NATO lo ngại khi ông Trump yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng
Hai tuần trước khi chính thức trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã đề xuất một mức chi tiêu quốc phòng cao hơn rất nhiều so với cam kết hiện tại, khiến NATO bất an.
Lời kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến nhiều nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu bối rối, trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội tại lục địa này vẫn rất cao.
Các chuyên gia nhận định đây có thể chỉ là chiến thuật đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thỏa hiệp.
Hai tuần trước khi chính thức trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã đề xuất một mức chi tiêu quốc phòng cao hơn rất nhiều so với cam kết hiện tại.
Tại cuộc họp báo hôm 7/1, ông tuyên bố: “Tôi nghĩ NATO nên chi 5%. Họ đều có khả năng chi trả”.
Mức này cao gấp hơn hai lần so với cam kết 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà các nước NATO đã đồng ý trước đó. Ngay cả mức cũ đã gây khó khăn cho nhiều nước châu Âu, mức 5% còn vượt cả con số 4% mà ông Trump từng kêu gọi trong nhiệm kỳ trước.
Áp lực lên các nước NATO ở châu Âu
Theo báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington năm ngoái, chỉ có khoảng hai phần ba các nước thành viên đạt mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, và chỉ Ba Lan vượt ngưỡng 4%.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các nước châu Âu sẽ buộc phải chi tiêu nhiều hơn để hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng và đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Tuy nhiên, mức 5% GDP là không khả thi trong điều kiện kinh tế hiện tại, ngay cả đối với những nước giàu hơn trong khối NATO.
Các nhà phân tích cho rằng yêu cầu của Tổng thống đắc cử Trump có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán.
Ông Rafael Loss, chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP có thể được xem là thực tế hơn đối với châu Âu.
Đồng quan điểm, ông Ian Lesser, giám đốc Văn phòng quỹ Marshall Đức tại Brussels, cũng nhận định yêu cầu này giống như một nước cờ mở đầu và ông Trump có thể chấp nhận một con số thấp hơn. Tuy nhiên, ngay cả mức 3% hay 3,5% cũng sẽ là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia.
Nga và lời kêu gọi từ lãnh đạo NATO
Tháng 12 vừa qua, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nhấn mạnh về chi tiêu quốc phòng của Nga, đạt 7-8% GDP trong năm nay. Ông kêu gọi các nước châu Âu chuyển sang “tư thế thời chiến” và thúc đẩy sản xuất quốc phòng.
Ông Rutte cũng đề xuất các quốc gia giảm bớt ngân sách an sinh xã hội để dành nguồn lực cho quốc phòng. “Trung bình, các quốc gia châu Âu chi tới 25% thu nhập quốc gia cho lương hưu, y tế và hệ thống an sinh xã hội. Chỉ cần một phần nhỏ số tiền đó, chúng ta có thể làm cho hệ thống quốc phòng mạnh mẽ hơn”, ông nói.
Hiện không có quốc gia NATO nào chi 5% GDP cho quốc phòng. Ba Lan dẫn đầu với 4,12%, theo sau là Estonia (3,43%) và Mỹ (3,38%).
Tại Italy, nơi chi tiêu quốc phòng năm 2024 chỉ đạt 1,49% GDP, Thủ tướng Giorgia Meloni được dự đoán sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, chi phí cao cho y tế và hệ thống hưu trí khiến ngân sách quốc phòng của nước này khó có dư địa để tăng mạnh.
Anh, một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu NATO, cũng gặp khó khăn. Dù đã chi 2,33% GDP cho quốc phòng trong năm 2024, con số này vẫn chưa đạt mục tiêu 2,5% mà London tự đề ra.
Việc tăng lên 5% lại càng xa vời hơn khi chính phủ Anh đang cam kết cải thiện các dịch vụ xã hội, như giảm thời gian chờ khám bệnh và xây thêm nhà ở.
Pháp và Đức cũng đối mặt với áp lực tương tự. Tại Pháp, bất ổn chính trị đang làm suy yếu các kế hoạch quốc phòng, trong khi Đức chuẩn bị bầu cử sớm và tranh luận ngân sách ngày càng gay gắt.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi các nước NATO đồng ý tăng ngân sách quốc phòng, câu hỏi đặt ra là liệu khoản tiền đó sẽ được dùng để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hay mua sắm vũ khí từ Mỹ.
Một thỏa thuận có thể được đưa ra: chi tiêu ít hơn 5% GDP nhưng dành một phần lớn ngân sách này để mua sản phẩm từ các nhà sản xuất Mỹ.
Yêu cầu của vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, dù gây tranh cãi, đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về an ninh và khả năng tự vệ của NATO trước bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.