Chiến thắng của sự đoàn kết trong những thời khắc ngặt nghèo

Ngày 7-1-1979 đã đi vào lịch sử của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia khi Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đập tan chính sách dã man của chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đứng đầu, qua đó giúp Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, từng bước hồi sinh đất nước.

Vừa tự vệ, vừa giúp bạn

Lịch sử ghi lại rằng, tháng 4-1975, tức là ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Campuchia tiếp tục rơi vào bi kịch lớn bởi chính sách diệt chủng tàn khốc của tập đoàn Pol Pot. Bằng chứng là chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, hơn 3 triệu người dân vô tội Campuchia đã bị giết hại bởi bàn tay tàn độc của Pol Pot.

Nhớ lại tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi ấy, trong bộ phim tài liệu lịch sử với tựa đề “Hành trình cứu nước”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng chia sẻ rằng ông cùng với nhiều người Campuchia yêu nước xem Việt Nam là nơi duy nhất có thể giang tay giúp đỡ vì đây là nước láng giềng từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập.

Người dân tỉnh Ratanakiri (Campuchia) đón chào Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Campuchia năm 1979. Ảnh tư liệu

Người dân tỉnh Ratanakiri (Campuchia) đón chào Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Campuchia năm 1979. Ảnh tư liệu

Không chỉ đẩy nhân dân Campuchia đến trước bờ vực diệt vong, tập đoàn Pol Pot còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Tây Nam Việt Nam. Không chấp nhận biên giới của Tổ quốc bị đe dọa, nhân dân bị Pol Pot sát hại man rợ, quân và dân Việt Nam đã đứng dậy thực hiện quyền tự vệ chính đáng và tiến hành đòn phản công quyết liệt, đập tan âm mưu xâm lược của quân Pol Pot.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam cũng đã sang sát cánh cùng nhân dân Campuchia chiến đấu chống lại Pol Pot với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”.

Những hy sinh xương máu đã được đền đáp khi ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh của Campuchia được giải phóng. Như Thủ tướng Hun Sen khẳng định, đại thắng ngày 7-1-1979 cũng đặt dấu chấm hết cho thời kỳ đen tối chưa từng có trong lịch sử Campuchia, mở ra một kỷ nguyên mới, nhân dân Campuchia nhận lại được quyền tự do và có cơ hội tái thiết Tổ quốc.

Lẽ phải đã được thừa nhận

Theo đề nghị của Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia, 10 năm sau đó, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại cùng lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng, giúp xây dựng, phục hồi kinh tế Campuchia từ đống đổ nát mà chế độ diệt chủng để lại. Cũng từ đây, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ đất nước. Đến cuối tháng 6-1989, theo thỏa thuận giữa hai bên, Việt Nam rút hết Quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.

“Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam”-lời nói đó của Thủ tướng Hun Sen chính là sự ghi nhận đối với những hy sinh xương máu của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam.

Gần 40 năm sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, ngày 16-11-2018, Tòa án xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Bản án chung thân dành cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan chính là cái giá phải trả cho những tội ác mà chúng gây ra đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia trong giai đoạn 1975-1979. Ngay sau khi phán quyết của ECCC được đưa ra, một số hãng truyền thông và chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, phán quyết này khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam khi đưa quân sang giúp cách mạng Campuchia.

Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua, ngày 7-1 hằng năm, nhân dân Việt Nam và Campuchia luôn dành tình cảm đặc biệt để tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Đó là động lực để hai nước tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.

Đến nay, chiến thắng ấy cũng vẫn được nhắc đến như một minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa hai nước láng giềng Việt Nam-Campuchia trong những thời khắc ngặt nghèo nhất.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/chien-thang-cua-su-doan-ket-trong-nhung-thoi-khac-ngat-ngheo-715965