Chiến sự Nga-Ukraine khiến Thụy Điển và Phần Lan cân nhắc gia nhập NATO
Với chính sách không liên kết quân sự, Thụy Điển và Phần Lan vẫn đứng ngoài NATO. Điều này được phần lớn dư luận cả 2 nước ủng hộ nhiều năm qua. Dù vậy, chiến sự Nga-Ukraine đã khiến tình hình thay đổi.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây do tờ báo bán chạy nhất Thụy Điển Aftonbladet thực hiện và công bố kết quả ngày 25/2 cho thấy, quan điểm của người dân đã thay đổi đáng kể: 41% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ gia nhập NATO; 35% phản đối. Đây là lần đầu tiên trong một cuộc thăm dò, tỷ lệ người ủng hộ gia nhập NATO cao hơn tỷ lệ phản đối.
Tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO ở Thụy Điển luôn duy trì ở mức 35% kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Sự thay đổi quan điểm đó thậm chí còn rõ rệt hơn ở Phần Lan. Trong một cuộc thăm dò tiến hành từ 23-25/2 (Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2), 53% số người được hỏi ủng hộ gia nhập NATO. Tỷ lệ này thay đổi đáng kể: Năm 2017, các cuộc thăm dò cho thấy chỉ 19% muốn Phần Lan gia nhập NATO và tỷ lệ này tương đối ổn định trong thời gian dài. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đa số người Phần Lan ủng hộ gia nhập liên minh quân sự.
“Cách đây không lâu, tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO chỉ khoảng 24-28%, còn hiện nay tỷ lệ này đã lên tới 53%. Sự đảo chiều diễn ra chỉ trong vài tuần là điều rất bất ngờ”, ông Henri Vanhanen, nhà phân tích chính sách đối ngoại Phần Lan và cố vấn cho Đảng Liên minh Quốc gia đối lập, nói với hãng truyền thông quốc tế của Đức - DW.
Trong khi đó, bà Anna Wieslander, Chủ tịch Viện Chính sách An ninh và Phát triển ở Stockholm, cho biết, dù kết quả thăm dò dư luận ở Thụy Điển là điều bất ngờ bởi trong nhiều năm qua quan điểm này gần như không thay đổi, bối cảnh chính trị trong nước có thể là rào cản ngăn chính phủ tìm cách gia nhập NATO.
Khác với Phần Lan, chính phủ dân chủ xã hội ở Thụy Điển nhấn mạnh rằng quy chế không liên kết đã phục vụ tốt cho nước này hơn 200 năm qua và chính sách an ninh không nên thay đổi quá nhiều, đặc biệt trong một môi trường biến động.
Về mặt chính trị, gia nhập NATO cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Chính phủ không muốn đề cập tới lựa chọn gia nhập NATO trong học thuyết an ninh quốc gia, dù nhiều nghị sỹ đã yêu cầu như vậy từ tháng 12/2020.
Đối tác nâng cao của NATO
Thụy Điển có truyền thống trung lập lâu đời hơn Phần Lan. Lần gần đây nhất nước này tham gia vào một cuộc chiến tranh là vào năm 1814. Chính di sản lịch sử đó, đặc biệt là các cuộc chiến tranh với Nga trong thế kỷ 18 và 19, đã để lại dấu ấn đậm nét trong quan điểm của quốc gia này.
Trong khi đó, trung lập là chìa khóa trong chính sách đối ngoại của Phần Lan. Nước này tuyên bố trung lập từ sau Chiến tranh Mùa Đông năm 1939 với Liên Xô.
Nguyên tắc trung lập của các nước Bắc Âu đã bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh khi họ gia nhập Liên minh Châu Âu. Nhưng quy chế không liên kết quân sự vẫn được duy trì mặc dù cả Thụy Điển và Phần Lan đều có mối quan hệ hợp tác với NATO trong thập kỷ qua.
“Thụy Điển có mối quan hệ song phương rất sâu rộng với Mỹ và cũng có thỏa thuận 3 bên giữa Thụy Điện, Mỹ và Phần Lan. Thụy Điển cũng là một Đối tác cơ hội nâng cao của NATO kể từ năm 2014”, ông Zebulon Carlander, nhà phân tích quốc phòng và đồng tác giả của cuốn sách “Những lựa chọn chiến lược - Tương lai của an ninh Thụy Điển” nói với DW.
Mối quan hệ đó cho phép Thụy Điển hợp tác và tham gia các cuộc tập trận quân sự với NATO. Tương tự, khi Thụy Điển tổ chức tập trận quân sự, các nước NATO khác, đặc biệt là Mỹ, sẽ tham gia.
Ông Vanhanen nói rằng, mặc dù cả Thụy Điển và Phần Lan đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác quốc phòng này, nhưng có lẽ đã đến lúc phải thực hiện bước tiếp theo. “Tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần nhìn điều này từ một góc độ khác và có lẽ sẽ đưa nó lên một tầm cao mới”.
Kết quả của cuộc tham vấn Điều 4 của NATO vào tuần trước, được 8 đồng minh đề xuất trên cơ sở nhận thức được các mối đe dọa đối với an ninh của chính họ, là Thụy Điển và Phần Lan sẽ nhận được thông tin tình báo để có thể đánh giá tốt hơn tình hình ở Ukraine.
Sự gắn bó chiến lược giữa Phần Lan và Thụy Điển
Thụy Điển và Phần Lan từ lâu đã gắn bó chiến lược với nhau về các vấn đề quốc phòng và an ninh. Các nhà phân tích cho rằng nếu một trong hai bên có động thái gia nhập NATO, bên còn lại có thể sẽ làm theo.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc Phần Lan phải suy nghĩ lại lập trường của mình. Ông Vanhanen nói: “Chúng ta phải xem xét lại và đánh giá lại mối đe dọa đối với Phần Lan”.
Trong một động thái cho thấy sự thay đổi lập trường, Thụy Điển ngày 28/2 đã quyết định cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Ukraine, trong đó có 5.000 vũ khí chống tăng.
“Chúng tôi chưa viện trợ quân sự với số lượng như vậy kể từ Chiến tranh Mùa đông giữa Phần Lan và Liên Xô năm 1939”, nhà phân tích Thụy Điển nhận xét.
Trong khi đó, Phần Lan cũng cung cấp 2.500 súng trường tấn công, 150.000 hộp đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến cho Ukraine.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ sớm gia nhập NATO?
Với quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ của Thụy Điển và Phần Lan với NATO cũng như lập trường của khối, hầu hết các nhà quan sát cho rằng đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ dễ dàng được chấp nhận. Việc 2 nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường vào ngày 25/2 có thể củng cố nhận định này.
Trên thực tế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói về vấn đề này trong thời gian gần đây: “Nếu họ quyết định nộp đơn và đó là quyết định 100% của Phần Lan và Thụy Điển, tôi nghĩ [NATO] có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và để họ trở thành thành viên. Suy cho cùng, đây phải là một quyết định chính trị, nhưng khi nhìn vào mức độ tương tác cao giữa NATO với Phần Lan và Thụy Điển, cũng như mức độ đáp ứng tiêu chuẩn NATO của cả 2 nước, họ có thể được kết nạp vào liên minh của chúng tôi khá nhanh chóng”.
Đầu tháng 2/2022, người đứng đầu Đảng ôn hòa đối lập của Thụy Điển, Ulf Kristersson, cho biết ông tin rằng Thụy Điển sẽ gia nhập NATO trong vòng 5 năm tới. Chiến sự ở Ukraine có thể đẩy nhanh điều đó.
Tuy nhiên, theo bà Wieslander, cuộc bầu quốc hội cử sắp tới ở Thụy Điển có thể khiến việc gia nhập NATO bị trì hoãn.
Quốc hội Thụy Điển hiện cũng khá chia rẽ. Hiện có 4 đảng phản đối gia nhập NATO và 4 đảng khác ủng hộ nhưng lại không nắm đa số ghế.
“Để có được đa số phiếu ủng hộ trong quốc hội, cần phải có sự thay đổi nhanh chóng và không phải lúc nào cũng dễ dàng thay đổi quan điểm của một chính đảng”, bà Wieslander giải thích.
Với trường hợp của Phần Lan, ông Vanhanen tỏ ra lạc quan hơn: “Tôi nghĩ điều này sẽ diễn ra trong vài tháng, và chậm nhất là trong 1 năm”./.