Chiến sĩ liên lạc của Giáo sư Tôn Thất Tùng ở lòng chảo Điện Biên

Gần 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày được phục vụ trong Đội Quân y ĐT1-67, dưới sự điều hành trực tiếp của Giáo sư (GS), bác sĩ Tôn Thất Tùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông Lê Văn Sầm, trú tại khu 1, xã Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ).

Theo giới thiệu của Thiếu tướng Lê Quang Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Sầm - người từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận Điện Biên Phủ từ khi mở màn chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Dù sắp bước sang tuổi 88 nhưng ông Sầm còn khá nhanh nhẹn, mẫn tiệp, giọng nói sang sảng.

- Thưa bác, cháu rất muốn được nghe bác kể về những kỷ niệm ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Bác còn nhớ không ạ?

- Có chứ, tôi chẳng quên chuyện gì cả. Đó là những ngày tháng ý nghĩa nhất cuộc đời tôi, khi được chứng kiến giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày đó, tôi thực hiện nhiệm vụ dưới quyền của thầy thuốc Tôn Thất Tùng...

Ông Sầm nói một mạch như sợ ai ngắt lời. Đôi bàn tay gầy guộc của ông lập cập lật giở từng trang tài liệu, hồ sơ, kỷ vật của mình về thời là chiến sĩ Điện Biên. Bao nhiêu kỷ niệm về những ngày được phục vụ trong Đội Quân y ĐT1-67 ùa về... Đội Quân y ĐT1-67 có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh nặng ngay tại mặt trận, do GS, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách chung.

Ông Lê Văn Sầm và vợ xem lại những kỷ vật trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Lê Văn Sầm và vợ xem lại những kỷ vật trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, khoảng đầu tháng 2-1954, Lê Văn Sầm vừa tròn 18 tuổi, được điều động từ một đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh Phú Thọ sang tăng cường cho Đội Quân y ĐT1-67. Đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Lê Văn Sầm được giao nhiệm vụ cùng lực lượng quân y các đơn vị sơ cứu, tải thương, vận chuyển thương binh từ mặt trận về hậu cứ. Việc vận chuyển thương binh trong điều kiện chiến sự hết sức khó khăn. Các đường hào do bộ đội công binh đào chỉ rộng 1,2m, cứ khoảng 3m lại có một hàm ếch để đặt thương binh nằm. Vào những ngày mưa, đường lầy lội, mỗi khi đưa được thương binh về đến phòng cấp cứu, các chiến sĩ và thầy thuốc phải nhanh chóng vệ sinh, rửa vết thương sạch sẽ mới có thể tiến hành phẫu thuật, điều trị.

Đang kể hào hứng, giọng ông Sầm bỗng chùng xuống: “Đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, do chủ động đối phó với địch, ta hạn chế được thương vong, số chiến sĩ bị thương nặng được cấp cứu, chữa trị kịp thời, vừa xuất viện đã vội trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Nhưng đến đợt tấn công thứ hai, khi chiến sự ngày càng ác liệt, số thương binh ngày một nhiều. Các bác sĩ phải làm việc cật lực suốt ngày đêm, liên tục mổ, thay băng, cầm máu... Nhiều chiến sĩ do vết thương quá nặng đã hy sinh ngay trên bàn mổ. Những lúc ấy, GS Tôn Thất Tùng lặng lẽ đi ra phía sau buồng mổ, lén lau nước mắt. Ông đau lòng vì đã cố gắng hết sức mà không cứu được chiến sĩ ta”.

Chưa hết, khu vực đóng quân của đơn vị trong rừng rậm, không khí ẩm thấp, chân tay ai cũng đỏ tấy, sưng vù do bị muỗi, dĩn, ruồi vàng đốt. Tội nhất là các đồng chí thương binh, thường xuyên bị ruồi nhặng quấy rối, chúng đậu lên vết thương gây nhiễm trùng, hoại tử, vô cùng đau đớn. Thương bộ đội, sau nhiều ngày đêm trăn trở, nghiên cứu, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cho dùng quinacrine-loại thuốc chống sốt rét có sẵn, hòa tan với nước sạch thành dung dịch 1% dùng để rửa vết thương cho bộ đội. Kết quả thật bất ngờ, các vết thương đều hết nhiễm trùng, sạch sẽ, khô ráo, chóng lành. Sáng kiến đó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi cho quân y toàn Mặt trận Điện Biên Phủ.

Khoe với tôi tấm ảnh chụp cùng tập thể Đội Quân y ĐT1-67 và bác sĩ Tôn Thất Tùng, ông Sầm cứ xuýt xoa tiếc nuối vì bức ảnh bị "xuống cấp" do ngày xưa không có điều kiện bảo quản như bây giờ. Ngày đó, do tác phong nhanh nhẹn, tư chất thông minh nên ngoài nhiệm vụ tải thương, chăm sóc thương binh, chiến sĩ Lê Văn Sầm còn được giao làm liên lạc, trực tiếp phục vụ bác sĩ Tôn Thất Tùng, giúp việc cơm nước, chuyển nhận công văn.

Chiến sĩ Lê Văn Sầm chứng kiến nhiều đêm bác sĩ Tôn Thất Tùng trằn trọc không ngủ. Có hôm ông trở dậy, cùng chiến sĩ Sầm đi thăm thương binh dưới trời mưa tầm tã, đường trơn trượt nên hai thầy trò ngã lên ngã xuống. Sau này trong tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, với sự chỉ đạo trực tiếp của bác sĩ Tôn Thất Tùng, đội ngũ thầy thuốc tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã cứu chữa hơn 10.000 lượt thương binh, 4.500 bệnh binh. Hàng nghìn thương binh, bệnh binh được điều trị khỏi, trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Lê Văn Sầm trở về quê Phú Thọ, được cử đi học ngành điện ảnh. Trước khi nghỉ hưu năm 1982, ông là Rạp trưởng Rạp chiếu bóng thị xã Phú Thọ, Chủ nhiệm Quốc doanh chiếu bóng huyện Phong Châu (nay là huyện Lâm Thao), tỉnh Phú Thọ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-si-lien-lac-cua-giao-su-ton-that-tung-o-long-chao-dien-bien-765191