Chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà văn hóa tài năng của dân tộc
Ngày 4-10-2020, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu. Đọc trên các báo, tạp chí, tôi thấy ít người viết về anh. Tôi băn khoăn tự hỏi, và cố tìm câu trả lời, trước hết cho chính mình. Bình tĩnh và công tâm để nhìn nhận và đánh giá sự cống hiến to lớn của một con người, một đời người đâu phải dễ. Phải chăng vì anh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo công tác tư tưởng ở tầm vĩ mô, vừa là nhà văn hóa, nhà thơ cách mạng của một thời máu lửa, mà chưa có đủ một cái nhìn tổng thể? Đã một thời không xa, cả dân tộc ta đã gồng mình, vượt lên trên sức chịu đựng của con người cho sự tồn tại và chiến thắng, cho dựng xây và hội nhập cộng đồng quốc tế, để có Tổ quốc Việt Nam ngày nay mà mọi người đều có quyền tự hào, đều có quyền yêu mến. Tố Hữu đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang như thế.
Ngày 4-10-2020, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu. Đọc trên các báo, tạp chí, tôi thấy ít người viết về anh. Tôi băn khoăn tự hỏi, và cố tìm câu trả lời, trước hết cho chính mình. Bình tĩnh và công tâm để nhìn nhận và đánh giá sự cống hiến to lớn của một con người, một đời người đâu phải dễ. Phải chăng vì anh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo công tác tư tưởng ở tầm vĩ mô, vừa là nhà văn hóa, nhà thơ cách mạng của một thời máu lửa, mà chưa có đủ một cái nhìn tổng thể? Đã một thời không xa, cả dân tộc ta đã gồng mình, vượt lên trên sức chịu đựng của con người cho sự tồn tại và chiến thắng, cho dựng xây và hội nhập cộng đồng quốc tế, để có Tổ quốc Việt Nam ngày nay mà mọi người đều có quyền tự hào, đều có quyền yêu mến. Tố Hữu đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang như thế.
Tôi đã dành nhiều thời gian đọc các bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà hoạt động văn hóa - nghệ thuật lớn, các nhà văn, nhà thơ, những “cây đa, cây đề” lừng danh tên tuổi, những bạn đời cùng trận tuyến và kể cả những người dân bình thường có dịp gặp gỡ nhà thơ, “gặp anh Tố Hữu”,... Tất cả đều nói đến tầm vóc Tố Hữu “trên cơ” của đội ngũ những người hoạt động cách mạng trẻ tuổi và đội ngũ những nhà thơ cách mạng. Nhưng phần lớn những tầng cao văn hóa này đã ra đi trước anh và theo anh ra đi,...
Tôi tin ở sự thật, lịch sử không thể chối từ. Những nhà văn hóa thực thụ, tôn trọng chân - thiện - mỹ vẫn đồng hành với tiếng nói chung của toàn dân tộc, tôn vinh Tố Hữu trên cả hai phương diện: Chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo công tác tư tưởng và nhà văn hóa tài năng, nhà thơ cách mạng vĩ đại.
Trong “Lời điếu” tiễn biệt Tố Hữu, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ nhấn mạnh: “Đồng chí Tố Hữu là một nhà cách mạng lão thành, hoạt động không mệt mỏi, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”.
Trong bài “Mãi mãi nhớ anh Tố Hữu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tố Hữu là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của đất nước, nhà thơ lớn của thời đại”, “hồn thơ cách mạng của Tố Hữu sẽ sống mãi với non sông, đất nước, với tâm hồn người Việt Nam”. Nhưng, trước khi trở thành nhà thơ, “nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của đất nước”, như Đại tướng nói, Tố Hữu là người sớm giác ngộ cách mạng, là nhà hoạt động chính trị từng trải, một người cộng sản trung kiên. Anh là nhà cách mạng nhiệt thành, say sưa với lý tưởng cộng sản, xả thân vì thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì khát vọng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lợi ích của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc.
Tố Hữu là người lãnh đạo trẻ tuổi tham gia thời kỳ cách mạng dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939): 16 tuổi, anh tham gia công tác Đoàn thanh niên và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. 17 tuổi vào Đảng và 18 tuổi, Tố Hữu tham gia Thành ủy Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và Thanh vận. 23 tuổi, Tố Hữu đã làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Chưa đầy 25 tuổi, Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, sau đó làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Trong lịch sử cách mạng của Đảng ta, xông pha từ tuổi trẻ, trở thành người có vai trò lãnh đạo như Tố Hữu, chắc không nhiều.
Tố Hữu cũng là chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi ở cương vị lãnh đạo sớm phải trải qua sự đày ải của lao tù. Ngục tù của thực dân đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người cộng sản trẻ
tuổi Tố Hữu. Anh là tấm gương sáng thực hiện khẩu hiệu của Đảng, “Biến nhà tù đế quốc thành trường học”. Trong giam cầm, xiềng xích, anh học hỏi các thế hệ đàn anh về kinh nghiệm hoạt động, vừa rèn luyện ý chí vừa làm thơ tự răn dạy mình, khẳng định con đường cách mạng, cổ vũ, tập hợp đồng chí, đồng bào. Đối với anh, làm thơ chủ yếu để giãi bày lòng mình với đời, với cách mạng, với Đảng và nhân dân; làm thơ cũng để làm cách mạng.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, hầu hết thời gian và tâm lực, anh dành cho công tác tư tưởng, tuyên truyền, công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng. Anh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sự, trợ thủ đắc lực của các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ suốt chiều dài hai cuộc chiến tranh vĩ đại chống đế quốc xâm lược. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), mới hơn 30 tuổi, Tố Hữu đã đọc tham luận Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam, đề ra nhiệm vụ đoàn kết rộng rãi những người làm công tác văn nghệ phụng sự kháng chiến, kiến quốc: “Văn nghệ phải trở thành một phong trào, một sự nghiệp do quảng đại nhân dân tham gia xây dựng”. Trong bài tổng kết Đại hội Văn công toàn quốc, năm 1954, Tố Hữu biểu dương những điệu múa, những vở kịch, màn chèo, tuồng, cải lương thể hiện con người Việt Nam yêu cuộc sống và đấu tranh cho cuộc sống tự do, lao động, hòa bình. Anh nhấn mạnh: “Cám ơn những nghệ sĩ đã làm cho chúng ta yêu thương thêm Tổ quốc vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Giữ trọng trách trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, Tố Hữu là người luôn định hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật phải xuất phát từ lợi ích dân tộc, gắn với dân tộc. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, dân tộc luôn là cội nguồn, là nội dung, là bản sắc của văn hóa. Những quan điểm về văn hóa dân tộc, phương hướng nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn phải xuyên suốt sợi chỉ đỏ dân tộc, được thể hiện đầy đủ trong các bài nói, bài viết của Tố Hữu: Xây dựng nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (nhân Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, 10-1962), Giá trị của nền văn nghệ các dân tộc thiểu số trong toàn bộ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam (Hội nghị sáng tác văn học của các dân tộc thiểu số miền bắc), Cách mạng tư tưởng và văn hóa với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, 12-1976), Vài suy nghĩ về công tác nghiên cứu văn học (Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Văn học),...
Ngày nay, và cả mai sau, khi nói đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu, chúng ta không thể không nói đến nhà thơ Tố Hữu; và khi nói đến nhà thơ Tố Hữu, cũng không thể không nói đến người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta, Nhà nước ta. Ở trong anh, nhà thơ và nhà hoạt động cách mạng hòa quyện vào nhau, tuy hai là một, tuy một mà là hai, tùy thời điểm, lúc câu thúc, hối hả, lúc thư giãn của đời người. Năm tháng sẽ trôi qua, trải nghiệm có cả vinh danh và xáo trộn , sắp xếp lại, tùy góc độ của sự nhận biết mỗi người, bên cạnh sự ngợi ca chắc có cả sự đố kỵ, hiểu lầm; có thể trong trang thơ nào đó của anh còn có những điều chưa được như mong muốn, nhưng ở tầm cao bao quát, ở chiều sâu lắng đọng giá trị thơ ca, Tố Hữu xứng đáng được khẳng định là nhà thơ cách mạng lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ 20.
Nếu hiểu văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử của một dân tộc, thì tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta là cuộc đọ sức giữa văn hóa văn minh với văn hóa bạo tàn. Cách mạng là văn hóa, đổi mới là văn hóa, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định. Nói Tố Hữu với văn hóa dân tộc, hay thơ Tố Hữu với văn hóa dân tộc, trong trường hợp này, thực chất nói Tố Hữu với dân tộc Việt Nam, trong thơ có cách mạng, trong cách mạng có thơ.
Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai viết: “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó là đặc sắc và bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca. Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng từ trước đến sau. Vinh dự của thi sĩ là đã ghi được một thành công chắc chắn cho văn học của nước nhà, cho văn học cách mạng, văn học xây dựng theo nguyên tắc của Đảng”. Chế Lan Viên kể lại: “Tôi và Tố Hữu bước vào làng thơ cùng một thời kỳ. Nếu tôi lên đường thơ là có công Hàn Mạc Tử, thì tôi lên đường thơ cách mạng là có công Tố Hữu. Không phải chỉ là việc gặp anh khi cách mạng thành công”. Ở một bài viết khác, Chế Lan Viên khẳng định: “Không thể không nói đến lòng trung thành của Tố Hữu với lý tưởng cộng sản, với tổ chức đảng và đường lối văn học của Đảng. Không có Đảng, không có thơ anh,… Anh là một nhà thơ cộng sản”. Cây đại thụ thơ tình Xuân Diệu, nói về bạn của mình: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đến trình độ là thơ rất trữ tình, trong từng giai đoạn gay go của cuộc đấu tranh, thơ chính trị đạt đến thơ hay, là niềm vui sướng cho tâm và trí của người đọc”. Tố Hữu với dân tộc, thơ Tố Hữu với văn hóa dân tộc được thể hiện bằng sự đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia, cảm thông, đau đớn và tự hào. Tố Hữu tự cho mình “là con của vạn nhà/Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ”. Trước cách mạng, có nhà thơ nào có sự cảm thông, chia sẻ nỗi buồn, bất hạnh, nâng niu từng số phận con người như trong những bài thơ của Tố Hữu: Mồ côi, Hai đứa bé,Tương tri, Lão đày tớ, Đi đi em, Vú em, Tiếng hát sông Hương. Trong lao tù đế quốc, Tố Hữu có biết bao bài thơ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng, tinh thần lạc quan cách mạng phơi phới niềm tin: Hầm người, Lao Bảo, Liên hiệp lại, Những người không chết, Như những con tầu, Giờ quyết định, Tranh đấu, Trăng trối, Dậy mà đi,... Trong những năm chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, người chiến sĩ, công nhân, nông dân, thanh thiếu niên, người dân bình thường trở thành nhân vật trung tâm để thơ anh ngợi ca: Cá nước, Phá đường, Bà bủ, Bầm ơi, Lượm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tiếng chổi tre, Hãy nhớ lấy lời tôi, Gặp anh Hồ Giáo,... Rất nhiều người gọi Tố Hữu là “nhà thơ của lý tưởng cách mạng”, đầy lạc quan yêu đời, đầy nhiệt huyết hiến dâng, xả thân cho dân tộc, cho đất nước. Biết bao thế hệ đã đi vào cách mạng với niềm say sưa, ngây ngất bởi những vần thơ bốc lửa của Tố Hữu, thúc giục trái tim, tự giác hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân:
Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn
Và không hề dám chối một nguy nan.
(Trăng trối)
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
(Nước non ngàn dặm)
Nói đến Tố Hữu, không thể không đề cập tình cảm thiết tha, đậm đà của anh dành cho Tổ quốc, nhân dân, lòng kính yêu với Đảng, với Bác Hồ. Có lẽ Tố Hữu là người có nhiều trường ca nhất về Bác Hồ, về Đảng quang vinh: Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Nước non ngàn dặm, Với Đảng mùa xuân, Đảng và thơ; Hồ Chí Minh (8-1945), Sáng tháng Năm (5-1951), Cánh chim không mỏi (12-1960), Bác ơi (9-1969), Theo chân Bác (1-1970).
Biết bao nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên đã thể hiện hết mình ngợi ca Bác Hồ, thương nhớ Bác với tình cảm sâu nặng. Trong thơ Tố Hữu, Bác Hồ gắn liền với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng và lịch sử đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Người.
Cũng cần nhấn mạnh, Tố Hữu là người dành những vần thơ sâu lắng nhất cho miền Nam, “đi trước, về sau”. Ngay từ năm 1941, sau khởi nghĩa Nam Kỳ, lúc đó Tố Hữu vừa qua tuổi 20, đã ghi đậm hình ảnh người mẹ miền Nam qua bài Bà má Hậu Giang. Sau đó là một loạt bài theo từng chặng đường đấu tranh của nhân dân miền nam: Quê mẹ, Người con gái Việt Nam, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Có thể nào yên, Lá thư Bến Tre, Miền Nam, Việt Nam máu và hoa, Đường vào, Toàn thắng về ta, Vui thế hôm nay, Bài ca quê hương,...
Không chỉ với dân tộc mình, Tố Hữu cũng rất nặng tình nghĩa với các dân tộc khác, tình quốc tế anh em: Trước Kremlin, Với Lê-nin, Em ơi... Ba Lan, Đường sang nước bạn, Nhật ký đường về, Từ Cu-ba, Êmili, con,...
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên, thành người có ích cho Đảng, cho dân không thể không kể đến một nguồn từ lý tưởng và hồn thơ Tố Hữu. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh, nhớ về anh, chúng tôi ghi nhớ công lao to lớn của cả đời anh với nước, với dân, và tự hào là thế hệ đàn em của anh cố gắng phấn đấu như anh để trọn cuộc đời vững “theo chân Bác”.