Chiến lược số có giúp doanh nghiệp Việt xoay chuyển thế khó?

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo AI trong chiến lược số được hứa hẹn sẽ là yếu tố 'xoay chuyển' thế khó cho các doanh nghiệp Việt như hiện nay nếu như họ linh động nắm bắt được xu hướng này. Điều đó có thể thấy rõ từ đà phục hồi mạnh của ngành du lịch sẽ không thể thiếu vai trò của chiến lược số và AI, trong đó có Chat GPT.

Trong khi lĩnh vực sản xuất công nghiệp gặp khó khăn triền miên nhiều tháng liền thì các doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch ở Việt Nam đang xoay chuyển được thế khó, có đà phục hồi mạnh mẽ. Trong quý 2/2023, du lịch và lữ hành được cho là một trong ba lĩnh vực hàng đầu có thể đạt tăng trưởng cao.

Từ đà phục hồi của du lịch…

Và theo những dự báo, Việt Nam có thể sẽ đón được 110 triệu lượt khách trong năm 2023, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu 650.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trong bối cảnh khó khăn chung, những DN phát triển chiến lược số xung quanh việc nắm bắt AI sẽ có khả năng là người chiến thắng trong lĩnh vực của họ.

Trong bối cảnh khó khăn chung, những DN phát triển chiến lược số xung quanh việc nắm bắt AI sẽ có khả năng là người chiến thắng trong lĩnh vực của họ.

Không những vậy, mô hình du lịch kết hợp bán lẻ đang được xem như “mỏ vàng” cho nhiều ngành kinh tế khác. Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, du lịch vẫn dẫn dắt tăng trưởng bán lẻ. Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút khách du lịch nhờ sản phẩm và tài nguyên du lịch phong phú. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt sẽ chỉ có thể đạt được các mục tiêu đề ra nếu chất lượng dịch vụ và chiến lược số cũng được cải thiện tương ứng.

Nhất là trong bối cảnh kỳ vọng từ người tiêu dùng và người dùng cuối ngày càng tăng cao. Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, khách du lịch sẽ mong đợi được thấy mức độ hiệu quả và mức độ dịch vụ tương đương.

Để thích ứng với mong đợi của khách du lịch đòi hỏi các DN du lịch và lữ hành trong nước không thể bỏ qua việc áp dụng AI trong chiến lược số của mình. Điển hình như việc ứng dụng Chat GPT (một công cụ ứng dụng công nghệ AI đang thịnh hành trên toàn cầu với khả năng siêu việt có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người hỏi đưa ra).

Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học RMIT, lưu ý: Với những công ty du lịch nhỏ, họ có thể kết nối Chat GPT để cung cấp phản hồi cho các câu hỏi trên khắp thế giới, chẳng hạn như đề xuất các chuyến tham quan được cá nhân hóa cho khách hàng. Nếu do con người thực hiện, việc này có thể tốn thời gian và chi phí.

“Chat GPT có thể thay thế và giảm số nhân lực cần thiết trong quá trình này. Cuối cùng, khi khách hàng tiềm năng cảm thấy hài lòng, con người có thể tham gia vào quá trình để đặt vé máy bay, các tour du lịch và khách sạn”, giáo sư Kok-Leong Ong chia sẻ.

…Đến nắm bắt trí tuệ nhân tạo

Tuy vậy, bên cạnh việc cần thiết đầu tư vào AI đối với các DN du lịch, giáo sư Kok-Leong Ong cũng chỉ ra một số thách thức có thể xảy ra khi sử dụng AI với các DN Việt hiện nay. Đó là các DN vẫn sẽ cần phải đầu tư và hiểu rõ về khả năng của công nghệ.

“Việc sử dụng công nghệ tương đối dễ dàng, điều khó khăn hơn nhiều là việc tích hợp chính sách kinh doanh và yêu cầu pháp lý từ chính quyền địa phương vào AI như một phần của quy trình kinh doanh của DN”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bởi lẽ, nếu như đang sử dụng một dịch vụ khác, các DN Việt cũng phải đối phó với những trở ngại thông thường, chẳng hạn như thỏa thuận cấp độ dịch vụ, bảo trì và cập nhật. Do đó, việc sử dụng những công cụ như Chat GPT sẽ không phải là khoản đầu tư một lần, mà thay vào đó, DN vẫn cần phải liên tục duy trì công nghệ giống như bất kỳ hệ thống số nào.

Vị chuyên gia của RMIT lưu ý câu hỏi về khi nào, mức độ ra sao và làm như thế nào… cho việc áp dụng AI phụ thuộc rất nhiều vào từng DN. Tuy nhiên, những DN có thể phát triển chiến lược xung quanh việc nắm bắt AI sẽ có khả năng là người chiến thắng trong lĩnh vực của họ nếu xem xét các rủi ro và phát triển các kế hoạch để quản lý rủi ro.

Giáo sư Kok-Leong Ong cũng khẳng định: Nhìn từ quá khứ, những công ty nắm bắt và tìm cách tận dụng công nghệ mới thường trở nên rất thành công và được hưởng lợi từ đối thủ vốn không chịu thay đổi. Trong đó, AI không chỉ mang lại hiệu quả cho các DN, mà còn thúc đẩy năng suất thông qua tăng hiệu quả, nhưng nó cũng sẽ gia tăng kinh nghiệm.

Điều này đặc biệt hiệu quả ở Việt Nam do tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao, và nhiều người dùng các nền tảng như Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok để kết nối với bạn bè, gia đình, cũng như các nhãn hàng.

Nhất là với chiến lược số góp phần giúp DN thu thập và phân tích dữ liệu. Với công cụ và hệ thống phù hợp, các DN Việt có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm, về khách hàng của mình. Sau đó, họ có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của công ty, cũng như giúp các hoạt động marketing mục tiêu hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà các công ty Việt Nam gặp phải khi thực hiện chiến lược số như hiện nay là họ vẫn còn thiếu hiểu biết về lợi ích tiềm năng trong lĩnh vực này.

Vấn đề đang nằm ở chỗ nhiều DN Việt vẫn còn tương đối nhỏ và có thể không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển và thực hiện chiến lược số hay AI một cách hiệu quả, cũng như lo ngại về chi phí và nỗ lực cần bỏ ra để thực hiện. Nhưng, nếu cứ giữ mãi những hạn chế như vậy, việc lún sâu vào bế tắc của DN sẽ còn kéo dài cho đến “bờ vực” phá sản.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chien-luoc-so-co-giup-doanh-nghiep-viet-xoay-chuyen-the-kho-1092843.html