Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Bài học kinh nghiệm còn mãi giá trị

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953 - 2023), sáng 13/4, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với Chủ đề: 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm'.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng, Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông.

Khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết: Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi to lớn”.

Sau gần 1 tháng chiến đấu (từ 13/4 đến 3/5/1953), quân đội hai nước đã tiêu diệt hơn 2.800 tên địch, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào).

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông phát biểu khái quát mối quan hệ giữa tỉnh Sơn La và các địa phương nước bạn Lào. Ảnh: Bích Nguyên

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông phát biểu khái quát mối quan hệ giữa tỉnh Sơn La và các địa phương nước bạn Lào. Ảnh: Bích Nguyên

Chiến thắng Thượng Lào 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: “Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, QĐND Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định chiến thắng Thượng Lào 1953 là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP (thứ ba từ trái sang) cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP (thứ ba từ trái sang) cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Kết quả Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện QĐND Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau,... Những bài học, kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Bí thư tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông khẳng định: “Chiến dịch Thượng Lào đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giữ gìn, dày công vun đắp và phát triển toàn diện đến hôm nay”.

Các đại biểu dự hội thảo cũng làm sáng tỏ sự chủ động, mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Đồng thời phân tích những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trong Chiến dịch Thượng Lào 1953; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi; sự phát triển bền chặt, tất yếu của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các tham luận đều khẳng định chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Với chiến dịch Thượng Lào, sự phối hợp chiến đấu về mặt quân sự giữa quân đội hai nước đã phát triển lên tầm cao mới, làm tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thắng lợi to lớn hơn, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của hai nước vững bước tiến lên giành thắng lợi mới, to lớn hơn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-thuong-lao-1953-bai-hoc-kinh-nghiem-con-mai-gia-tri-post460404.html