Nelson Mandela: Cảm hứng từ một vĩ nhân

'Tôi trân trọng lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người sống với nhau hòa thuận và bình đẳng'.

Phó Chủ tịch ANC Nelson Mandela lần đầu tiên xuất hiện và phát biểu trước Ủy ban Đặc biệt của Liên hợp quốc về Chống phân biệt chủng tộc tại New York, ngày 22/6/1990. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Phó Chủ tịch ANC Nelson Mandela lần đầu tiên xuất hiện và phát biểu trước Ủy ban Đặc biệt của Liên hợp quốc về Chống phân biệt chủng tộc tại New York, ngày 22/6/1990. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Đây là một trong những câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (1918-2013), nguyên thủ đầu tiên được bầu cử dân chủ của một đất nước Nam Phi tự do (1994-1999). Sự nghiệp hoạt động vì cộng đồng của ông đã được Liên hợp quốc vinh danh với việc chọn ngày 18/7 hằng năm là Ngày quốc tế Nelson Mandela.

Cuộc đời phi thường

Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại vùng Transkei, Nam Phi, trong một gia đình hoàng tộc của vương triều Thembu. Ông theo học và tốt nghiệp ngành luật. Năm 1944, ông gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và là người sáng lập tổ chức Thanh niên ANC cổ vũ các phong trào bất tuân dân sự. Trước sự đàn áp của chính quyền apartheid, do đảng Dân tộc da trắng thiết lập năm 1948, ông và đồng sự đã chuyển sang đấu tranh vũ trang nhằm chống lại chế độ này.

Năm 1964, ông Mandela bị kết án tù chung thân và thụ án trong ba nhà tù, lần lượt ở Đảo Robben, Nhà tù Pollsmoor và Nhà tù Victor Verster. Trong phiên tòa diễn ra ngày 20/4/1964, ông tuyên bố đã đấu tranh chống lại sự thống trị của người da trắng và tất cả những kẻ thống trị: “Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do... Nếu cần thiết, tôi sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đó”.

Việc nhà hoạt động Nam Phi bị giam cầm trở thành một sự kiện nổi tiếng trong cộng đồng quốc tế lên án chế độ phân biệt chủng tộc. Nhiều chiến dịch quốc tế nổ ra đòi trả tự do cho ông như “Free Nelson Mandela” (khởi động tại Anh từ năm 1980), các phong trào chống apartheid tại Mỹ, Canada, Thụy Điển và Ấn Độ, cùng buổi hòa nhạc “Nelson Mandela 70th Birthday Tribute - Lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh Nelson Mandela” (1988) tại sân Wembley (Anh).

Năm 1990, ông được trả tự do và tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid mạnh mẽ hơn. Từ năm 1991, trên cương vị Chủ tịch ANC, ông cùng Tổng thống F. W. de Klerk (1936-2021) dẫn dắt tiến trình đàm phán lịch sử, tuyên “án tử” cho chủ nghĩa apartheid. Hai người cùng nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Ngày 10/5/1994, ông Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nam Phi từng bước phá bỏ tàn tích của nạn phân biệt chủng tộc để xây dựng nền dân chủ, vì quyền con người. Ông thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, thúc đẩy hòa giải và sáng lập Ủy ban Sự thật và hòa giải (TRC) nhằm khuyến khích tha thứ và hàn gắn quốc gia.

Sau một nhiệm kỳ, ông tự nguyện rời chính trường song vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội. Trong thông điệp ngày 18/7/2022, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận xét: “Sứ mệnh của ông Mandela là thiết lập sự bình đẳng và tự do cho tất cả mọi người. Ông đấu tranh cho những quyền cơ bản của tất cả con người, bất kể giới tính, quốc tịch hay chủng tộc”.

Di sản vang vọng

Không chỉ giải phóng đất nước Nam Phi khỏi gọng kìm của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, theo Tổ chức Global Citizen, cho đến cuối đời, cựu Tổng thống Mandela vẫn tiếp tục tranh đấu cho những người dễ tổn thương nhất và những giá trị phổ quát mà cộng đồng quốc tế hiện vẫn đang theo đuổi:

Thúc đẩy bình đẳng giới: Khi ông Mandela nhậm chức Tổng thống, chỉ có 2,7% ghế trong Quốc hội Nam Phi do phụ nữ nắm giữ. Đến năm 2013, tỷ lệ này tăng lên 44%. Trong Thông điệp liên bang năm 1994, ông tuyên bố: “Tự do không thể đạt được nếu phụ nữ chưa được giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức”.

Đấu tranh chống HIV/AIDS: Sau khi rời ghế Tổng thống Nam Phi, ông Mandela trở thành người vận động nhiệt thành cho cuộc đấu tranh này. Năm 2000, ông cảnh báo về hiểm họa HIV/AIDS trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS. Năm 2003, Quỹ Nelson Mandela (thành lập năm 1999) khởi xướng chiến dịch 46664 – chuỗi hòa nhạc toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và gây quỹ chống AIDS. Việc ông công khai cái chết của con trai vì AIDS năm 2005 cũng góp phần phá vỡ kỳ thị và nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Bảo vệ quyền trẻ em: “Phẩm giá thật sự của một xã hội thể hiện qua cách xã hội đó đối xử với trẻ em” – tuyên bố của Tổng thống Mandela năm 1997 phản ánh cam kết sâu sắc của ông đối với quyền trẻ em. Ông đã dành một phần ba lương Tổng thống để lập Quỹ Nhi đồng Nelson Mandela (1999), hỗ trợ trẻ em nghèo và vô gia cư, đồng thời trích một phần tiền thưởng giải Nobel Hòa bình để giúp đỡ trẻ em đường phố. Năm 2007, ông thành lập Viện Nelson Mandela về phát triển nông thôn và giáo dục để đào tạo giáo viên và cải thiện trường lớp ở vùng sâu vùng xa. Năm 2009, ông được Giải thưởng Trẻ em thế giới về quyền trẻ em tôn vinh là “Anh hùng quyền trẻ em của thập kỷ”.

Thực hiện quyền bầu cử phổ thông: Ngay từ năm 1961, ông Mandela đã khẳng định mục tiêu: “Người châu Phi muốn quyền bầu cử – nguyên tắc ‘mỗi người một phiếu’”. Giấc mơ ấy trở thành hiện thực vào năm 1994 với cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Nam Phi.

Thúc đẩy hòa bình và công lý toàn cầu: Sau khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Mandela tiếp tục nỗ lực trên trường quốc tế như làm trung gian hòa giải tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Burundi cũng như truyền cảm hứng cho các phong trào dân quyền khắp nơi trên thế giới.

Chế độ apartheid là một hệ thống phân biệt chủng tộc toàn diện, giới hạn nghiêm ngặt quyền lợi của người da đen Nam Phi: Không có quyền bầu cử, bị cấm cư trú tại các khu vực của người da trắng và chỉ được làm những nghề lao động thấp kém.

Sự kế thừa

Di sản của cựu Tổng thống và nhà hoạt động Nam Phi Nelson Mandela tiếp tục được cộng đồng quốc tế vinh danh và kế thừa bằng nhiều hình thức thiết thực, sâu rộng.

Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 18/7 hằng năm – ngày sinh nhật của ông Mandela, làm Ngày quốc tế Nelson Mandela, khuyến khích mỗi cá nhân dành ít nhất 67 phút làm việc thiện nguyện, tương ứng với 67 năm hoạt động phục vụ cộng đồng của cựu Tổng thống Nam Phi. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhiều lần nhấn mạnh, ông Mandela không chỉ là biểu tượng lịch sử mà còn là lời kêu gọi “Hãy hành động để tạo ra thay đổi”.

Kể từ khi Ngày quốc tế Nelson Mandela ra đời, cùng chủ đề xuyên suốt là “67 phút cho cộng đồng”, các hoạt động kỷ niệm xoay quanh các lĩnh vực hòa bình và hòa giải, phát triển giáo dục, chống đói nghèo và tăng quyền cho thanh niên, phụ nữ. Từ năm 2018 trở đi, mỗi năm, Liên hợp quốc đặt ra một chủ đề cụ thể cho Ngày quốc tế Nelson Mandela, như Chống lại nghèo đói và bất bình đẳng” (2024), “Khí hậu, Lương thực và Đoàn kết” (2023), “Một bàn tay có thể nuôi sống bàn tay khác” (2021) kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19…

Vào ngày kỷ niệm năm 2024, tại Nam Phi, các cá nhân, tổ chức đã tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng từ những hành động đơn giản như dọn dẹp đường phố, dành thời gian cho trẻ em hoặc người già tại trại trẻ mồ côi hoặc viện dưỡng lão… Nhiều tổ chức có những hành động gắn với chủ đề “67 phút cho cộng đồng”, như Tổ chức Những đầu bếp nhân ái (Nam Phi) mời các đầu bếp, người nội trợ, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp đất nước cùng nhau nấu 67.000 lít soup cho người nghèo. Hay nhóm 67 chăn ấm cho Ngày Mandela kêu gọi mọi người chung tay đan, móc, may những chiếc chăn ấm cho người nghèo, thu hút sự tham gia của nhiều người nổi tiếng thế giới cũng như các tập đoàn và nhóm hoạt động ở Australia, Bỉ, Canada, Đức, Cyprus, Anh, Mỹ, Ireland, Italy và Ấn Độ.

Liên hợp quốc đã tuyên bố giai đoạn 2019-2028 là “Thập kỷ hòa bình Nelson Mandela", kêu gọi các quốc gia tăng cường cam kết đối thoại, giải quyết xung đột hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững.

Kể từ năm 2015, Liên hợp quốc lập ra Giải thưởng Nelson Rolihlahla Mandela, được trao năm năm một lần nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp đặc biệt trong phục vụ nhân loại và thúc đẩy các nguyên tắc của tổ chức này. Năm 2025, giải thưởng đã được trao cho bà Brenda Reynolds (Anh) và ông Kennedy Odede (Kenya) vì những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức mang tên ông như Quỹ Nelson Mandela, Quỹ Mandela Rhodes... tiếp tục các chương trình về công lý, giáo dục, lãnh đạo trẻ châu Phi.

Theo Liên hợp quốc, cố Tổng thống Nelson Mandela là hiện thân của những giá trị cao nhất mà tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này theo đuổi. Cuộc đời phi thường của ông đã chứng minh một con người có thể biến sự áp bức, đấu tranh và khuất phục thành sự hòa giải, công lý xã hội và thống nhất... Di sản của ông chính là lời kêu gọi toàn cầu đối với hòa bình, công lý và phẩm giá con người.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nelson-mandela-cam-hung-tu-mot-vi-nhan-321299.html