Chiến lược thuế quan của Trump: Mỹ rời bỏ hệ thống thương mại toàn cầu?

Động thái này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại của Mỹ, đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là dấu chấm hết cho kỷ nguyên toàn cầu hóa đã thúc đẩy kinh tế thế giới suốt nhiều thập kỷ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Wall Street Journal ngày 3/4, kế hoạch "Ngày Giải phóng" của Tổng thống Donald Trump đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại của Mỹ. Với việc áp đặt thuế quan mới trên diện rộng đối với hàng nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu, Nhà Trắng rõ ràng muốn hàng hóa bán cho người tiêu dùng Mỹ được sản xuất tại các nhà máy Mỹ - chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ.

Mức thuế mới và tác động

Kế hoạch thuế quan mới bao gồm thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài và các loại thuế lớn hơn được gọi là thuế đối ứng. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới 54%, Việt Nam là 46% và Liên minh châu Âu là 20%.

"Việc làm và các nhà máy sẽ ồ ạt quay trở lại đất nước chúng ta, và các bạn thấy điều đó đang xảy ra rồi", ông Trump tuyên bố. Ông nhấn mạnh: "Nếu các bạn muốn mức thuế suất của mình bằng 0, thì hãy xây dựng sản phẩm của mình ngay tại nước Mỹ".

Hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Mexico và Canada, đã được miễn các mức thuế mới, với bất kỳ hàng hóa nào tuân thủ hiệp định thương mại tự do của họ vẫn không phải chịu thuế. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này vẫn phải đối mặt với mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu không thuộc hiệp định, cùng với mối đe dọa rằng Tổng thống Mỹ có thể hủy bỏ thỏa thuận vì các vấn đề phi thương mại như ma túy và di cư.

Trung Quốc - mục tiêu chính

Trung Quốc là quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất trong kế hoạch này. Mức thuế mới 34% sẽ được cộng thêm vào các mức thuế trước đó. Điều đó có nghĩa là mức thuế suất cơ bản đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là 54% sau ngày 9/4. Nếu ông Trump cuối cùng áp đặt thêm thuế suất 25% đối với Trung Quốc vì mua dầu của Venezuela, thì tổng thuế suất có thể tăng lên 79%.

Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài, đã xây dựng các nhà máy từ đồ chơi và quần áo đến ô tô, máy móc và thiết bị điện tử công nghệ cao. Hiện nay, nước này thống trị sản xuất toàn cầu, với thặng dư thương mại năm ngoái là 1 nghìn tỷ USD.

Tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Tham vọng "Sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Trump có nghĩa là dòng vốn đầu tư dồi dào trong những năm gần đây đã đổ vào các điểm đến sản xuất chi phí thấp, cũng như các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ phải thay đổi. Các công ty đang xem xét lại các lựa chọn của mình về nơi tốt nhất để đầu tư.

"Mỹ đã ở trung tâm của toàn cầu hóa. Bây giờ Mỹ muốn rút lui", Andre Sapir, cựu quan chức EU, hiện là Giáo sư kinh tế tại Đại học Tự do Brussels, nhận xét.

Trong những tuần kể từ khi ông Trump nhậm chức, nhiều công ty lớn như Apple, Hyundai, Johnson & Johnson và Eli Lilly đã báo hiệu rằng họ đang chuẩn bị mở rộng hoạt động tại Mỹ để ứng phó thuế quan mới.

Tuy nhiên, việc gỡ rối các chuỗi cung ứng của thế giới và chuyển đến Mỹ theo cách ông Trump mong muốn là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém. Các giám đốc điều hành cho biết cũng có rủi ro là Tổng thống Trump sẽ giảm thuế quan nếu ông có thể sử dụng chúng để giành được nhượng bộ về thương mại từ các quốc gia khác.

"Việc thay đổi mọi thứ sẽ khá phức tạp", Derrick Kam, nhà kinh tế châu Á tại Morgan Stanley, nhận định. Ông nói rằng quá trình đó sẽ chậm, tốn kém và đầy thách thức.

Các nhà kinh tế cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng đầu tư làm suy giảm tăng trưởng khi các công ty đứng ngoài cuộc cho đến lúc bức tranh thương mại rõ ràng hơn.

Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược của chính quyền Trump đang có hiệu quả. Khoảng một nửa doanh nghiệp kỹ thuật của Đức muốn tăng cường đầu tư vào Mỹ, cả do thuế quan và quy mô của thị trường, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức (VDMA).

"Gã khổng lồ" kỹ thuật Đức Siemens cho biết tháng trước họ sẽ tăng thêm 10 tỷ USD đầu tư vào Mỹ, bao gồm các cơ sở sản xuất mới ở Fort Worth, Texas và Pomona, California, tạo ra hơn 900 việc làm sản xuất lành nghề.

Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) cũng công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 100 tỷ USD nữa vào các nhà máy sản xuất chip ở Mỹ trong vài năm tới. Ông Trump đã miễn thuế đối với chất bán dẫn, mặc dù Đài Loan sẽ phải đối mặt với mức thuế 32% cho các mặt hàng khác.

Các công ty điện tử Đài Loan như Foxconn, Compal và Inventec cũng đang tìm kiếm các khoản đầu tư mới ở Texas, nhằm đảm bảo hạ tầng cho sản xuất máy chủ AI.

Thách thức trong việc tái công nghiệp hóa

Bất chấp những vấn đề trên, các biện pháp về ý định đầu tư kinh doanh cho thấy rằng trên toàn bộ nền kinh tế, các kế hoạch chi tiêu của các công ty đang bị cắt giảm trong bối cảnh không chắc chắn về thuế quan.

Một vấn đề quan trọng khác là sản xuất của Mỹ thiếu nguồn cung trong nước về các vật liệu và linh kiện cơ bản có thể được sản xuất ở nước ngoài với chi phí rẻ hơn nhiều. Các nhà sản xuất Mỹ đã phải vật lộn với chi phí ngày càng tăng của các linh kiện cơ bản, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải dễ dàng tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Bạn không thể chỉ áp thuế quan và bật công tắc rồi đột nhiên Mỹ lại trở thành một quốc gia công nghiệp", Dan Digre, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Misco Speakers ở Minnesota, nhận định. Công ty của ông phụ thuộc vào các nhà máy ở nước ngoài để có được các bộ phận thiết yếu, nhiều bộ phận trong số đó từ Trung Quốc.

Chủ tịch Digre cho biết doanh nghiệp của ông đã chi khoảng 14 triệu USD để trả thuế quan kể từ năm 2018 và đã tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở Việt Nam và các khu vực khác của châu Á. Nhưng với những mức thuế mới trên diện rộng, "rất khó để biết phải làm gì và không có nơi nào là an toàn".

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-luoc-thue-quan-cua-trump-my-roi-bo-he-thong-thuong-mai-toan-cau-20250403092642591.htm