Chiến lược thoát khỏi hội chứng 'hậu team building'
Sau chuyến team building dài ngày thư giãn, vui vẻ, không ít nhân sự phải đối mặt với cảm giác chán nản khi quay lại guồng công việc dày đặc.

Chuẩn bị tâm lý quay lại làm việc là điều nhân sự cần làm để "lấy đà" trước khi vô guồng quay. Ảnh minh họa: LRM Exterior/Pexels.
Sau những ngày gắn kết cùng đồng nghiệp trong các hoạt động team building vui vẻ và được nghỉ ngơi dài ngày, việc quay lại bàn làm việc với hàng loạt email, báo cáo và deadline có thể khiến nhân sự cảm thấy hụt hẫng.
Hiện tượng “hội chứng sau kỳ nghỉ” (post-vacation blues) này khiến nhiều người cảm thấy lo âu, thiếu động lực khi phải chuyển từ trạng thái tự do, thoải mái sang nhịp độ công việc dày đặc.
Các chuyên gia nhân sự nhận định đây là phản ứng tự nhiên khi cơ thể và tâm trí phải điều chỉnh từ trạng thái thư giãn sang môi trường áp lực.
Thay vì tự trách bản thân vì không thể ngay lập tức “vào guồng”, Jack Kelly, cây bút từ Forbes, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến phát triển sự nghiệp, xu hướng thị trường lao động, cho rằng người lao động hãy cho phép mình thời gian để thích nghi.
Việc thừa nhận cảm giác này không chỉ giúp nhân sự giảm áp lực mà còn tạo điều kiện để tái hòa nhập một cách tự nhiên hơn.
Chuẩn bị tâm lý quay lại làm việc
Một cách hiệu gặp để giảm thiểu “hội chứng sau kỳ nghỉ” là chuẩn bị tâm lý trước khi trở lại văn phòng. Nhân sự có thể bắt đầu bằng việc điều chỉnh lịch sinh hoạt như quay lại giờ ngủ và ăn uống đúng nhịp độ công việc, sắp xếp lại không gian làm việc để tạo cảm giác sẵn sàng.
Ngoài ra, người lao động có thể dành thời gian xem lại các nhiệm vụ sắp tới hoặc lên danh sách ưu tiên cho tuần đầu tiên. Những bước nhỏ này giúp tâm trí dần làm quen với nhịp độ công việc, giảm cảm giác choáng ngợp khi bước vào ngày làm việc đầu tiên.
Đặt mục tiêu rõ ràng, tạo động lực dài hạn
Để biến giai đoạn chuyển giao này thành cơ hội, nhân sự nên đặt ra những mục tiêu cụ thể và khả thi. Đó có thể là hoàn thành một dự án quan trọng, nâng cao một kỹ năng chuyên môn hoặc cải thiện sự gắn kết với đồng đội. Những mục tiêu này giúp nhân viên tập trung và mang lại cảm giác có định hướng, tránh bị cuốn vào cảm giác trống rỗng sau kỳ nghỉ.
Bên cạnh đó, người lao động có thể nhìn xa hơn bằng cách lập kế hoạch cho những cột mốc thú vị trong năm, như tham gia một khóa học mới hoặc tận dụng ngày phép để khám phá một điểm đến yêu thích. Những kế hoạch này sẽ là “ngọn lửa” tiếp thêm động lực trong những ngày đông ảm đạm.

Chuyến team building kéo dài vốn được kỳ vọng sẽ "nạp lại năng lượng" cho nhân sự, song lại có thể gây ra "hội chứng sau kỳ nghỉ". Ảnh minh họa: Linh Huỳnh.
Rèn luyện chánh niệm và nuôi dưỡng lòng biết ơn
Trong giai đoạn chuyển đổi, việc thực hành chánh niệm (mindfulness) có thể là cách giúp nhân sự giữ bình tĩnh và tập trung. Nhân viên có thể dành vài phút mỗi ngày để thiền, hít thở sâu hoặc quan sát môi trường xung quanh một cách có ý thức. Những kỹ thuật này giúp giảm căng thẳng và duy trì trạng thái cân bằng.
Đồng thời, người lao động nên nuôi dưỡng lòng biết ơn bằng cách ghi nhận những điều tích cực trong công việc, bao gồm sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cơ hội phát triển bản thân đến ý nghĩa mà công việc mang lại.
Kết nối lại với đồng nghiệp
Mối quan hệ tại nơi làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc lấy lại tinh thần sau team building. Nhân sự nên tận dụng cơ hội để tái kết nối với đồng nghiệp, chia sẻ những câu chuyện từ kỳ nghỉ hoặc thảo luận về các kế hoạch công việc sắp tới.
Một môi trường làm việc tích cực, mọi người chia sẻ và hợp tác, chính là liều thuốc tinh thần giúp người lao động vượt qua những ngày đầu quay lại.

Việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ giúp nhân viên cảm thấy được hỗ trợ, từ đó khơi dậy động lực làm việc. Ảnh minh họa: Kindel Media/Pexels.
Nhìn nhận khó khăn chỉ là tạm thời
Không thể tránh khỏi những trở ngại khi quay lại công việc, khối lượng công việc dồn nén, những vấn đề phát sinh bất ngờ. Tuy nhiên, nhân sự cần nhắc nhở rằng những khó khăn này chỉ là tạm thời. Người lao động đã từng vượt qua những giai đoạn tương tự trong quá khứ và hoàn toàn có thể làm được lần nữa.
Một tư duy kiên cường sẽ giúp nhân viên nhìn nhận mọi thứ trong bức tranh lớn hơn, tránh bị cuốn vào những căng thẳng nhất thời.
Biến thách thức thành cơ hội
Hội chứng “sau team building” không nhất thiết phải là một trở ngại. Với cách tiếp cận đúng đắn, nhân sự có thể biến giai đoạn này thành cơ hội để tái định hình bản thân và công việc. Hãy coi đây là thời điểm để đặt nền móng cho một năm làm việc hiệu quả và trọn vẹn.
Bằng cách kết hợp giữa tự chăm sóc, đặt mục tiêu rõ ràng và duy trì tư duy tích cực, nhân viên không chỉ vượt qua cảm giác chán nản mà còn khởi đầu năm mới với năng lượng và sự tự tin.