Chiến sĩ cứu hỏa Nguyễn Đình Phúc và lần sinh nhật 19 không về thăm mẹ
Đôi mắt bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc (Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy) hôm nay đỏ hoe sau một đêm dài không ngủ vì hung tin con trai đã hy sinh.
"Mất con thì đau xót... mẹ tự hào về con"
Sáng 2/8, căn nhà nhỏ ở khu tập thể C3 Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều người qua lại, họ đều là người thân, khu phố đến chia buồn cùng gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (SN 1972), mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy.
Chưa đầy một ngày sau khi nhận tin dữ về sự hy sinh của Nguyễn Đình Phúc, sáng 2/8, đôi mắt bà Hạnh đỏ hoe sau một đêm dài không ngủ.
Ngồi thất thần trong ngôi nhà quen thuộc, bà Hạnh vẫn chưa tin về sự ra đi của con mình. Rồi trước những lời an ủi, động viên, bà ngậm ngùi chấp nhận sự thật Phúc không về nữa. Thi thoảng bà lại ngoảnh mặt đi, lau vội những dòng nước mắt cứ lăn dài trên má.
Trong câu chuyện với những người đến thăm hỏi, bà Hạnh chia sẻ, khi nhận được tin Phúc đã hy sinh trong lúc chữa cháy tại quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy), bà không tin và vẫn cầu mong có phép màu với Phúc.
“Lúc đó, tôi hy vọng Phúc chỉ bị thương, chỉ cấp cứu dăm bữa rồi về... nhưng khi gọi điện cho đơn vị nơi Phúc công tác để hỏi... tôi hiểu đã không còn phép màu nào với con nữa", bà Hạnh nấc nghẹn.
Mới một ngày Phúc không trở về, chừng đó thời gian với bà Hạnh là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời. Bà nói Phúc luôn là người con ngoan, làm gì cũng cẩn thận, và sống rất chu đáo với mọi người. "Phúc ơi, giờ con không về, con nói mẹ phải sống làm sao”, bà Hạnh khóc nghẹn.
Bà Hạnh chia sẻ, việc xảy ra với con dù gia đình rất đau xót, nhưng đây là nhiệm vụ, công việc Phúc lựa chọn. Bà kể, trước khi đi thực hiện nghĩa vụ, Phúc đã thi đỗ đại học và học tiếng anh rất giỏi.
“Khi đi nghĩa vụ, Phúc trưởng thành hơn nhiều, biết nghĩ đến mẹ hơn, chăm lo hỏi han mẹ nhiều hơn”, bà ngậm ngùi.
Ngày Phúc còn bên mẹ, bà Hạnh cho biết Phúc thường xuyên chia sẻ, còn nói đi nghĩa vụ không phải là chấm dứt con đường học tập. Phúc lựa chọn đi nghĩa vụ và làm nhiệm vụ chữa cháy bởi yêu thích công việc này. "Vì thế, Phúc thường xuyên xung phong đi làm nhiệm vụ mỗi khi có việc", bà Hạnh kể.
Chia sẻ về lần làm nhiệm vụ cuối cùng của con, bà Hạnh bộc bạch, nỗi đau Phúc không trở về là quá lớn, không gì có thể bù đắp. Nhưng khi biết trước lúc hy sinh, Phúc cùng đồng đội đã cứu được 8 người ra ngoài an toàn, bà Hạnh nói tự hào về việc con đã làm, đã cùng đồng đội quay lại hiện trường để tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
“Mất con thì người mẹ nào không đau xót....Mẹ tự hào về con Phúc ơi, con hy sinh nhưng nhiều người giành được sự sống…”, bà Hạnh nghẹn ngào.
Tuổi 19 của Nguyễn Đình Phúc, gom góp có tiền lại mua quà cho mẹ
Theo chị Hoàng Yến (chị gái của Phúc), Phúc là em út trong gia đình có 3 chị em. Bố đã mất 6 năm nay.
“Phúc ở nhà ngoan lắm, em lúc nào cũng lo lắng cho mọi người. Từ khi đi nghĩa vụ, em gom góp được chút tiền nào là để dành mua quà cho mẹ, cho mọi người, nhưng giờ...”, chị Yến bỏ lửng câu nói, gạt những giọt nước mắt tuôn rơi.
Kể về lần Phúc gọi điện về trong buổi sáng 1/8, chị Yến khoe: "Đó là lúc em gọi điện về báo tin vừa cùng đồng đội cứu được 2 người mắc kẹt trong đám cháy tại phố Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy). Phúc nói 2 ngày nay ngủ ít vì liên tục có nhiệm vụ phải lên đường”.
Ngày 15/7 vừa qua là sinh nhật Phúc, tôi có nhắn cho em là chị có quà gửi cho cậu, bao giờ cậu được nghỉ phép về thì cả nhà mình sẽ tổ chức sinh nhật bù.
"Từ đó đến nay, chưa có dịp gì để Phúc về nhà, thành ra sinh nhật cuối cùng chưa kịp tổ chức cho em", chị Yến ngậm ngùi.
Thượng úy Nguyễn Thành Đạt, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy chia sẻ, trước khi lên xe đi làm nhiệm vụ anh em chiến sĩ xác định công việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tính mạng, tài sản cho người dân là trên hết và hết mình thực hiện nhiệm vụ.
“3 người đồng đội của chúng tôi vừa hy sinh là những người tận tâm, tận lực vì công việc. Với Trung tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng, khi ở đơn vị, lúc nào anh cũng lo toan, quan tâm đến anh em chiến sĩ. Với Binh nhì Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ, đây là người em út trong đơn vị, rất xông xáo trong công việc, sống hòa đồng, lễ phép với anh em”, Thượng úy Nguyễn Thành Đạt nói.
Thượng úy Đạt ngậm ngùi, "bây giờ mỗi chuyến xe đi làm nhiệm đã thiếu vắng đồng đội tôi, mỗi mâm cơm trực chiến thiếu đi những người anh, người em khiến tôi rất buồn. Họ cùng sinh hoạt, cùng chiến đấu thân thiết như những người anh em trong gia đình, mất mát này với tôi không khác gì mất đi người thân yêu nhất".