Bí ẩn quanh việc Iran bắt giữ tàu chở dầu nước ngoài ở vùng biển Oman
Iran cho biết họ đã bắt giữ một tàu chở dầu nước ngoài ở vùng biển Oman hôm 16/7, vì nghi ngờ con tàu này vận chuyển khoảng 2 triệu lít nhiên liệu lậu, theo truyền thông nước này đưa tin.

Vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu lớn làm dấy lên báo động về nguồn cung dầu toàn cầu. Ảnh Youtube
Vì sao vụ việc này đáng chú ý?
Iran từ lâu đã lấy lý do buôn lậu nhiên liệu và vi phạm hàng hải để biện minh cho các vụ bắt giữ tàu, như một cách khẳng định quyền kiểm soát ở khu vực Vịnh Ba Tư - tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới. Những động thái như vậy từng khiến căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các đồng minh gia tăng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng hải.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu của Iran bị hạn chế đáng kể. Gần đây, các vụ tấn công của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân Iran càng làm tăng thêm áp lực, trong bối cảnh hai bên vẫn đang căng thẳng. Vụ bắt giữ tàu lần này diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm đó.
Những gì đã được xác nhận?
Theo hãng tin Mehr, con tàu bị bắt giữ khi đang hoạt động gần vùng biển Iran trên Biển Oman. Giới chức nghi ngờ tàu này vận chuyển nhiên liệu lậu vì không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Hiện Iran chưa công bố tên, quốc tịch, hay điểm đến của con tàu, nhưng đã cho công bố hình ảnh sau khi bắt giữ. Ông Mojtaba Ghahremani, Chánh án tỉnh Hormozgan - khu vực phía Nam Iran giáp Biển Oman - cho biết 17 người, bao gồm thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, đã bị bắt giữ.
Nạn buôn lậu nhiên liệu là vấn đề phổ biến tại Iran. Giới chức ước tính mỗi ngày có hàng triệu lít nhiên liệu bị đưa ra khỏi biên giới. Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Baqer Qalibaf từng cho biết trong năm 2024, mỗi ngày có khoảng 25-30 triệu lít nhiên liệu bị buôn lậu một cách có tổ chức.
Hồi tháng 4, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng từng bắt giữ hai tàu chở dầu nước ngoài ở Vịnh Ba Tư với cáo buộc tương tự, trong bối cảnh căng thẳng an ninh hàng hải với Mỹ gia tăng.
Dù chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, Iran vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu dầu nhờ sử dụng “đội tàu bí mật” - những tàu vận chuyển dầu ẩn danh, để né lệnh cấm và bán dầu cho khách hàng ở châu Á. Số tiền thu về được dùng để hỗ trợ nền kinh tế trong nước và các lực lượng thân Iran ở Trung Đông, theo phân tích của Reuters hồi tháng 1.
Phản ứng từ phía Iran
Ông Mojtaba Ghahremani, Chánh án tỉnh Hormozgan, được Reuters dẫn lời cho biết: “Những kẻ buôn lậu phối hợp với các thế lực nước ngoài để trục lợi tài nguyên quốc gia sẽ không thể thoát khỏi sự truy cứu của cơ quan tư pháp. Nếu tội danh được xác nhận, hình phạt sẽ nghiêm khắc, không có ngoại lệ”.
Iran hiện đang điều tra con tàu bị bắt giữ. Việc xác định rõ danh tính con tàu - quốc tịch, điểm đến, chủ sở hữu - có thể ảnh hưởng đến phản ứng ngoại giao và pháp lý từ các nước liên quan.