'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích và khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến và chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện sức mạnh của Quân đội nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị phối hợp Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.
Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Nguyễn Văn Bạo nhấn mạnh, cách đây 70 năm, ngày 13/3/1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch, các lực lượng vũ trang cách mạng đã nổ súng, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường gian khổ, chiến dịch đã kết thúc toàn thắng. Chiến công vô cùng oanh liệt đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí cho biết, hội thảo khoa học nằm trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhằm tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công lao và những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ làm nên chiến thắng vĩ đại, mang lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Chính trị cũng như cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân và cán bộ, giảng viên Viện Lịch sử Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trình bày đề dẫn hội thảo, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Đoàn Xuân Bộ cho biết, với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay đã có hàng trăm cuốn sách, hàng vạn bài viết, hội thảo, hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu. Nhiều công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài phân tích, lý giải ý nghĩa của chiến thắng, bàn luận về nguyên nhân sức mạnh mà quân và dân Việt Nam đã có được để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tuy nhiên, với tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, toàn diện, xứng tầm trên cơ sở thực tiễn, khách quan, khoa học.
Tại hội thảo, các tham luận dù tiếp cận ở các vấn đề, khía cạnh khác nhau nhưng đều khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các tham luận đi sâu phân tích và khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.
Bên cạnh đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Trong quá trình chiến đấu cũng như chuẩn bị chiến dịch, với bản chất và truyền thống tốt đẹp của một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ hy sinh, tìm mọi cách vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng thời, các tham luận đi sâu phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về đường lối kháng chiến, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần, về khoa học nghệ thuật quân sự, công tác chính trị-tư tưởng, công tác tham mưu tác chiến, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các binh chủng...
Đó là những vấn đề quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đã được nghiên cứu, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.