Chiến lược Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu của Nga đang phát huy tác dụng?

Mỹ lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu ở Nga sẽ khiến giá dầu tăng vọt. Trên thực tế, chúng đang tỏ ra hiệu quả hơn lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây.

Nga đã bị ảnh hưởng nhất định do các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các cơ sở lọc dầu. Ảnh: TASS

Nga đã bị ảnh hưởng nhất định do các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các cơ sở lọc dầu. Ảnh: TASS

Theo nhận định của chuyên gia về Đông Âu Ben Aris, Tổng biên tập tại Business New Europe ngày 10/5, các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu ở Nga đang làm được điều mà các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của phương Tây đã không đạt được: giảm thu nhập từ sản xuất dầu của Điện Kremlin, hạn chế nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và đẩy giá trong nước lên cao, nhưng không ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ quốc tế. Bất chấp những lo ngại của Mỹ, tác động của các cuộc tấn công như vậy sẽ khiến giá dầu quốc tế giảm chứ không phải tăng.

Ông Aris cho rằng, kể từ khi cuộc đối đầu bằng phương tiện bay không người lái (UAV) gia tăng vào đầu năm nay, các UAV tầm xa mới đã tấn công ít nhất 20 mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, gây ra thiệt hại nhất định và khiến các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động trong nhiều tuần khi việc sửa chữa ngày càng khó thực hiện.

Các cuộc tấn công đó không phá hủy các nhà máy lọc dầu. Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, hầu hết các nhà máy lọc dầu ở Nga đều được xây dựng có khả năng chống chọi với cuộc tấn công và có hệ thống phòng không bảo vệ. Tuy nhiên, kết quả là sản lượng sản phẩm dầu của Nga đã giảm khoảng 14% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong lĩnh vực dân sự, nếu không nói là cả ngành công nghiệp và quân sự. Nga có năng lực sản xuất dư thừa đáng kể để có thể xuất khẩu và ước tính chỉ có khoảng 40% nhà máy lọc dầu của nước này nằm trong phạm vi tấn công của UAV từ Ukraine. Nhưng các cuộc tấn công đã khiến giá dầu và dầu diesel trong nước tăng vọt.

Các cuộc tấn công đã buộc Moskva phải thực hiện lệnh cấm xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu từ Belarus trong 6 tháng, cũng như yêu cầu Kazakhstan tạo nguồn dự trữ 100.000 thùng trong trường hợp khẩn cấp. Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã buộc phải cắt giảm công suất lọc dầu, điều này đang gây tổn hại cho nền kinh tế mà Điện Kremlin dựa vào để duy trì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Như vậy, theo chuyên gia Aris, các cuộc tấn công của Ukraine đã đạt được điều mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm được: "Làm giảm khả năng của Nga trong việc chuyển đổi dầu thô thành nhiên liệu cần thiết để cung cấp ho quân đội nước này".

Nhưng chiến lược này đã khiến Mỹ rất lo lắng, khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bày tỏ lo ngại rằng những cuộc tấn công này có thể "có tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu" bằng cách đẩy giá dầu toàn cầu lên cao. Đến nay, điều đó đã không xảy ra.

Ukraine khẳng định rằng việc nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ làm giảm giá dầu quốc tế. Bằng cách hạn chế khả năng lọc dầu của Nga, Kiev buộc Moskva phải xuất khẩu thêm dầu thô, tăng nguồn cung và đẩy giá xuống.

Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev (KSE) và cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, cho biết: “Nga đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn, trong khi xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của nước này đã đạt mức thấp gần như lịch sử”.

Chuyên gia Mylovanov cho biết thêm: “Moskva chỉ xuất khẩu hơn 712.000 tấn dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác trong tuần cuối cùng của tháng 4 năm nay, giảm so với hơn 844.000 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô hàng tháng đã tăng 9% từ tháng 2 đến tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng và cao thứ ba kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022".

Chỉ trong ngày 9 và 10/5, có ba nhà máy lọc dầu Nga trở thành mục tiêu tấn công của UAV từ Ukraine. Một UAV của Ukraine cũng đã tấn công nhà máy lọc dầu Gazprom ở Salavat (Salavatnefteorgsintez) của Nga, cách biên giới Ukraine 1.500 km, lần đầu tiên khu vực này bị tấn công kể từ khi xung đột nổ ra. Nhà máy lọc dầu này là một trong những tổ hợp sản xuất lọc dầu và hóa dầu lớn nhất của Nga, nơi chuyên sản xuất xăng, nhiên liệu diesel và các loại sản phẩm dầu mỏ khác. Năm 2022, nhà máy lọc dầu Salavat đã xử lý 6,7 triệu tấn dầu.

Năm 2023, Nga sản xuất khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) - ngang mức trước xung đột - một nửa trong số đó được tinh chế trong nước để sản xuất các sản phẩm nhiên liệu, bao gồm xăng và dầu diesel, được quân đội và thị trường nội địa tiêu thụ. 50% còn lại được xuất khẩu dưới dạng dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài.

Mặc dù Nga tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil nhưng hầu hết các quốc gia phương Tây đã ngừng nhập khẩu nhiên liệu đã qua tinh chế của Nga. Các cuộc tấn công của Ukraine đã làm giảm công suất lọc dầu tới 900.000 thùng/ngày của Nga, dẫn đến việc sửa chữa bị chậm trễ do thiết bị phức tạp và các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản việc tiếp cận các bộ phận chuyên dụng.

Với khả năng lưu trữ dầu hạn chế, Nga phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: tăng xuất khẩu dầu thô với giá thấp hơn hoặc ngừng khai thác. Nếu Nga ngừng sản xuất, giá dầu toàn cầu sẽ tăng, đẩy chi phí nhiên liệu của Nga tăng lên, nhưng lại làm giảm doanh thu xuất khẩu dầu mà nước này cần.

Chuyên gia Aris kết luận, Nga hiện đang tăng cường xuất khẩu dầu thô khi sản lượng các sản phẩm đã lọc giảm, với lượng xuất khẩu hàng tháng tăng 9% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng. Ngược lại, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của nước này đã giảm mạnh.

Như vậy, chiến lược của Ukraine đang phát huy tác dụng và đang gây ra tổn thất rõ rệt cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga. Sản lượng dầu diesel đã giảm 16% và sản lượng xăng giảm 9% kể từ khi Ukraine bắt đầu nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Nhưng bất chấp tác động trên, các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu sẽ không sớm chấm dứt xung đột: Giá dầu cao hiện nay, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+, đã khiến nguồn thu cho ngân sách của Nga tăng đột biến. Theo Công cụ theo dõi dầu mỏ Nga tháng 4 của Viện KSE, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên 17,2 tỷ USD vào tháng 3/2024, do giá dầu toàn cầu cao hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo bne.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chien-luoc-ukraine-tan-cong-nha-may-loc-dau-cua-nga-dang-phat-huy-tac-dung-20240511184206550.htm