Chiến thắng Điện Biên Phủ và những bài học vô giá cho hôm nay

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 - mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử - 'được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc' [1]. Bảy thập kỷ đã trôi qua, những bài học quý mà chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' để lại vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Thứ nhất, bài học về hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng tạo, độc lập, tự chủ

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn, bản lĩnh và trí tuệ, đã đánh giá đúng tình hình, thực lực của ta và địch, để hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn và đầy sáng tạo - đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân kháng chiến: “Mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào”, trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa; với phương châm lâu dài, dựa vào sức mình là chính: địch muốn “đánh nhanh thắng nhanh” thì ta “dùng đoản binh chế trường trận”, thực hiện “đánh lâu dài”, trong tư duy nghệ thuật dụng binh tầm cao thời đại: “Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[2].

Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sinh động đường lối phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện đã khiến cho ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng tiến chắc và chắc thắng, cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là một đường lối kháng chiến cách mạng và khoa học, ở tầm cao nghệ thuật và mưu lược, về sau này được thế giới ngợi ca là “một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta” [3].

Thứ hai, bài học về phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của một dân tộc văn hiến và anh hùng

Để đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trước hết phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quyết tâm rất cao và kiên trì quyết tâm đó. Chúng ta bước vào cuộc kháng Pháp trong tương quan so sánh lực lượng rất chênh lệch, nói riêng “về trình độ tổ chức, trang bị kỹ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại” [4]. Pháp có đội quân xâm lược nhà nghề nổi tiếng, với lực lượng hải, lục, không quân hiện đại, lại được Mỹ giúp sức. Với số quân đông, vũ khí trang bị hiện đại, hỏa lực mạnh cùng hệ thống công sự kiên cố, các tướng tá Pháp - Mỹ huyênh hoang tuyên bố Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “cối xay thịt Việt Minh”...

Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và thành lập Bộ Chỉ huy, Đảng ủy mặt trận; Chính phủ thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận. Bác Hồ nhiều lần gửi thư khen ngợi, động viên, khích lệ quân và dân ta, đã trao lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng cho các chiến sĩ Điện Biên. Cả nước ra trận.

Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, quyết chiến, quyết thắng của con người Việt Nam đã phát huy đến đỉnh cao trong chiến dịch, thậm chí trong từng cuộc đọ trí, đọ sức diễn ra hết sức gay go giữa ta và địch để giành giật từng tấc đất, từng chiến hào. Biết bao tấm gương hy sinh chiến đấu, xả thân vì nước là biểu tượng bất diệt của chí khí và con người Việt Nam như: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Đó là những chiến sĩ lái xe bị thương không rời tay lái, chiến sĩ công binh vật lộn với bom chờ nổ, chiến sĩ quân y lăn mình trong khói lửa để tải thương, chiến sĩ thông tin quên mình để bảo vệ đường dây liên lạc thông suốt... và biết bao tấm gương dân công hỏa tuyến trong 56 ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, rất đáng khâm phục và tự hào:

Kháng chiến ba ngàn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử. Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như huân chương trên ngực

Dân tộc ta, dân tộc anh hùng...

Thứ ba, bài học về phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta bên cạnh tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, cần phải có bản lĩnh, trí tuệ để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện hợp điểm đường lối lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tài thao lược của bộ thống soái tối cao cùng nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Đó là từ nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, so sánh thế trận, tương quan lực lượng ta - địch trên chiến trường, Bộ Chỉ huy, Đảng ủy mặt trận đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nhằm bảo đảm “chắc thắng” theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay như, với sự tính toán hết sức chủ quan, quân Pháp cho rằng quân ta không thể mở đường để kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ được, thì ta đã làm được điều đó một cách kỳ diệu. Cậy binh lực lớn, vũ khí hiện đại, trận địa kiên cố, địa hình bằng phẳng có thể lợi dụng, chúng cho rằng quân ta không thể tiếp cận cứ điểm mà không bị tiêu diệt, thì trái với dự đoán đó, trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, với 3 đợt tiến công mãnh liệt, quân và dân ta đã toàn thắng. Ví như quân và dân ta đã có những cách vận chuyển tiếp tế hậu cần chiến dịch rất độc đáo bằng những chiếc xe đạp thồ “có một không hai”, khiến kẻ địch vô cùng bất ngờ. Đây là “cuộc ra quân lớn nhất” của cả nước kể từ đầu cuộc chiến. Giuyn Roa, cựu Đại tá không quân Pháp phải thừa nhận: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp viện của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải viện trợ của Trung Quốc đã giúp Việt Minh thắng tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-giô thồ từ 200 đến 300kg hàng được điều khiển bởi những dân công ăn không no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm nilông. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương” [5].

Bài học về phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã trở thành giá trị quý báu để Đảng và Nhân dân ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới, kiến tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước như ngày nay.

Thứ tư, bài học về vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương, căn cứ địa và thế trận lòng dân vững chắc.

Thành công nổi bật của ta trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ là giải quyết tốt nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa bồi dưỡng, phát triển lực lượng ta về mọi mặt để đi tới chiến thắng. Đảng đã xác định “Do kháng chiến trường kỳ và gian khổ, ta phải ra sức mở mang kinh tế tài chính để bồi dưỡng sức dân và cung cấp cho nhu cầu quân đội” [6]. Nhân dân ta đã ra sức tăng gia sản xuất và tiết kiệm để đảm bảo cung cấp những nguồn lực cần thiết cho đời sống và cho kháng chiến; xây dựng hậu phương, căn cứ địa vững chắc - nhất là “cứ địa lòng dân”. Bồi dưỡng sức dân thông qua thực hiện giảm tô, giảm tức, bước đầu cải cách ruộng đất ở vùng tự do, mới giải phóng, vùng sau lưng địch để động viên sức dân, làm “ấm lòng” những chiến sĩ ngoài mặt trận. Đây là bài học quý báu về “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” được đúc kết từ thực tiễn kháng chiến và tiếp tục được Đảng kế thừa và phát triển trong thời kỳ đổi mới, trên nền tảng “Dân là gốc”, Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới, là cội nguồn của mọi thắng lợi.

Thứ năm, bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và quốc tế

Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện đầy đủ tinh thần và sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Thắng lợi đó là biểu tượng rực rỡ của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa liên minh chiến đấu với Nhân dân Lào, Campuchia và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân giải phóng Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu giành những thắng lợi quan trọng, gây cho địch những tổn thất nặng nề, giải phóng những vùng rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội ta tiêu diệt địch trên chiến trường chính Điện Biên Phủ. Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ và cổ vũ cuộc chiến đấu của Nhân dân ta. Nhân dân các dân tộc bị áp bức, tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng theo dõi cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam với một sự đồng tình sâu sắc, coi thắng lợi Điện Biên Phủ như thắng lợi của chính mình. Đây là bài học có ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc đổi mới, trong xu thế hội nhập quốc tế, kết hợp nội lực và ngoại lực để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Tầm vóc thắng lợi và những bài học lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi là những bài học vô giá của cách mạng Việt Nam. “Tiếng sấm Điện Biên Phủ còn mãi rền vang. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ! (...) Những tiếng đã đi vào ngôn ngữ của các dân tộc. Những tiếng vang vang tự hào” [7]. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ mãi tiếp thêm nguồn động lực tinh thần vĩ đại cho khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

PGS, TS Đỗ Xuân Tuất

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

và các lãnh tụ của Đảng

[1] Lê Duẩn: Dưới cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự Thật, Hà Nội 1970, Tr 90.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.55-56.

[3] Xã luận báo Chiến đấu, nước Cộng hòa Nhân dân Công gô, số ra ngày 12/9/1969.

[4] Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND - Nxb Thanh niên, H.1995, tr.35.

[5] Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Nxb.Giulia, Pari.1964, tr.357-358.

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H. 2001, T.12, Tr 511.

[7] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H.2014, tr.560.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/chien-thang-dien-bien-phu-va-nhung-bai-hoc-vo-gia-cho-hom-nay/211430.htm