Áp thuế 46%: Tâm điểm sắp tới là đối thoại Việt - Mỹ

Tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng này, đặc biệt đoàn công tác của Chính phủ đến New York vào cuối tuần này.

Cao hơn dự đoán

Ngày 2/4 (giờ Mỹ, tức ngày 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường VinaCapital - cho rằng: “Thị trường trước đó đều kỳ vọng mức thuế đối ứng chỉ 10% cho Việt Nam và chúng tôi thậm chí còn dự báo ở mức thấp hơn vì nhiều lý do, trong đó việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ và những vấn đề kinh tế mà mức thuế này gây ra”.

Việc áp dụng mức thuế 46% sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ảnh: Dương Hưng.

Việc áp dụng mức thuế 46% sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ảnh: Dương Hưng.

Thông báo từ Nhà Trắng cho rằng Việt Nam đang áp mức thuế lên tới 90% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cho biết, con số 90% này được tính toán bằng cách lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chia cho tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, lấy 123 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2024 chia cho 137 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ.

Cách tính này khớp với số liệu “thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ” mà Tổng thống Trump đã đưa ra tại buổi họp báo công bố các mức thuế của các quốc gia. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ.

Bước đầu, thông tin tích cực trong ngành năng lượng, khi Việt Nam sẽ nhanh chóng nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm bằng cách sử dụng các tàu chứa khí hóa lỏng nổi vì việc xây dựng các cảng LNG có thể sẽ mất nhiều năm.

Thị trường phản ứng ra sao?

Ông Michael Kokalari cho biết thêm, phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng mức thuế đối ứng 46% chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump. Dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này.

Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25%. Điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã giảm gần 7% trong phiên hôm nay, với lực bán trải đều trên toàn thị trường, cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.

Áp thuế 46% sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Ảnh: Việt Linh.

Áp thuế 46% sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Ảnh: Việt Linh.

“Chúng tôi đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn khi bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn”, ông Michael Kokalari nói.

Trên thị trường ngoại hối, phản ứng ban đầu của tỷ giá USD/VNĐ khá nhẹ nhàng, với mức mất giá chưa đến 1% sau tin tức này và tổng cộng chưa đến 2% từ đầu năm đến nay. Thực tế, biến động của tỷ giá USD/VND phản ánh việc còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng, bao gồm khả năng sẽ có các “ngoại lệ” cho một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ap-thue-46-tam-diem-sap-toi-la-doi-thoai-viet-my-post1730813.tpo