Chiến sĩ nào lấy thân mình chèn bánh pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Vị anh hùng này nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Người được nhắc đến chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện, sinh năm 1924, quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa.
Do gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn nên từ năm 8 tuổi, Tô Vĩnh Diện phải đi ở, lớn lên làm tá điền cho nhà địa chủ làng bên. Khi Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương năm 1946, ông tham gia cách mạng và dần trở thành chỉ huy dân quân ở địa phương.
Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, Tô Vĩnh Diện bị những người nổi loạn bắt giữ. Sau đó, ông được giải cứu và chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện. (Ảnh tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được cấp trên tin tưởng cho sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện. Sau đó, ông được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tô Vĩnh Diện là Khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Suốt chặng đường hành quân, ông luôn hăng hái nhận mọi việc nặng nhọc, động viên đồng đội đưa các khẩu pháo đến nơi tập kết an toàn.
Khi kéo pháo qua những chặng đường khó khăn gian khổ, Tô Vĩnh Diện luôn xung phong lái pháo, dọc đường hành quân và lúc nghỉ ngơi đồng chí đều nhắc nhở và chủ động kiểm tra tỉ mỉ từng khẩu pháo, đường sá để tránh những nguy hiểm bất ngờ xảy ra.
Sau khi những khẩu pháo 105mm và 37mm được kéo vào chiếm lĩnh trận địa chờ thời cơ nổ súng, để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ được chắc thắng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phải thay đổi phương án tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương án "đánh chắc, tiến chắc". Các đơn vị nhận mệnh lệnh kéo pháo trở ra.
Ngày 1/2/1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện trên đường kéo pháo ra, đến con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối, ông cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Pháo mất đà lăn qua, pháo thủ Lê Văn Chi bị càng pháo hất xuống vực. Pháo tiếp tục mất đà trôi dần về phía sau.
Trước tình thế ấy, Tô Vĩnh Diện hô anh em "thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo" và buông tay lái chạy lên phía trước, lấy thân mình lao vào chèn bánh pháo. Khẩu pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi và dừng hẳn. Đơn vị kịp ghìm giữ được khẩu pháo dừng lại, đưa Tô Vĩnh Diện ra ngoài. Khi được đồng đội ứng cứu, ông chỉ kịp hỏi: "Pháo có việc gì không?" rồi kiệt sức, hy sinh.
Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận cảm phục. Ngày 7/5/1956, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.