'Chiến trường' mới của tội phạm ở Hong Kong
Từ các vụ cướp bóc sử dụng vũ khí nóng, tội phạm tại Hong Kong giờ đã chuyển sang hình thức mới với khả năng kiếm nhiều tiền hơn, đồng thời tránh được truy quét của cảnh sát.
Đầu thập niên 1990, Siu Chak Yee - người hiện là cảnh sát trưởng Hong Kong - vẫn còn là một thanh tra trẻ mới vào nghề. Ngày 10/3/1992, Siu được lệnh cùng đơn vị cảnh sát chiến thuật truy đuổi nghi phạm một vụ cướp có vũ trang.
"Tôi được gọi tới hiện trường vì vụ cướp vũ trang. Tôi không sợ hãi, cũng không biết đối tượng là ai. Nói cho cùng, những vụ tội phạm như vậy là bình thường vào thời gian đó, chúng tôi phải đối mặt thường xuyên", ông Siu nói, theo SCMP.
Súng đạn đã là dĩ vãng
Mục tiêu vụ truy bắt ngày 10/3/1992 của ông Siu là Yip Kai Foon, trùm tội phạm tại Hong Kong.
Yip và đồng đảng dùng súng trường AK-47 tấn công hai cửa hiệu đá quý ở khu mua sắm Sham Shui Po. Nhóm tội phạm bắn hơn 60 viên đạn về phía cảnh sát. Yip cùng 7 đồng phạm cướp 2 ôtô, bắt cóc tài xế tìm cách tẩu thoát sau khi lấy đi số tiền trị giá gần 1 triệu USD.
Khi Siu và đồng đội có mặt, hiện trường ngổn ngang vỏ đạn, trong khi các nghi phạm đã trốn mất.
Yip là một trong những ông trùm tội phạm lớn nhất Hong Kong thập niên 1980-1990. Khi đó, các vụ nổ súng diễn ra như cơm bữa trên đường phố, các nhóm tội phạm từ tỉnh Quảng Đông thường dùng súng, lựu đạn cướp bóc cửa hàng đá quý ở Hong Kong.
Tình trạng bạo lực súng đạn buộc cảnh sát Hong Kong mở rộng quy mô và hiện đại hóa trang bị.
Tới 13/5/1996, ông trùm Yip bị bắt sau một cuộc đấu súng với cảnh sát Hong Kong. Một viên đạn găm vào cột sống khiến tên tội phạm tàn tật nửa thân dưới suốt phần đời còn lại. Yip chết năm 2018 do ung thư khi đang thực hiện bản án 36 năm tù giam.
Quá khứ bạo lực khiến không nhiều người có thể tưởng tượng Hong Kong hiện trở thành một trong những thành phố có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
Năm 1990, tổng cộng 88.300 vụ phạm tội xảy ra, trong đó có 400 vụ cướp sử dụng vũ khí nóng. Năm 2021, không có bất cứ vụ việc nào như vậy được ghi nhận.
"Qua 2 thập kỷ, Hong Kong đã trở thành một trong những thành phố an toàn nhất thế giới. Đây là điều chúng ta nên tự hào và trân trọng", ông Siu nói.
Dù tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, cảnh sát Hong Kong vẫn không có cơ hội để nghỉ ngơi. Thay vì hỗn chiến trên đường phố như trước đây, chiến trường của tội phạm Hong Kong giờ là mạng Internet, nơi chúng có thể kiếm được nhiều tiền hơn, đồng thời tránh né sự săn đuổi của cảnh sát.
Thu lợi hàng trăm triệu USD
Cảnh sát Hong Kong ước tính hành vi lừa đảo chiếm 30% các vụ tội phạm ở thành phố trong năm 2021. Số vụ lừa đảo được ghi nhận là 19.249, gây thiệt hại kỷ lục hơn 650 triệu USD. Hơn 70% số vụ liên quan tới Internet.
Các vụ lừa đảo qua điện thoại khiến nạn nhân thiệt hại hơn 100 triệu USD, so với chỉ 5 triệu USD của năm 2005 khi cảnh sát bắt đầu theo dõi hình thức tội phạm này. Vào đầu thập niên 1990, lừa đảo dưới mọi hình thức xảy ra khoảng 1.400 vụ mỗi năm.
Vụ lừa đảo qua điện thoại lớn nhất được ghi nhận vào tháng 3/2021. Nạn nhân là một phụ nữ 90 tuổi cho biết bị thủ phạm lừa mất hơn 30 triệu USD. Thủ phạm nói với nạn nhân rằng danh tính của bà bị sử dụng cho hoạt động tội phạm tại đại lục.
Cảnh sát Hong Kong ước tính cứ mỗi 30 phút lại xảy ra một vụ lừa đảo. Mỗi ngày, loại tội phạm này khiến thành phố thiệt hại hơn 2 triệu USD. Nhà chức trách Hong Kong kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, báo với cảnh sát khi phát hiệu điều khả nghi.
Đơn vị cảnh sát chống lừa đảo (ADCC) đến nay đã ngăn chặn 833 vụ lừa đảo trị giá 293 triệu USD.
"Chúng tôi tin số vụ lừa đảo sẽ còn tiếp tục tăng lên, đó là lý do nhiều công tác phòng ngừa đang được triển khai. Người dân cần rất cảnh giác", ông Siu nói.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, hơn 6.000 người tại Hong Kong đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến và qua điện thoại. Số tiền bị kẻ gian chiếm đoạt khoảng 163 triệu USD.
Gần 25% số tiền bị lừa đảo thông qua email giả mạo, với 102 công ty và 25 cá nhân là nạn nhân.
Vụ lừa đảo qua email lớn nhất trong năm 2022 đến nay liên quan tới một công ty đầu tư nước ngoài hồi tháng 2. Cảnh sát cho biết công ty này bị lừa 9,6 triệu USD.
Tội phạm thường lợi dụng các mạng máy tính không được cài đặt biện pháp an ninh phù hợp tại các công ty vừa và nhỏ, cũng như sự thiếu hiểu biết của nhân viên, để tấn công hệ thống email của công ty mục tiêu, sau đó thu thập thông tin giao dịch.
Thủ phạm sau đó giả làm nhân viên cấp cao của công ty hoặc doanh nghiệp đối tác, yêu cầu chuyển tiền với những lý do khác nhau.
Lừa đảo qua điện thoại là hình thức gây thiệt hại lớn thứ 2 trong 4 tháng đầu 2022 với 481 vụ, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 35 triệu USD. Trong số này, các vụ lừa đảo sử dụng thông tin về Covid-19 khiến 102 nạn nhân sập bẫy, thiệt hại tổng cộng 18 triệu USD.
Cảnh sát Hong Kong cho biết ngày càng xảy ra nhiều âm mưu lừa đảo sử dụng chiêu bài "tăng doanh số bán hàng". Nạn nhân là người đang tìm việc, họ được đề nghị công việc "xử lý đơn hàng", bản chất là chuyển tiền thưởng cho người mua hàng trên các nền tảng trực tuyến.
Những kẻ lừa đảo hứa hẹn sau khi chuyển tiền, số tiền gốc và hoa hồng sẽ được gửi lại cho nạn nhân.
Nạn nhân thường nhận lại được cả tiền gốc và hoa hồng trong lần đầu tiên. Sau đó, họ bỏ số tiền lớn hơn để tham gia, cuối cùng toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Nhà chức trách cho biết một số công nhân mất việc làm do đại dịch Covid-19 đã tìm tới những công việc này để trang trải cuộc sống. "Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự tuyệt vọng của những người đang kiếm việc làm để lừa đảo họ".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-truong-moi-cua-toi-pham-o-hong-kong-post1327891.html