'Chiến thuật' mới của Nga khi xuất khẩu dầu mỏ giảm sút

Sau khi đạt khối lượng kỷ lục trong những tháng gần đây, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm xuống 3 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2023.

Trong ảnh: Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong ảnh: Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Sau khi đạt khối lượng kỷ lục trong những tháng gần đây, bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây, sản xuất trong nước suy giảm và rủi ro khi di chuyển qua Biển Đen, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm xuống 3 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2023, thấp hơn khoảng 800.000 thùng so với mức trung bình từ tháng 4 đến tháng 5/2023, đồng thời cũng thấp hơn mức trước khi diễn ra cuộc xung đột với Ukraine.

Xuất khẩu dầu của Nga có khả năng vẫn ở mức thấp. Vào ngày 5/9 vừa qua, Nga cho biết, nước này sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức 300.000 thùng/ngày, được công bố lần đầu tiên vào tháng Tám, đến cuối năm 2023.

Xuất khẩu sụt giảm khiến Điện Kremlin mất đi nguồn lực tài chính cần thiết. Theo ước tính của chuyên gia Viktor Kurilov từ công ty tư vấn Rystad Energy, vào tháng 8/2023, doanh thu thuế liên bang từ việc bán dầu thô của Nga đã giảm xuống chỉ còn 8 tỷ USD, từ mức 10 tỷ USD trong tháng 7/2023 và 13 tỷ USD của tháng 8/2022. Trong khi đó, đồng ruble, từ lâu đã là một biểu tượng cho sự kiên cường của Nga, đã giảm xuống mức gần 100 ruble đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuộc xung đột. Cả hai nhân tố suy giảm này đã tạo ra sự cấp bách cho những nỗ lực của Nga nhằm kiếm thêm tiền từ mỗi giọt dầu thô mà nước này bơm ra. Để nỗ lực đó đạt hiệu quả, nước Nga đã theo đuổi ba chiến lược sau:

Đầu tiên là theo đuổi mức giá cao hơn cho số lượng dầu bán ra ít hơn. Từ tháng Một đến tháng Tám năm nay, giá dầu Urals, loại dầu thô chính của Nga, đạt mức trung bình 59 USD/thùng, giảm từ mức 83 USD/thùng trong cùng kỳ năm 2022. Phần lớn điều này là do giá dầu toàn cầu giảm, từ 104 USD/thùng xuống còn 81 USD/thùng trong giai đoạn này. Nhưng các lệnh cấm vận của phương Tây, giúp những người mua khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, dễ dàng đàm phán hơn trong giao dịch mua dầu của Nga, có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó dẫn tới đà giảm giá này.

Việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đặt ra mức trần giá dầu của Nga cũng tạo sức ép cho giá mặt hàng này khi cấm các đại lý và các công ty bảo hiểm phương Tây tạo điều kiện cho xuất khẩu dầu thô của Nga nếu nó được bán dưới mức 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, gần đây, chiến lược theo đuổi mức giá cao hơn đã đạt được một số thành công. Kỳ vọng về việc lãi suất đạt đỉnh ở Mỹ, cũng như việc cắt giảm sản lượng của cả Nga và Saudi Arabia, đã giúp nâng giá dầu toàn cầu lên trên 90 USD/thùng lần đầu tiên trong năm nay vào ngày 5/9. Điều này mang lại lợi ích cho Nga, quốc gia trong những tháng gần đây đã xây dựng một đội tàu chở dầu “xám” – thường là những tàu cũ thuộc sở hữu của các bên trung gian ít tên tuổi ở vùng Vịnh, Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Thổ Nhĩ Kỳ – và một hệ thống bảo hiểm do nhà nước hậu thuẫn giúp cách ly phần lớn mạng lưới phân phối của họ khỏi ảnh hưởng của thế giới và tác dụng của giới hạn giá.

Nga cũng hạn chế hơn việc vận chuyển dầu từ Biển Đen và đẩy mạnh việc vận chuyển từ các cảng Baltic và Viễn đông, nơi khó phát hiện vi phạm các lệnh trừng phạt hơn. Kể từ giữa tháng 8/2023, dầu Urals đã giao dịch ở mức trên 70 USD/thùng.

Phương Tây khó có thể thúc đẩy việc thực thi chặt chẽ hơn giới hạn giá, bởi họ muốn duy trì dòng dầu của Nga để tránh thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm nay nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Do đó, việc tăng giá dầu Urals dường như sẽ trở nên chắc chắn, ngay cả khi khó thuyết phục khách hàng chấp nhận mức chiết khấu ít hơn so với giá dầu toàn cầu. Ấn Độ khẳng định rằng giá dầu Urals tăng đã làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của loại dầu này, đặc biệt là so với dầu thô vùng Vịnh. Tuy nhiên, điều này có chút không thực tế. Công ty phân tích dữ liệu Kpler cho rằng dầu Urals tiếp tục được giao dịch ở mức thấp hơn 7 USD/thùng so với loại dầu thô rẻ nhất của Saudi Arabia, mặc dù chất lượng dầu Urals vượt trội. Sự cứng rắn của Ấn Độ cho thấy nước này có thể chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán mua dầu của Nga.

Mặc dù Nga bán ít dầu thô hơn, nước này đang cố gắng đẩy mạnh bán các sản phẩm dầu tinh chế cao cấp. Đây được cho là chiến thuật thứ hai của họ để duy trì số tiền thu được. Để làm như vậy, họ có thể xử lý nhiều dầu thô hơn thông qua các nhà máy lọc dầu bằng cách huy động công suất nhàn rỗi, mà Kpler ước tính là tương đương 10% tổng công suất. Các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ hoãn phần lớn thời gian bảo trì dự kiến trong tháng này sang mùa Thu năm sau và nước này đang tối đa hóa sản lượng dầu diesel, một sản phẩm có lợi nhuận cao.

Cách thứ ba mà Nga đang cố gắng bù đắp cho lượng xuất khẩu dầu thô thấp là phát triển các kênh mới để phân phối dầu. Các nhà xuất khẩu đang thầm lặng tăng cường dòng chảy sang các nước châu Âu vẫn có thể mua dầu của Nga, cụ thể là Cộng hòa Czech và Hungary. Các nhà phân tích dự đoán điều này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2025, khi nhà điều hành đường ống của Czech có khả năng lấy thêm dầu thô từ đường dẫn nối nước này với Italy.

Nga cũng đang bắt đầu chuyển thêm dầu qua Bắc Cực, qua đó giúp cắt giảm chi phí vận chuyển đến Trung Quốc. Lộ trình này ngắn hơn 30-45% so với những tuyến hàng khởi hành từ biển Baltic và Barents. Dữ liệu của Kpler cho thấy số lượng tàu chở dầu thô của Nga sử dụng tuyến đường này sẽ tăng gấp 8 lần vào năm 2023. Việc điều hướng đến Bắc Cực chỉ có thể thực hiện được vào mùa Hè và đầu mùa Thu.

Nhìn chung, phần lớn những nhân tố quyết định doanh thu xuất khẩu của Nga trong ngắn hạn - bắt đầu từ tình trạng của nền kinh tế toàn cầu - vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này./.

Minh Trang (Theo The Economist)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chien-thuat-moi-cua-nga-khi-xuat-khau-dau-mo-giam-sut/305747.html