Quan tâm đa chiều người nghèo, Ba Bể tập trung giải quyết việc làm
Ba Bể (Bắc Kạn) là huyện có đồng bào 5 dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo hiện là 24,22%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 2% đến 2,5%.
Ba Bể (Bắc Kạn) là huyện có đồng bào 5 dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo hiện là 24,22%, giảm gần 4% so với năm 2019. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 2 đến 2,5%.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Ba Bể đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết về chăn nuôi, trồng trọt gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Khoảng 4 năm nay, huyện triển khai trên 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; các dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho 326 hộ nghèo và 168 hộ cận nghèo, 26 hộ mới thoát nghèo.
Một trong những điểm sáng trong nỗ lực giảm nghèo đa chiều, bền vững tại Ba Bể là xã Yến Dương. Địa phương này lựa chọn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hiện xã có 6 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả và 21 tổ hợp tác phát triển sản xuất gắn với các chuỗi giá trị với tổng số. Gần một nửa số hộ (hơn 120 hộ) tham gia các mô hình này thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Gia đình bà Hoàng Thị Ương, thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương, là một trong các hộ tham gia liên kết với hợp tác xã Yến Dương trồng cây bí xanh thơm. Các hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó, cây trồng cho năng suất tốt. Không chỉ thế, các hộ nghèo cũng thêm yên tâm sản xuất khi được hợp tác xã đảm bảo thu mua sản phẩm.
Với diện tích khoảng 3.000m2 trồng bí xanh thơm, mỗi vụ gia đình thu hoạch được khoảng 5 tấn quả, cho khoản thu nhập trên 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tính trên toàn huyện Ba Bể, diện tích trồng bí xanh thơm đạt trên 200ha, tăng hơn 160ha so với năm 2019.
Một mô hình khác tạo được nhiều việc làm bền vững cho nhiều người nghèo tại xã Yến Dương là hợp tác xã Nhung Lũy ở thôn Nà Nghè. Hiện hợp tác xã này có 20 thành viên chính thức, thu nhập bình quân đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Để mở rộng quy mô, hợp tác xã đã thành lập 36 tổ hợp tác với khoảng 400 thành viên, trong đó có hơn 160 hộ nghèo, cận nghèo liên kết trồng nguyên liệu. Cũng như mô hình trồng bí xanh thơm, các hộ tham gia mô hình liên kết trồng nguyên liệu này được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Bằng nhiều phương thức khác nhau trong hành trình giảm nghèo đa chiều, toàn diện, người dân ở Yến Dương không chỉ được tăng thu nhập, tạo việc làm tại chỗ, còn tạo điều kiện cho người nghèo đi làm. Năm 2023, xã có 114 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước; 12 người tham gia xuất khẩu lao động, vượt xa chỉ tiêu đặt ra đầu năm.
Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 24,03%. Hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm đầy đủ các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở...
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, năm 2024, tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Ba Bể ưu tiên tạo việc làm và tăng thu nhập, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh, tăng cường tiếp cận vốn vay ưu đãi. Huyện cũng chú trọng triển khai các chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo.
Hiện nay, huyện Ba Bể có hơn 34.000 người trong độ tuổi lao động, đa số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (trên 80%). Ngoài việc giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, huyện tổ chức kết nối, giới thiệu lao động, đào tạo nghề và bố trí việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa phương.
Huyện tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho các lao động trong độ tuổi; tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện tư vấn, vận động người lao động tham gia đào tạo thợ lò theo quy chế phối hợp giữa Huyện ủy Ba Bể và Đảng ủy Trường Cao Đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam.
Đến nay, toàn huyện có trên 7.000 lượt lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có gần 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khoảng 200 lượt lao động đi làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam với mức thu nhập trung bình từ 20-22 triệu đồng/tháng. Hơn 5.700 lao động được tạo việc làm mới, hơn 1.300 lao động được dạy nghề.