Chiến trường Kursk nóng lại khi quân Triều Tiên tái xuất

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng quân đội Triều Tiên đã quay trở lại chiến đấu tại khu vực Kursk của Nga sau một thời gian ngắn vắng bóng, theo Newsweek.

Trong bài phát biểu hôm 7.2, ông Zelensky nhấn mạnh rằng các cuộc giao tranh mới ở Kursk đã gây thương vong với hàng trăm binh sĩ Nga và Triều Tiên bị loại khỏi vòng chiến đấu.

“Tình hình tại Donetsk và Kursk vừa được báo cáo. Các cuộc tấn công mới đã nổ ra tại khu vực Kursk, nơi binh sĩ Triều Tiên tiếp tục được triển khai vào chiến trường. Thương vong là lớn, với hàng trăm binh sĩ Nga và Triều Tiên thiệt mạng hoặc bị thương”, Tổng thống Zelensky tuyên bố.

Binh lính Triều Tiên tham dự một cuộc mít tinh lớn để tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Binh lính Triều Tiên tham dự một cuộc mít tinh lớn để tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Theo đánh giá từ Ukraine, lực lượng Triều Tiên từng được triển khai đến Kursk vào mùa thu năm ngoái với khoảng 12.000 binh sĩ. Tuy nhiên, sau nhiều tháng giao tranh, Kyiv ước tính có một nửa trong số đó đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt hoặc bị thương, dẫn đến việc rút lui vào đầu năm 2025.

Các báo cáo từ Sky NewsNew York Times trước đó cũng cho thấy sự vắng mặt của quân đội Triều Tiên trên chiến trường, trong khi lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine xác nhận họ không đụng độ với lính Triều Tiên trong nhiều tuần. Dù vậy, trung tướng Kyrylo Budanov của Ukraine đã bác bỏ thông tin về việc rút quân hoàn toàn, cho rằng vẫn còn khoảng 8.000 lính Triều Tiên đang tham chiến cùng quân đội Nga.

Việc quân đội Triều Tiên tái xuất trên chiến tuyến Kursk có thể là một phần trong chiến lược nhằm duy trì sức ép lên các lực lượng Ukraine. Theo các nguồn tin quân sự, việc Nga duy trì khoảng 60.000 binh sĩ tại Kursk đồng nghĩa với việc lực lượng này không thể được điều động đến những mặt trận trọng yếu khác như Donetsk, giúp Ukraine giảm áp lực từ các cuộc tấn công của Nga.

Chiến trường Kursk nóng lại

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng những trận đánh tại Kursk không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong cuộc xung đột mà còn góp phần làm suy yếu năng lực tấn công của Nga tại các khu vực khác. Ông cho Reuters biết, trong tuần này, quân đội Ukraine đã tiến sâu hơn 2,4km vào khu vực Kursk, đồng thời khẳng định rằng việc tấn công trên lãnh thổ Nga có thể giúp làm chậm đà tiến công của Moscow vào các khu vực trọng yếu khác.

Các quân nhân Ukraine tham gia giao tranh tại Kursk cũng báo cáo rằng bộ binh Triều Tiên đang triển khai các cuộc tấn công theo nhóm nhỏ, nhưng trong quá trình chiến đấu, họ có xu hướng rút lui thay vì tổ chức cứu viện. Điều này làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả chiến thuật của họ trên chiến trường.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết phía Ukraine đã thực hiện một cuộc phản công vào ngày 6.2 tại khu vực Ulanok và Cherkasskaya Konopelka thuộc vùng Kursk, nhưng bị lực lượng Nga đẩy lùi. Theo cơ quan này, quân đội Ukraine đã tổ chức 8 đợt tấn công nhưng không thành công.

Trong nỗ lực phản công, quân Ukraine di chuyển theo đội hình lớn với xe rà phá bom mìn, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh Bradley. Một trung đội UAV của Nga, có biệt danh “Mười người bạn phương Bắc”, đã sử dụng máy bay không người lái sợi quang để tấn công các đoàn xe này, phá hủy 12 phương tiện quân sự của Ukraine, bao gồm xe bọc thép Bradley, Stryker và xe bọc thép Kozak. Một xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất cũng được phát hiện trên chiến trường.

Theo hãng thông tấn TASS, chiến binh Nga có biệt danh Bolshoy cho biết máy bay không người lái là lựa chọn hiệu quả hơn về chi phí so với các phương tiện quân sự bị phá hủy của Ukraine. Ông cũng nhận định rằng Kiev tổ chức phản công nhằm cắt đứt quân Nga khỏi tuyến hậu phương của Ukraine, nhưng hiện tại, lực lượng bộ binh Nga đang tiếp tục tiêu diệt các nhóm quân còn lại của Ukraine trong các khu vực rừng xung quanh.

Sự trở lại của lính Triều Tiên

Những thông tin về hoạt động của binh sĩ Triều Tiên tại Kursk đang gây nhiều tranh cãi. Trong khi một số báo cáo mô tả họ là lực lượng ít kinh nghiệm, chịu tổn thất nặng nề và phải rút lui để tái huấn luyện, những đánh giá khác lại chỉ ra rằng họ vẫn duy trì khả năng tác chiến và tiếp tục được Nga triển khai vào các nhiệm vụ trên chiến trường.

Sự trở lại của quân đội Triều Tiên ở Kursk được cho là nằm trong chiến lược hợp tác quân sự rộng lớn hơn giữa Bình Nhưỡng và Moscow. Trước đó, nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng Triều Tiên đang cung cấp vũ khí, đạn dược và nhân lực cho Nga để đổi lấy viện trợ công nghệ quân sự, bao gồm công nghệ máy bay, tàu ngầm và tên lửa dẫn đường chính xác.

Gần đây, các báo cáo cho thấy tên lửa Triều Tiên cung cấp cho Nga đã có những cải tiến đáng kể về độ chính xác, một diễn biến khiến các quốc gia như Hàn Quốc lo ngại. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng không chỉ hỗ trợ Moscow mà còn sử dụng xung đột Ukraine như một cơ hội để thử nghiệm và nâng cao năng lực vũ khí của mình.

Giới quan sát nhận định rằng bất chấp những thay đổi về chiến thuật trên chiến trường, quan hệ chiến lược giữa Nga và Triều Tiên vẫn tiếp tục được củng cố. Điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chien-truong-kursk-nong-lai-khi-quan-trieu-tien-tai-xuat-229092.html