Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Một năm nhìn lại
Các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, sự khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhóm đàm phán của Bắc Kinh rối loạn.
Tính đến tháng 7 là tròn một năm kể từ ngày Mỹ chính thức giáng “cú đấm thuế” đầu tiên vào Trung Quốc theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Sau một năm dồn dập các đòn đánh thuế qua lại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới làm lao đao nền kinh tế toàn cầu, rất ít chuyên gia thương mại còn tin rằng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có thể cải thiện.
Chỉ như “câu đầu trong chương I” của cuộc đối đầu mới
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “ngưng chiến” tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang ở thế cố thủ hơn bao giờ hết.
Điều này thể hiện qua việc, Bắc Kinh khăng khăng, điều kiện tiên quyết để đi tới thỏa thuận với Mỹ đó là Washington buộc phải loại bỏ các rào cản thuế hiện tại đối với số hàng hóa của Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD. Đồng thời, Trung Quốc cũng chưa tìm ra được điều họ có thể làm để xoa dịu một Nhà Trắng đang phát triển theo hướng khá khác biệt, muốn lột xác khỏi mô hình kinh tế cũ.
Ông John Cowley, luật sư thương mại quốc tế cấp cao tại Baker McKenzie ở Hong Kong nhận định: “Hiện tại, tôi chưa nhìn thấy yếu tố nào làm nên kịch bản một ngày nào đó Mỹ sẽ gỡ bỏ toàn bộ các rào cản thuế họ áp đặt đến nay. Theo tôi, họ đã dấn vào quá sâu và còn rất nhiều mối lo sâu xa về cấu trúc dẫn đến rất khó để có thể từ bỏ những hàng rào thuế đã dựng lên”.
“Điều tôi nghe được đó là Trung Quốc rất muốn xem Mỹ định đưa những công ty chủ chốt nào của họ vào danh sách đen Entity List (các tổ chức, cá nhân mà Washington cho là có liên quan hay tham gia vào các hoạt động đi ngược với an ninh quốc gia hay lợi ích đối ngoại của Mỹ) sau đó sẽ trì hoãn những cam kết mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ cho đến khi họ nhận được những động thái tích cực trên mặt đó”, ông Cowley nói.
Nhiều chuyên gia, cựu quan chức chính phủ và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì cuộc chiến thuế đều cho rằng, khả năng đấu đá còn tiếp diễn dài lâu. Đối với ông Dong Tao, Phó chủ tịch Ngân hàng Tư nhân Credit Suisse khu vực Trung Quốc đại lục, 12 tháng vừa qua chỉ giống như “câu đầu trong chương một” của cuộc đối đầu mới giữa các cường quốc.
Trung Quốc chưa thể đọc vị Mỹ
Các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, sự khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhóm đàm phán của Bắc Kinh rối loạn và đó là trở ngại lớn nhất để hai nước có thể đi tới thỏa thuận cuối cùng.
“Năm vừa rồi đã chứng kiến rất nhiều biến động trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể nói, tính cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những tác nhân. Mặt khác, phong cách đó của ông làm nảy sinh bầu không khí thận trọng chung tại Washington trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ít nhất trong ngắn hạn, tình trạng này sẽ không thay đổi”, bà Yu Wanli, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Charhar trụ sở Bắc Kinh cho biết.
Theo bà, các đồng nghiệp đối tác tại Washington cũng có chung nỗi lo. Họ rất e ngại trước sự phát triển hiện nay của Bắc Kinh. Trung Quốc không còn là đất nước tỷ dân mà họ biết, họ đang cố gắng tìm cách để đối phó với một Trung Quốc hoàn toàn mới và đang nổi lên mạnh mẽ.
“Cuộc đối đầu thương mại này không chỉ do một mình Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, ông có nhiều cố vấn đằng sau và nhiều người trong số họ còn táo bạo hơn”, bà Yu nói và nhận định, phía Trung Quốc cảm thấy khó đọc vị Mỹ.
Nhiều người cho rằng, chính việc Mỹ không thể rõ ràng về những gì họ hy vọng đạt được từ các cuộc đàm phán đã khiến Trung Quốc dè chừng thỏa thuận.
“Vẫn chưa rõ điều Mỹ muốn là gì: Liệu đó là một cách tiếp cận thị trường, đòi hỏi cải cách quyền tài sản trí tuệ, tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, muốn nới lỏng những khó khăn trong môi trường kinh doanh đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc hay cải cách lại toàn bộ kinh tế Trung Hoa?”, ông Bryan Mercurio, Giáo sư luật kinh tế thế giới tại Đại học Hong Kong nêu quan điểm.
Một điều có thể thấy rõ: “Mỹ thực sự đã mở hộp Pandora (theo thần thoại Hy Lạp, đây là chiếc hộp chứa đựng mọi điều xấu xa trên thế giới) bằng cách sử dụng thuế thương mại như một loại vũ khí mềm để đạt được các mục tiêu khác, đó là điều thực sự đáng ngại và chúng ta có thể thấy Nhật cùng nhiều nước khác có vẻ như đã chắt lọc được điều gì đó từ việc Mỹ liên tiếp áp đặt cùng một mô thức đối với các nước khác nhau. Điều đó thực sự độc hại đối với hệ thống thương mại toàn cầu”, ông Henry Gao, Giáo sư về luật thương mại tại Đại học Quản lý Singapore nhận định.
Cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Washington đe dọa áp thuế toàn diện đối với Liên minh châu Âu, lấy thuế làm vũ khí để thay đổi chính sách nhập cư của Mexico, đồng thời áp thêm thuế đối với các đối thủ cũ là Nhật Bản và Hàn Quốc.