thấp, chỉ để đóng bảo hiểm nên tiền lương thực tế của người lao động không tăng. Việc này phản ánh sự thiếu nghiêm túc trong thực thi pháp luật, hoặc có thể do doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính, hoặc cố tình “lách” luật.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 54,9% người lao động cho biết, tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống. Nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất.
Có 12,5% người lao động thường xuyên (hằng tháng) phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.
Chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).
Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động, đồng thời cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.
Có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình cho biết, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ bảo đảm cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng.
Hơn 53,3% người lao động cho biết, tiền lương chỉ đáp ứng một phần (trên 50%) nhu cầu chi cho giáo dục con cái; 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ.
Với thực trạng trên, việc tiếp tục điều chỉnh sớm tiền lương tối thiểu vùng là quan trọng, cấp bách và hết sức cần thiết đối với người lao động và gia đình họ.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đề cập đến đời sống của người lao động trước áp lực tăng giá và thu nhập suy giảm, đại biểu Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu vùng hiện nay chưa thật sự đáp ứng được mức sống tối thiểu như tinh thần của Bộ luật Lao động.
Theo đại biểu, công nhân tại khu công nghiệp đang phải đối mặt với sức ép kép, một mặt là giá điện, giá vàng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm cũng tăng theo, mặt khác là tình trạng việc làm không ổn định, thu nhập giảm sút, đời sống bấp bênh.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn đưa ra dẫn chứng, tính từ năm 2023 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng giá điện 4 lần với tỷ lệ tăng là 17%, trong khi đó lương tối thiểu vùng của công nhân chỉ tăng 1 lần với mức tăng là 6%. Việc tăng này khiến nhiều người lao động không đủ trang trải cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì nói gì đến tiết kiệm hay đầu tư cho tương lai.
Thay mặt cho cử tri là công nhân lao động, đại biểu tha thiết kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát lạm phát bình ổn các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá điện và lương thực, thực phẩm. Đồng thời, nghiên cứu chính sách điều chỉnh giá điện theo hướng ưu đãi cho người thu nhập thấp.
Đại biểu cũng đề nghị khẩn trương xem xét, điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7. Đây không chỉ là khuyến nghị mang tính kỹ thuật mà là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn của đời sống người lao động. Mức lương tối thiểu vùng cần thật sự đáp ứng mức sống tối thiểu, đúng với tinh thần quy định trong Bộ luật Lao động.
Tính từ năm 2009 đến nay, lương tối thiểu vùng đã qua 16 lần điều chỉnh. Gần đây nhất, từ 1/7/2024, Nghị định 74/2024/NĐ-CP Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo tháng 6%, với các mức: vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng.