Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa: Bản anh hùng ca bất diệt

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho nghệ thuật quân sự tài tình và sự quật khởi của phong trào nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân.

Lãnh đạo tỉnh tưởng nhớ công lao to lớn của gia tộc nhà Tây Sơn Tam Kiệt.

Lãnh đạo tỉnh tưởng nhớ công lao to lớn của gia tộc nhà Tây Sơn Tam Kiệt.

Chiều 1/2 (nhằm ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ), tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương nhân kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và du khách.

Vào cuối thế kỷ 18, đất nước ta đối mặt với nhiều biến động, muôn vàn khó khăn, thử thách. Mùa Xuân năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của ba thủ lĩnh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân, các anh hùng hào kiệt, cùng những sĩ phu yêu nước. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và giành được nhiều thắng lợi vang dội.

Trước tình cảnh nhà Lê suy yếu nghiêm trọng và nguy cơ xâm lược từ 29 vạn quân Mãn Thanh, vào cuối năm 1788, Nguyễn Huệ đã “thuận ý trời, hợp lòng người” lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu Quang Trung, thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc, gánh vác trọng trách cứu nước cứu dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc diễn văn tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc diễn văn tại buổi lễ.

Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1789, đại quân Tây Sơn xuất phát từ phòng tuyến Tam Điệp, tiến ra Thăng Long theo nhiều mũi tấn công táo bạo từ các hướng khác nhau. Đêm mùng 3 Tết, vua Quang Trung chỉ huy bao vây đồn Hà Hồi; trước sức ép áp đảo của quân Tây Sơn, quân Thanh nhanh chóng đầu hàng. Rạng sáng mùng 5 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến công mạnh mẽ vào đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng. Với chiến thuật “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, trong vòng 5 ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ và sức kháng cự của quân Thanh đã hoàn toàn sụp đổ.

Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào kinh thành Thăng Long trong niềm vui hân hoan và tự hào vô bờ của toàn dân.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này minh chứng cho nghệ thuật quân sự tài tình và sự quật khởi của phong trào nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân. Đó là chiến thắng của quyết tâm và ý chí kiên cường của ông cha ta.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã thành kính dâng hương tại Đền thờ Thân phụ, Thân mẫu ba anh em nhà Tây Sơn Tam Kiệt và dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của gia tộc nhà Tây Sơn Tam Kiệt cùng các Văn thần, Võ tướng của Vương triều Tây Sơn.

Không khí buổi lễ.

Không khí buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Việc tổ chức Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử không chỉ ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc và chiến tích chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của các vị anh hùng Tây Sơn kiệt xuất, nhất là người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự, thần tốc, bách chiến bách thắng, một vị minh quân với tấm lòng chiêu hiền đãi sỹ, thuyết phục cựu thần, khuyến trọng hiền tài, mở mang nông thương, chấn hưng giáo dục, cải cách văn hóa vượt khuôn thước sáo mòn thời đại.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và khí thế thần tốc, bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kêu gọi các ngành, các cấp, toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, chung sức đồng lòng để “tăng tốc” và “bứt phá”. Đồng thời, ra sức thi đua trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ghi dấu ấn 50 năm giải phóng tỉnh Bình Định - niềm tự hào và vinh quang của quê hương. Từ đó, tạo tiền đề hứng khởi bước vào nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2025 - 2030 với khát vọng xây dựng Bình Định - “đất võ, trời văn” ngày càng giàu mạnh, vươn mình tỏa sáng.

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chien-thang-ngoc-hoi-dong-da-ban-anh-hung-ca-bat-diet-393896.html