Chiến trường Idlib - cửa cuối của người Thổ
Các động thái liên tục gây tổn hại cho quân đội Syria tại Idlib đã làm tăng mối đe dọa đối đầu giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - rủi ro buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải tìm kiếm cơ hội ngay từ cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 5/3, trước những cánh cửa khác dường như đã khép lại.
Hành trang tới Moscow của ông Erdogan
Hôm 3/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của quân đội Syria ở tỉnh Idlib - chiến đấu cơ Syria thứ 3 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ kể từ hôm 29/2 - khiến giới quan sát lo ngại cuộc chiến sẽ leo thang ở mức nghiêm trọng hơn. Cuộc tấn công của Ankara được cho là để trả đũa vụ 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Damascus hồi tháng trước. Theo các nhà quan sát, chiến dịch tấn công của Ankara còn ác liệt, ít nhất cho đến khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Thổ tại Moscow ngày 5/3 được diễn ra.
“Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là đảo ngược những lợi thế mà chính quyền Syria đã đạt được ở Idlib trong vài tuần qua” - Asli Aydintasbas, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu đánh giá. Ông Aydintasbas nhấn mạnh thêm, điều này sẽ giúp ông Erdogan có thể đi đến cuộc gặp với người đồng cấp Putin “với một vị thế mạnh mẽ hơn”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, những thương vong mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận phải trong cuộc không kích tuần trước ở Idlib đã tạo ra một động lực mới, mạnh mẽ hơn cho Ankara. “Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Idlib và không thể rời đi vì nơi đây đã trở thành chiến trường danh dự của nước này” - Giáo sư Huseyin Bagci từ Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara nói, “và nếu đã trở thành vấn đề danh dự thì Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trả bất cứ giá nào, vì vậy tình hình căng thẳng hiện tại sẽ gia tăng”.
Tuy nhiên, cùng với việc vẫn duy trì thường xuyên các cuộc trao đổi Nga - Thổ, Ankara tỏ rõ thái độ “níu kéo” mối quan hệ với Moscow. Tổng thống Erdogan đã tránh cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc không kích khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng hồi tuần trước. Hầu hết các nhà phân tích chỉ ra rằng, máy bay ném bom của Chính phủ Syria không đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công vào ban đêm như vậy đối với binh sĩ của Ankara, mà chỉ có thể là không quân Nga.
Nga sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến bao trùm khu vực Idlib, cùng các máy bay chiến đấu đóng tại căn cứ không quân gần đó, trong khi các cuộc tấn công trên không của Ankara chủ yếu được thực hiện bởi máy bay không người lái. Cần nhớ rằng, Moscow đã có một thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng loại vũ khí này mà không bị can thiệp.
Vì vậy, trong những tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ “thoải mái” nhắm đến các mục tiêu của quân đội Syria. Tuy nhiên, với việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã “vô hiệu hóa” 2.000 binh sĩ Syria và phá hủy hơn 100 xe tăng chiến đấu, sự kiên nhẫn của Moscow dường như cạn kiệt. Hôm 2/3, Điện Kremlin cảnh báo Ankara rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nữa sau khi Damascus tuyên bố đóng cửa không phận Syria ở Idlib.
“Nổi loạn” khó chiều
Đáng chú ý, phản ứng mới đây của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ không phải duy nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/3 cũng tuyên bố, Mỹ sẽ không yểm trợ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ tại điểm nóng Idlib, trong khi một quan chức cấp cao khác của Washington cho biết: “Tổng thống Trump đã than phiền về những cuộc chiến không hồi kết và việc Mỹ lãng phí hàng tỷ USD tại Trung Đông. Ông nói rằng ông sẽ rút khỏi khu vực này”.
Diễn biến này phần nào minh chứng cho một nhận định lâu nay về cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria, rằng kể từ khi cuộc nội chiến bùng lên năm 2011, 2 cường quốc thế giới đã thay nhau duy trì một sự “nuông chiều thích hợp” với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên bản đồ thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có vị trí địa lý rất quan trọng, khi là cầu nối lục địa Á - Âu, và eo biển mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát cũng là tuyến đường duy nhất ra vào biển Đen. Dù các nước NATO muốn tấn công Nga từ hướng biển Đen hay Nga muốn chọc vào Trung Đông từ hướng vùng biển này cũng đều phải “làm thân” với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân mà bất kể là Thế chiến I hay Thế chiến II, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là quốc gia bị các cường quốc trên thế giới tranh đoạt.
Sau cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, mối quan hệ giữa Nga - Thổ nhanh chóng ấm lên, khiến Mỹ rơi vào thế bị động hoàn toàn trong cuộc nội chiến ở Syria. Thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Syria hồi tháng 12/2018 đã cho thấy tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại chiến trường này.
Tuy nhiên, đặt trong thế đối trọng với Nga hoặc Mỹ, sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể trở thành nhân tố mang tính quyết định trong việc làm chủ chiến trường. Do đó, một khi Thổ Nhĩ Kỳ “nổi loạn”, Moscow và Washington đều có thể loại bỏ Ankara bất cứ lúc nào. Thậm chí, theo China Times nhận định, nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức bị loại bỏ một khi Nga hoặc Mỹ dành thắng lợi. Điều này không hẳn không có cơ sở.
Mỹ đã từng có ý định loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, khi được cho đã “đạo diễn” một cuộc đảo chính quân sự chống lại chính quyền Erdogan. Đó là thời điểm Mỹ gần như làm chủ chiến trường Syria. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay Su-24 của Nga đang hoạt động tại chiến trường Syria. Nguy cơ bị Nga trả đũa khiến Thổ Nhĩ Kỳ năm đó hoảng sợ, phải viện đến NATO nhưng Mỹ tuyên bố thẳng thừng: “Đó là việc của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Mỹ - NATO không liên quan”.
Tương tự, sau khi Mỹ thất thế ở Syria năm 2018 và bắt đầu chuẩn bị rút quân, Nga ngay lập tức hỗ trợ Chính phủ Syria sẵn sàng tấn công vào lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, bất chấp các lời đe dọa từ Ankara về việc tăng thêm 100.000 quân đến Syria.
Từ quan điểm hành động của Nga và Mỹ cho thấy, cả 2 cường quốc này đều không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giành lấy thành quả rõ rệt nào ở Syria, và sự “dung túng” tạm thời đối với Ankara chỉ nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của mỗi bên Nga - Mỹ. Thực tế này đang buộc Tổng thống Erdogan phải cân nhắc kỹ lưỡng cho cuộc gặp gỡ với ông Putin, tránh đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như đã từng diễn ra hồi 2015.
Dồn áp lực lên EU?
Hồi cuối tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc điện đàm khẩn cấp giữa các bộ trưởng ngoại giao để bàn về cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, thay vì nói về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib, thảo luận nhấn mạnh vấn đề người di cư ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Năm 2016, khi chứng kiến làn sóng di cư từ Syria vào châu Âu mạnh chưa từng thấy, EU đã thỏa thuận với Ankara để giữ người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng một cam kết 6 tỷ euro - tương đương 6,6 tỷ USD lúc đó. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã “ngấm đòn” và cảm thấy quá tải với 4,1 triệu người tị nạn, trong khi có khả năng phải đón thêm 1,3 triệu người nữa một khi Idlib “an bài”. Từ đó, Ankara nay buộc EU phải lựa chọn: Hỗ trợ ngăn chặn chính quyền Syria thống nhất đất nước hoặc đối mặt với những người đang mắc kẹt ở Idlib đến phương Tây.
Quyết sách này dường như đã gây ra sự hoảng loạn nhất định trong EU. Đầu tuần này, Hy Lạp là thành viên EU đầu tiên đã quân sự hóa biên giới của mình, sẵn sàng bắn hơi cay vào người tị nạn mà Athens từ chối. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng bày tỏ sự cảm thông với các nước EU giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi một thông điệp đoàn kết tới Chính phủ Hy Lạp và Bulgaria. Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng đã đến thăm biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ vào một ngày sau đó.
Trong bối cảnh này, một hội nghị thượng đỉnh 4 bên Pháp - Đức - Nga - Thổ về Syria, dự kiến diễn ra sau cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ Putin - Erdogan, đã bị Điện Kremlin nhanh chóng gạt bỏ, như để ngăn chặn bất cứ thỏa thuận bất lợi nào với Chính phủ Syria lúc này. Moscow đang truyền một thông điệp rõ ràng tới Ankara cho cuộc gặp hôm 5/3: Ngay bây giờ hoặc không bao giờ!
“Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Idlib và không thể rời đi vì nơi đây đã trở thành chiến trường danh dự của nước này” - Giáo sư Huseyin Bagci từ Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara nói.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chien-truong-idlib-cua-cuoi-cua-nguoi-tho-376929.html