Chiến thuật giao dịch khi VN-Index ở vùng đỉnh ngắn hạn
Ông Dương Văn Chung Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường hiện tại đang ở vùng đỉnh ngắn hạn, chứ không phải là điểm đảo chiều xu thế, nên nhà đầu tư cần 'bình tĩnh, nhịp nhàng'.
Thị trường chứng khoán có diễn biến khởi sắc trong tháng 5 và 6. Ông có nhận định như thế nào về xu hướng thị trường tháng 7?
Với diễn biến thị trường trong 2 tháng vừa qua, thị trường đang xác nhận kịch bản tăng trung và dài hạn. Tuy nhiên, sau đà tăng vừa rồi thì thị trường đối mặt với một nhịp giảm điểm có tính chất điều chỉnh ngắn hạn, có thể kéo dài trong 3 - 4 tuần, với nhiều mã giảm 20 - 25% từ đỉnh ngắn hạn và chỉ số VN-Index có khả năng cao sẽ giảm xuống dưới 1.100 điểm.
Theo đó, VN-Index không giảm sâu và thời gian điều chỉnh dự kiến kéo dài nên độ dốc sẽ thoai thoải, không khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là khi một số cổ phiếu có thể tăng ngược xu hướng chung. Trên thị trường hiện vẫn có những cổ phiếu chưa tăng mạnh, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2023 của doanh nghiệp được dự báo khá tốt. Số lượng các mã này không nhiều, nhưng cũng đủ làm cản trở đà giảm của chỉ số.
Xu hướng dài hạn của thị trường vẫn là tăng, nên nhịp điều chỉnh có thể khiến VN-Index giảm xuống 1.097 +/-5 điểm, sau đó tăng tiếp. Chính vì đây chỉ là một nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn trong một xu thế tăng dài hạn nên dự kiến đa phần các cổ phiếu có tính thị trường cao sẽ giảm giá cùng chỉ số, nhưng vẫn có những mã tăng ngược thị trường chung. Do vậy, nhà đầu tư cần nắm rõ đặc tính này để từ đó có phương pháp giao dịch phù hợp.
Tháng 7, các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Tôi dự báo, kết quả kinh doanh đa phần sẽ có màu xám và là đáy của kết quả kinh doanh (thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nên chỉ số tạo đáy từ trước, còn quý II này mới là quý xấu nhất về kết quả kinh doanh, từ quý III trở đi dự kiến sẽ hồi phục). Theo đó, thị trường cần điều chỉnh vì đã chạy quá xa so với yếu tố cơ bản là kết quả kinh doanh quý II sẽ được công bố vào cuối tháng 7.
Thị trường có thể sẽ điều chỉnh giảm trong cả tháng 7, điều này là hợp lý cả về yếu tố cơ bản lẫn kỹ thuật. Còn về tâm lý thì dòng tiền tiết kiệm lãi suất cao từ cuối năm 2022 đáo hạn vào cuối tháng 6/2023, nhà đầu tư có tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trên thị trường chứng khoán nên chuyển từ kênh tiết kiệm sang, cũng là lúc thị trường tạo đỉnh ngắn hạn.
Ông có nhận xét gì về dòng tiền FOMO?
Các khoản tiền của nhà đầu tư có tâm lý FOMO giúp đẩy thị trường lên và tạo đỉnh ngắn hạn. Theo quan sát của tôi, đa phần những người chi li với từng đồng tiền tiết kiệm không có kỹ năng xử lý với các bước sóng trên thị trường chứng khoán, mà chỉ biết định giá cơ bản, nên thường bị mua hớ. Vì vậy, nhà đầu tư có thể “lợi dụng” hiện tượng này triệt để. Cụ thể, nếu đang có hàng thì tranh thủ lúc thị trường lên để bán, chứ không phải là để tâm lý hưng phấn theo thị trường.
Nhiều nhà đầu tư thực hiện “đánh nhanh - rút nhanh” và quay vòng vốn liên tục nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Quan điểm của ông về chiến lược giao dịch này như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng, kể từ vùng này trở đi, khi đã bán cổ phiếu rồi thì không mua lại ngay, hoặc dùng tiền để mua mã khác ngay sau đó, vì rất rủi ro. Nghĩa là, nhà đầu tư nếu đã bán chốt lãi thì tốt nhất nên rút tiền về để bảo vệ thành quả. Lỗi của rất nhiều nhà đầu tư hay mắc phải đó là thích lướt sóng liên tục.
Bán xong thấy cổ phiếu khác nhúc nhích tăng giá là lao vào mua và bị “mắc kẹt”. Do vậy, ở giai đoạn này, nhà đầu tư cần xác định, nếu đầu cơ thì bán xong phải gửi tiền bên ngoài ít nhất là 2 tuần, khi giá điều chỉnh giảm mới quay lại thị trường.
Khi giá tăng, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu băn khoăn chọn thời điểm bán, còn người cầm tiền mặt thì “đứng ngồi không yên”. Ông nhìn nhận như thế nào về tâm lý đầu tư đó?
Tâm lý của một số nhà đầu tư có kỹ thuật giao dịch khi thị trường tăng là bán sớm để đảm bảo an toàn. Do tâm lý bán sớm trong khi thị trường “khỏe”, nên nếu như tâm lý yếu thì nhà đầu tư rất dễ quay lại mua đúng đỉnh. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải bình tĩnh, hạ từ từ trạng thái danh mục và xác định rằng, khi bán xong mà thị trường tăng tiếp cũng không được quay lại mua luôn.
Xu hướng dài hạn của thị trường vẫn là tăng, nên nhịp điều chỉnh có thể khiến VN-Index giảm xuống 1.097 +/-5 điểm, sau đó tăng tiếp.
Ông Dương Văn Chung Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Nhà đầu tư không nên đợi sát điểm dự báo mới bán, mà nên hạ từ từ danh mục cho tới khi thị trường đạt đỉnh. Chúng tôi dự báo, đỉnh ngắn hạn của VN-Index là 1.153 +/-5 điểm, bây giờ nhà đầu tư nên chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu, nhưng cần bán chậm rãi, vì thị trường hay kéo thốc đoạn cuối.
Khi chỉ số trên 1.140 điểm thì tăng tốc bán nhanh hơn. Chiến lược đó dành cho những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy hoặc có tâm lý yếu. Còn những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và có độ lì cao nên lạnh lùng quan sát, đợi VN-Index lên 1.148 điểm mới bán.
Thị trường hiện nay không quá xấu để phải vội vã chốt lời. Thực tế, nếu là nhà đầu tư có kinh nghiệm thì những giai đoạn vùng đỉnh như thế này cần lạnh lùng chốt lãi theo chiều lên, chứ không cuống cuồng bán đuổi theo chiều xuống. Hơn nữa, đây chỉ là một vùng đỉnh ngắn hạn, chứ không phải là điểm đảo chiều xu thế, nên phải rất “bình tĩnh, nhịp nhàng”.
“Bình tĩnh, nhịp nhàng” được hiểu như thế nào cho đúng? Trong vai nhà môi giới, ông khuyến nghị khách hàng của mình hành động như thế nào?
Chúng tôi đã khuyến nghị khách hàng mua “tất tay”, đồng thời sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) từ trước khi VN-Index vượt 1.077 điểm. Ngày 9/6/2023, chúng tôi xác định tuần từ 12 - 16/6/2023 là tuần cuối cùng khuyến nghị mua vào và ngày 16/6/2023 xác định tuần từ 19 - 23/6/2023 là tuần cuối cùng khuyến nghị tái cơ cấu.
Mục đích như vậy là để đảm bảo an toàn và lợi nhuận lớn cho số đông nhà đầu tư, vì khi tất cả đám đông đã nhận ra xu hướng tăng và đua nhau mua thì lúc đó rủi ro cao lên, biên lợi nhuận còn lại rất thấp.
Tất nhiên, có những cổ phiếu tạo đỉnh trước thị trường chung, nhưng cũng có những cổ phiếu sẽ tăng xuyên qua đỉnh chung của thị trường (thị trường chung giảm nhưng cổ phiếu đặc biệt vẫn tăng), nên việc bán cổ phiếu cần chọn lọc kỹ. Những cổ phiếu có tính thị trường cao thường sẽ giảm chung cùng VN-Index, nên nhà đầu tư cần ưu tiên bán các cổ phiếu này khi chỉ số vượt 1.140 điểm. Những cổ phiếu cơ bản tốt và mới tăng ít thì không cần thiết phải bán.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, một số cổ phiếu cơ bản tốt có thể tăng xuyên qua đỉnh thị trường chung, nên việc bán ra phải rất chọn lọc. Giai đoạn này, nhà đầu tư nên “cô đọng” lại danh mục, tập trung vào những mã được đánh giá khỏe nhất thị trường trong trung hạn, chỉ bán khi thị trường hưng phấn thái quá.