Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi nhờ ý chí và khát vọng độc lập dân tộc
Tiến tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 27/3 vừa qua Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Lịch sử Đảng và Báo Quân đội Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'.
Bài học sâu sắc, mang giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại” như lời khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đây là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến và chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang rất phức tạp hiện nay, đặc biệt khi các cuộc xung đột trên thế giới giữa Nga và Ucraina hay giữa Israel với các lực lượng Hồi giáo như Hamas (Palestine), Hezbollah (Li-băng) tại khu vực Trung Đông, với các phương án tác chiến đa dạng và sử dụng các loại vũ khí mới như máy bay không người lái (UAV)... càng cho thấy giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học sâu sắc, còn nguyên giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển và hội nhập, cũng như góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội Việt Nam theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” trong tình hình mới.
Hồi ức lại quá khứ, cách đây tròn 70 năm (07/5/1954 – 07/5/2024), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập tự do cho dân tộc trong thế kỷ 20.
Khi nhìn lại chiến dịch Điện Biên Phủ có thể thấy nổi lên ba thời điểm quan trọng sau: sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở chiến trường Đông Dương (ngày 20/11/1953), thì chỉ trong khoảng 15 ngày sau, đến ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc” với sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 13/3/1954, quân ta mở đợt tiến công thứ nhất vào cứ điểm Điện Biên Phủ, và sau 5 ngày chiến đấu đã tiêu diệt hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập. Ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công thứ hai, đồng loạt đánh các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm, tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn ngọn đồi phía Đông. Ngày 01/5/1954, ta mở đợt tấn công thứ ba đánh chiếm những cứ điểm còn lại làm tiền đề để tiêu diệt nốt đồi A1 và C2.
Ngày 07/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Như vậy, sau 56 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16 nghìn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Dù hơn một nừa thập kỷ đã trôi qua, dư âm 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của quân và dân Việt Nam vẫn lắng đọng trong những trang sử hào hùng của dân tộc, được xem là “cột mốc vàng” lịch sử, đánh dấu bước tiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là biểu tượng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, cũng như trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam dưới con mắt của các bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.
Giáo sư Alexander Sokolovsky của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga đánh giá: “Có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử rất to lớn vì Việt Nam đã cho không chỉ thực dân Pháp mà cả thế giới thấy nếu một dân tộc muốn có tự do, và tập hợp lại thì dân tộc đó có thể giải phóng mình khỏi những kẻ áp bức và chế độ thực dân Pháp”.
Trong khi Tiến sỹ Evgeny Vlasov - Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Viễn Đông, Liên bang Nga cũng khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là thất bại của đế quốc Pháp. Pháp mất các thuộc địa và hình thành một nhà nước mới – nhà nước của những người cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, toàn thế giới còn biết đến một người anh hùng mới, vị tướng giải phóng dân tộc Võ Nguyên Giáp”.
Giang Sơn - Trần Phương Chi
( Viện Tôn giáo - Học viện CTQG Hồ Chí Minh)