Chiến sự Nga-Ukraine 18-7: Nóng rát loạt chiến trường; Mỹ, Đức rốt ráo chuyển vũ khí cho Ukraine
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua leo thang mạnh, đặc biệt ở Donetsk, Zaporizhia; Nga tuyên bố giành 3 khu dân cư, gây tổn thất nặng nề cho Ukraine; Mỹ, Đức rốt ráo chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục leo thang mạnh nhiều chiến tuyến, với hơn 130 trận giao tranh giữa hai bên trong ngày.
Pokrovsk, Lyman, Kramatorsk tiếp tục là điểm nóng giao tranh
Trong bản cập nhật tình hình chiến sự ngày 17-7, toàn chiến tuyến Ukraine ghi nhận hơn 130 cuộc giao tranh với mức độ khốc liệt gia tăng rõ rệt, đặc biệt tại các hướng Pokrovsk, Lyman, Kramatorsk, Novopavlivka và Toretsk.
Quân đội Nga tiếp tục huy động lực lượng lớn, dàn hỏa lực mạnh và triển khai đòn đánh ồ ạt nhằm xuyên phá các tuyến phòng thủ chủ lực của Ukraine.
. TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk) tiếp tục là khu vực chịu áp lực lớn nhất, khi Nga tổ chức tới 48 đợt tấn công trong ngày, nhắm vào hàng loạt vị trí như Poltavka, Rodynske, Novotorotske, Myroliubivka, Pokrovske và Novopavlivka.

Binh sĩ Ukraine tiến bước giữa thành phố tiền tuyến Pokrovsk (tỉnh Donetsk). Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT
Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine đã giữ vững trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu 231 binh sĩ Nga, đồng thời phá hủy nhiều khí tài gồm xe tăng, xe bọc thép, UAV, pháo và thiết bị chỉ huy.
. Tại hướng Lyman, lực lượng Nga tiến hành 18 đợt tấn công nhằm đánh chiếm các khu vực then chốt như Novoiehorivka, Serebrianka và Shandryholove, với 7 trận đánh vẫn đang tiếp diễn.
. Giao tranh cũng diễn ra quyết liệt ở các khu vực Kramatorsk (11 cuộc tấn công), Toretsk (7 cuộc), Novopavlivka (12 cuộc).
. Bên cạnh tấn công trên bộ, Nga tiếp tục đẩy mạnh không kích và tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Trong ngày, quân đội Nga đã tiến hành 62 cuộc không kích, thả 90 quả bom lượn, sử dụng 1.249 UAV cảm tử và thực hiện tới 4.280 đợt pháo kích nhằm vào các vị trí quân sự và khu dân cư Ukraine.
Nga tuyên bố giành 3 khu dân cư, gây tổn thất nặng nề cho Ukraine
Trong ngày qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát 3 khu định cư mới tại chiến tuyến Kharkiv, Donetsk và Zaporizhia, theo hãng thông tấn TASS.
Cụ thể, lực lượng thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc kiểm soát làng Degtyarnoye (tỉnh Kharkiv), Nhóm tác chiến Trung tâm kiểm soát được Popov Yar (Donetsk), còn Nhóm tác chiến phía Dnepr tiến công và kiểm soát Kamenskoye (Zaporizhia).
. Theo tuyên bố của Nga, tổng cộng Ukraine mất hơn 1.185 binh sĩ chỉ trong một ngày giao tranh tại các mặt trận.
. Khu vực Pokrovsk và Novoukrainka (Donetsk) tiếp tục là điểm nóng, khi quân Nga cho biết đã hạ hơn 420 binh sĩ, phá hủy 3 xe bọc thép, nhiều pháo, radar và phương tiện Mỹ, Israel viện trợ tại mặt trận này.

Binh sĩ Nga hoạt động trên chiến trường Ukraine. Ảnh: TASS
. Nhóm tác chiến phía Tây báo cáo gây thiệt hại cho 215 lính Ukraine cùng 1 xe tăng và 4 xe bọc thép.
. Trong khi đó, Nhóm tác chiến phía Đông cho biết đang thọc sâu vào tuyến phòng ngự Ukraine, gây thiệt hại khoảng 190 quân, 1 xe tăng, nhiều thiết bị điện tử và pháo của Kiev.
. Các Nhóm tác chiến phía Bắc và Nam cũng ghi nhận các hoạt động tấn công hiệu quả, tuyên bố gây tổn thất tổng cộng gần 300 lính Ukraine và phá hủy nhiều khí tài, trong đó có pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất.
. Nhóm tác chiến phía Dnepr gây thiệt hại khoảng 65 lính Ukraine, 6 trạm gây nhiễu và nhiều kho đạn.
Nga: Liên minh Thiện chí là sẽ mục tiêu quân sự hợp pháp
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ coi bất kỳ lực lượng nào thuộc "liên minh sẵn sàng hành động" được triển khai tại Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp, nếu kế hoạch này được thực hiện, TASS đưa tin.
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng việc triển khai lực lượng vũ trang nước ngoài tại Ukraine, với bất kỳ lý do gì, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đó là sự chuẩn bị cho can thiệp quân sự từ bên ngoài. Chúng tôi sẽ xem các lực lượng 'đa quốc gia' như vậy là mục tiêu quân sự hợp pháp” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASSPHÁT
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Anh và Pháp vừa rồi có họp bàn về việc triển khai Liên minh Thiện chí do phương Tây khởi xướng nhằm hỗ trợ Ukraine.
Theo thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer, sở chỉ huy của liên minh này sẽ được đặt tại thủ đô Paris (Pháp) dưới sự chỉ huy của một tướng cấp cao và dự kiến chuyển sang London (Anh) một năm sau đó.
Đức sẽ sớm chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine
Ngày 17-7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố nước này sẽ chuyển giao tên lửa tầm xa mới cho Ukraine “trong thời gian rất ngắn sắp tới”, dù không nêu cụ thể loại vũ khí nào, theo hãng tin Reuters.
“Ukraine sẽ được tăng cường năng lực đáng kể và sử dụng những hệ thống này với sự hỗ trợ từ chúng tôi trong những tuần và tháng tới” - ông Merz nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trước đó từng khẳng định Berlin sẽ không cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, nhưng sẽ mua hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ để viện trợ cho Kiev.
Theo tướng Christian Freuding - một sĩ quan cao cấp của Đức, trong khuôn gói vũ khí do Đức tài trợ, Ukraine sẽ nhận hàng trăm hệ thống vũ khí tầm xa sản xuất trong nước vào cuối tháng này.
Mỹ đẩy nhanh viện trợ vũ khí cho Ukraine theo kế hoạch mới của ông Trump
Ngày 17-7, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Matthew Whitaker cho biết Washington đang “gấp rút hành động” nhằm tăng tốc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong khuôn khổ sáng kiến mới do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy tại NATO, theo tờ The Kyiv Independent.
Theo ông Whitaker, Mỹ đang xem xét bán hệ thống phòng không Patriot từ kho vũ khí hiện có của quân đội Mỹ cho Ukraine. Động thái này theo sau tuyên bố ngày 14-7 của ông Trump về một sáng kiến do NATO và EU hậu thuẫn, trong đó các thành viên liên minh sẽ mua vũ khí do Mỹ sản xuất để viện trợ cho Kiev.
“Chúng tôi đều đang hành động khẩn trương để triển khai kế hoạch này, và thực tế mọi thứ đang tiến triển rất nhanh” - ông Whitaker nói.
Ông Whitaker khẳng định dù Mỹ sẽ không đặt mình vào thế bất lợi chiến lược, Washington vẫn nhận thức rõ nhu cầu của Ukraine trong việc bảo vệ các thành phố đang bị không kích.
Hiện tại, các phương án được thảo luận bao gồm: Mỹ trực tiếp bán Patriot cho Ukraine, các nước châu Âu gửi hệ thống hiện có cho Kiev và sau đó được Mỹ cung cấp hệ thống thay thế.
Ngày 16-7, ông Trump tuyên bố tên lửa Patriot đã "lên đường" tới Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đức cho biết không có thông tin về bất kỳ lô vũ khí nào như vậy đang được chuyển giao.