Chiến lược thu hút những du khách đặc biệt của Indonesia
Người du mục kỹ thuật số là nhóm du khách mà Indonesia đang muốn 'chinh phục'.
Đầu tháng này, ông Sandiaga Uno - Bộ trưởng bộ Du lịch Indonesia cho biết quốc gia này đang cố gắng thu hút nhiều "digital nomad" (người du mục kỹ thuật số: sống theo cách du mục trong khi làm việc từ xa thông qua công nghệ và Internet) hơn đến các bờ biển nhiệt đới ở đây. Cung cấp visa linh hoạt hơn là một trong những động thái Indonesia đang thực hiện.
Theo Reuters, trong những năm gần đây, một số điểm đến ở châu Á đã chứng kiến làn sóng du mục kỹ thuật số hoặc du khách lưu trú dài ngày từ nước ngoài kết hợp du lịch và giải trí với làm việc từ xa.
Ông Sandiaga Uno cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Instagram của mình rằng những người du mục kỹ thuật số hiện có thể đến Indonesia và làm việc trong tối đa 6 tháng bằng visa văn hóa - xã hội mà nước này cấp.
"Tôi ngày càng tin rằng số lượng khách du lịch nước ngoài quan tâm đến việc lưu trú tại Indonesia sẽ tăng lên. Điều đó có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của đất nước", vị Bộ trưởng chia sẻ.
Việc làm theo diện visa này trước đây chưa được phép và Indonesia vẫn chưa đề ra cách để đánh thuế những người du mục kỹ thuật số. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã được Hội đồng du lịch Bali đón nhận tích cực.
Ông Ida Bagus Agung Partha Adnyana - Chủ tịch Hội đồng, cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực để nắm lấy cơ hội này. Mặc dù vậy, chúng tôi đề nghị chính phủ đưa ra quy định rõ ràng hơn. Ví dụ, du khách phải trả một khoản thuế nhất định cho Indonesia nếu họ làm việc từ xa".
Thời điểm hiện tại, Sở di trú Indonesia chưa phản hồi yêu cầu bình luận liên quan đến vấn đề trên.
Theo Hiệp hội Du lịch Indonesia, lượng khách nước ngoài đến Bali dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch là 6 triệu người vào năm 2025, khi hòn đảo này phục hồi sau các tác động của đại dịch COVID-19.
Dữ liệu từ Bộ du lịch Indonesia cho thấy hơn 3.000 người du mục kỹ thuật số đã tới Indonesia từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, chủ yếu từ Nga, Anh và Đức. Phần lớn trong số đó chọn Bali là nơi lưu trú và làm việc của mình.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tìm cách khai thác các cơ hội làm việc từ xa. Philippines đang cung cấp các gói "làm việc" tại khu nghỉ mát Boracay, trong khi Malaysia công bố các quy định trong tuần này cho phép những người du mục kỹ thuật số đủ điều kiện ở lại trong 12 tháng.
Tuy nhiên, những người du mục kỹ thuật số không phải đối tượng duy nhất mà nhiều quốc gia nổi tiếng về du lịch hướng tới. Họ đang tung ra nhiều ưu đãi để thu hút khách du lịch nói chung đến với đất nước của mình.
Theo dữ liệu công bố ngày 19/9 vừa qua, Thái Lan dự kiến doanh thu du lịch trong năm tới sẽ đạt 64,5 tỷ USD, bằng khoảng 80% so với trước đại dịch.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan cho biết: "Chúng ra đang trên đà phục hồi. Kế hoạch điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không sẽ phù hợp với lượng khách ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa cao điểm cuối năm".
Từ lâu, lĩnh vực này đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của Thái Lan, chiếm khoảng 18% GDP cả nước. Năm 2019, Thái Lan đã chào đón 39 triệu khách du lịch với chi tiêu 91 tỷ USD. Nhưng 1 năm sau, con số này đã sụt giảm thê thảm do ảnh hưởng của đại dịch.
Lĩnh vực này đã phục hồi từ tháng 7 năm nay, khi Thái Lan quyết định mở cửa hoàn toàn trở lại. Trong năm nay, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến sẽ có từ 7 triệu đến 10 triệu khách du lịch nước ngoài. Chỉ riêng trong tháng 9, số du khách đến đây dự kiến đạt hơn 1 triệu người. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong 3 tháng còn lại của năm.
Nguồn: Nikkei, Reuters