Chiến thuật 'đứng ngoài' mang về tin vui bất ngờ cho ông Biden
Việc chọn đứng ngoài và hỗ trợ từ sau, thay vì trực tiếp đàm phán với quốc hội đã giúp nghị trình lập pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đạt những thành tựu.
Lần đầu rời khỏi Nhà Trắng sau hơn hai tuần phải cách ly vì Covid-19, Tổng thống Biden đã đón tin vui từ quốc hội khi Thượng viện Mỹ ngày 7/8 thông qua dự luật trị giá 430 tỷ USD, liên quan đến việc chống biến đổi khí hậu, giảm giá thuốc kê đơn và tăng một số loại thuế doanh nghiệp.
Chỉ còn 4 tháng là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, và bất kỳ chiến thắng nào tại quốc hội đều là những điểm cộng cho đảng Dân chủ - đang kiểm soát đa số tại lưỡng viện.
Những chiến thắng gần đây, bao gồm dự luật ngày 7/8, hay luật kiểm soát súng đạn được ký hồi tháng 6, được cho là kết quả do sự thay đổi từ bản thân ông Biden. Tổng thống Mỹ đã giao việc đàm phán các dự luật với quốc hội cho cấp dưới, thay vì tham gia trực tiếp vào toàn bộ quá trình đàm phán - điều đã khiến một số dự luật đình trệ trong năm trước.
"Công chúng không muốn tôi là trở thành một 'tổng thống - nghị sĩ'. Công chúng muốn tôi là tổng thống và để các nghị sĩ làm phần việc của họ", ông Biden nói hồi tháng 1.
Tuy vậy, điều này không dễ dàng, khi phần lớn sự nghiệp chính trường của ông, với gần 5 thập niên, gắn liền với Điện Capitol. Ông đã có 36 năm làm thượng nghị sĩ bang Delaware, cùng 8 năm là chủ tịch Thượng viện khi là cấp phó của cựu Tổng thống Barack Obama. Quãng thời gian này dường như đã khiến Tổng thống Biden quen với những cuộc tranh luận trực tiếp tại Thượng viện.
Khởi đầu chật vật
Các cố vấn cho ông Biden nhận định rằng việc không tham gia sâu vào các cuộc đàm phán của quốc hội là chìa khóa cho những thành công trong nghị trình của tổng thống. Việc đảng Dân chủ nắm cả hai viện quốc hội đã phần nào khiến những người ủng hộ đặt ra kỳ vọng và sức ép lên ông Biden.
Điều này đôi khi khiến tổng thống đương nhiệm khó đạt được đồng thuận với đảng đối lập, vốn giữ một tỷ lệ sát sao 50-50 tại Thượng viện.
Mùa xuân năm 2021, ông Biden thể hiện tốt khi đàm phán trực tiếp với Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito của đảng Cộng hòa về dự luật cơ sở hạ tầng. Đàm phán sau đó đã thất bại vì bất đồng trong quy mô và chi phí.
Cùng thời điểm đó, một nhóm gồm các nghị sĩ lưỡng đảng đã họp để thảo luận về việc cải tổ giao thông, cấp nước và hạ tầng băng thông rộng. Dự luật hạ tầng trị giá 1 tỷ USD phải rất khó khăn mới được thông qua.
Sau đó, tổng thống đã cố thảo luận về một gói tài chính chi tiêu xã hội và khí hậu sâu rộng với Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thậm chí ông Biden đã mời ông Manchin đến nhà riêng ở Delaware. Nhưng sau đó nghị sĩ Dân chủ đã bất ngờ thông báo ngừng thảo luận.
Ông Manchin sau đó quay lại đàm phán, nhưng lần này chỉ với lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer. Tranh cãi về dự luật này đã kéo dài hơn một năm trước khi được quốc hội thông qua vào ngày 7/8.
Cuối năm 2021, cấp dưới ở Nhà Trắng đã thuyết phục ông Biden kín tiếng về cuộc thảo luận với quốc hội, nhằm tránh để công chúng chú tâm vào nghị trình đang được thảo luận. Điều này đã nhận về sự chỉ trích từ giới báo chí, nhưng Nhà Trắng nhận định rằng việc công chúng không biết chi tiết về nghị trình có thể khiến kết quả khả quan hơn.
“Tổng thống Biden và đội ngũ đã làm việc chặt chẽ với quốc hội để đấu tranh cho các chính sách chống lạm phát và giảm chi phí cho những gia đình, củng cố năng lực cạnh tranh với Trung Quốc, chống lại bạo lực súng đạn”, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates nói.
Vào thời điểm này, Nhà Trắng đã có những thay đổi trong nghị trình, sau một năm chú tâm vào việc chống Covid-19. Khi đại dịch dịu đi và ông Biden có thể tổ chức nhiều cuộc gặp trực tiếp, tổng thống đã dùng những dịp này để truyền tải thông điệp tới cử tri và các nhóm lợi ích.
Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn chưa thể lập tức đem lại hiệu quả. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden liên tục giảm khi lạm phát tăng vọt và nghị trình đình trệ.
Thay đổi hợp lý
Nhưng theo thời gian, ông Biden dần đạt một số thành tựu với vai trò là người hỗ trợ cho các đồng minh trong đảng, thay vì đàm phán trực tiếp: Ký một đạo luật kiểm soát súng quan trọng nhất trong 3 thập niên; các biện pháp đẩy mạnh sản xuất nội địa đối với chip bán dẫn; dự luật chống biến đổi khí hậu và y tế (ngày 7/8).
Cả nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nói rằng việc ông Biden không trực tiếp tham gia đàm phán giúp hai bên có thể dễ đạt đồng thuận hơn.
“Tổng thống dường như đã nói sẽ đứng ngoài (các cuộc đàm phán tại quốc hội). Tôi nghĩ điều đó hữu ích”, Thượng nghị sĩ Rob Portman của đảng Cộng hòa cho biết.
Tuy nhiên, đứng ngoài không đồng nghĩa với việc chính phủ không tham gia thảo luận dự luật. Thay vì trực tiếp ở trong bàn đàm phán, các quan chức Nhà Trắng giữ liên lạc qua điện thoại và giải thích lập trường từ chính phủ.
Cũng liên quan đến đàm phán về kiểm soát súng, từng có thời điểm rộ lên tin đồn Nhà Trắng đang cân nhắc cấm Lầu Năm Góc bán một số loại đạn cho các nhà buôn súng. Phe Cộng hòa đã nói rằng Nhà Trắng nên từ bỏ ý định đó vì điều này đi ngược với những gì các nhà lập pháp đang thảo luận.
Chính phủ sau đó đã ra tuyên bố không có sắc lệnh hành pháp nào liên quan tới đạn dược đang được thảo luận.
Về dự luật chip bán dẫn ông Biden dự kiến ký vào ngày 9/8, chính quyền trước đó đã tổ chức cuộc họp mật với các nhà lập pháp để nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực chip máy tính và tác động đến an ninh quốc gia. Các nghị sĩ Cộng hòa cũng thường xuyên liên lạc với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, thành viên nội các chính quyền Biden, người có mối quan hệ tốt với các đảng.
Trong khi đó, đối với dự luật về khí hậu và sức khỏe vừa được thông qua tối 7/8, Thượng nghị sĩ Manchin nói rằng dự luật này không thể hoàn thành nếu không có sự tham gia từ Nhà Trắng, dù ông không trực tiếp đàm phán với Tổng thống Biden.