Chiến sự Ukraine khiến Mỹ phải thay đổi chính sách phòng thủ châu Âu

Giới quan sát đánh giá, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể dẫn đến sự thay đổi quan điểm của Mỹ về việc bảo vệ các đồng minh tại lục địa già.

Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu hàng nghìn binh sỹ Mỹ rời Đức vì ông cho rằng Đức đóng góp không đủ cho vấn đề phòng thủ theo yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Biden đã quyết định dừng việc rút quân, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của NATO ngay cả khi ông xác định Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của Mỹ. Và tiếp đến, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine lại càng củng cố quyết tâm của Mỹ trong việc hỗ trợ phòng thủ cho NATO.

Binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh: army.mil

Binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh: army.mil

Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và cựu phó tổng thư ký NATO, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên đối đầu lâu dài với Nga”. Ông cho rằng "Mỹ cần phải hợp tác với các đồng minh NATO tạo ra một lập trường vững chắc hơn để đối phó với Nga, đặc biệt là ở các nước Đông Âu".

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 15/3 đã bắt đầu chuyến công du châu Âu để dự cuộc tham vấn về tình hình Ukraine. Ông cũng sẽ thăm hai nước thành viên NATO ở Đông Âu là Slovakia và Bulgaria. Trước đó vào tháng 2, ông Austin đã đến thăm hai đồng minh khác ở sườn phía đông là Ba Lan và Litva sau cuộc họp của NATO.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh quân sự này sẽ thay đổi hoàn toàn lập trường an ninh ở châu Âu để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine: “Chúng ta cần phải thiết lập lại vị thế quân sự trước thực tế mới này. Trên bộ, chúng ta có thể triển khai thêm nhiều lực lượng ở phần phía đông của liên minh, đặt các lực lượng này trong trạng thái sẵn và chuẩn bị nhiều trang thiết bị hơn”. Ông nói thêm, "NATO sẽ xem xét tăng triển khai lực lượng không quân và hải quân, tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không, tăng cường an ninh mạng và tổ chức nhiều cuộc tập trận hơn”.

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: Civita.

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: Civita.

Chỉ trong 2 tháng qua, sự hiện diện của binh sỹ Mỹ tại châu Âu đã tăng từ khoảng 80.000 đến 100.000 người. Tuy nhiên, các đợt triển khai bổ sung của Mỹ kể từ đầu năm đến nay chỉ mang tính chất tạm thời, vẫn chưa rõ họ sẽ ở lại châu Âu trong bao lâu. Các lực lượng này bao gồm 1 lữ đoàn thiết giáp của Sư đoàn Bộ binh 1, với khoảng 4.000 binh sỹ đồn trú tại Đức và một lữ đoàn bộ binh của Sư đoàn Dù 82 có quy mô tương tự đồn trú ở Ba Lan. Mỹ cũng điều nhiều đơn vị lục quân đến Ba Lan và Đức, triển khai máy bay chiến đấu F-35A đến sườn phía Đông NATO và trực thăng tấn công Apache đến các nước Baltic.

Một bản đánh giá mới được công bố trong thời gian gần đây của Lầu Năm Góc cho biết, việc bố trí các lực lượng Mỹ với mức độ lớn như vậy ở châu Âu là điều phù hợp. Nhưng trong phiên điều trần tại một ủy ban của Hạ viện, bà Mara Karlin, một quan chức cấp cao phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng kết luận này sẽ được xem xét lại.

Cuộc xung đột Ukraine không chỉ khiến Mỹ mà cả một số đồng minh châu Âu của nước này, chẳng hạn như Đức suy nghĩ lại về nhu cầu phòng thủ trong khu vực. Ngoài việc phá vỡ chính sách truyền thống là không cung cấp vũ khí cho các bên xung đột, Berlin cũng cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Nga giành quyền kiểm soát Kiev, nước này có thể lập nên một chính phủ thân Nga tại Ukraine, đồng thời triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) để hỗ trợ chính phủ mới này. Điều đó sẽ tạo tiền đề cho Nga thiết lập một liên minh 3 bên mới gồm Nga, Belarus và Ukraine, nhằm định hình lại cấu trúc an ninh châu Âu đang bị Mỹ và NATO chi phối.

Kịch bản đó đã khiến nhiều nước NATO lo ngại, đặc biệt là Ba Lan và Litva – những nước có chung đường biên giới trên bộ với vùng Kaliningrad – nơi hạm đội Baltic của Hải quân Nga đặt trụ sở. Phương Tây lo ngại, ông Putin có thể thực hiện nỗ lực kiểm soát Hành lang Suwalki - dải biên giới dài hàng trăm km giữa Litva và Ba Lan, kết nối Kaliningrad của Nga với quốc gia đồng minh Belarus. Đây là con đường bộ duy nhất để Nga có thể chi viện cho vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Để tránh kịch bản nói trên, ông Vershbow, cựu phó tổng thư ký NATO, hiện là thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, khuyến nghị thay vì triển khai các đơn vị tác chiến hạng nhẹ, cỡ tiểu đoàn, Mỹ và NATO cần triển khai các nhóm chiến đấu hạng nặng lớn hơn và lâu dài hơn ở Đông Âu.

Nhưng sự chuyển đổi lực lượng như vậy ở sườn phía Đông NATO sẽ bị Nga xem là một mối đe dọa lớn và là điều mà Moscow cam kết sẽ không “dung thứ”. Tổng thống Nga Putin nhiều lần yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, rút các lực lượng ra khỏi sườn phía Đông NATO, đồng thời quay trở lại biên giới của khối này vào năm 1997, khi Đạo luật thành lập Nga-NATO được ký kết. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Những điều khoản này có tầm quan trọng cơ bản đối với Liên bang Nga”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-su-ukraine-khien-my-phai-thay-doi-chinh-sach-phong-thu-chau-au-post930795.vov