Chiến trường Ukraine chôn vùi danh tiếng xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2?
Những xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 do Anh chế tạo không còn giữ được huyền thoại 'bất khả chiến bại' trước đây.

Theo báo chí Nga, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Challenger 2 do Anh sản xuất đang phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ukraine hiện nay khó có thể được sử dụng trực tiếp trên tuyến chiến đấu.

Có lẽ trong một vài trường hợp đặc biệt, phương tiện trên sẽ đảm nhiệm vai trò pháo xung kích, khi bắn từ các vị trí kín được che chắn kỹ lưỡng thay vì xung phong trên tuyến đầu.

Phía Nga nhấn mạnh, sự thật là những chiếc MBT nặng 62 tấn này đã được thổi phồng quá mức về khả năng sống sót, chúng không thực sự vững chắc so với những xe tăng thế hệ trước.

Điều này có nghĩa là nếu bị máy bay không người lái cảm tử hoặc đạn pháo bắn trúng, một vụ nổ lớn sẽ xảy ra, sau đó chiếc xe tăng hạng nặng sẽ bị vỡ tan thành từng mảnh.

Phần lớn nhất còn sót lại là phía trước của tháp pháo, gắn pháo nòng xoắn 120 mm. Đây chính là điều đã xảy ra, ví dụ điển hình là trong các trận chiến ở vùng biên giới Kursk.

Theo ghi nhận, chỉ huy Lữ đoàn tấn công đường không độc lập số 82 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã "ném" những chiếc MBT này vào trận chiến, điều mà sau đó họ sẽ phải đã hối hận.

Một số xe tăng đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau khi tham chiến ít lâu, trong đó 1 chiến xa đã phát nổ sau khi trúng đạn và bị quân Nga đăng tải lên mạng xã hội như một chiến tích lớn.

Hiện tại báo chí không biết chính xác có bao nhiêu trong số 14 chiếc Challenger 2 đã được viện trợ vẫn còn hoạt động. Một số chuyên gia cho rằng 7 chiếc, nhưng đa số đồng ý ở mức 3 hoặc 4 chiếc.

Bản thân binh sĩ Ukraine cũng phàn nàn về tình trạng thiếu hụt phụ tùng thay thế đến mức nghiêm trọng và cho biết họ buộc phải lắp ráp một chiếc từ nhiều bộ phận. Hơn nữa, không có lô hàng thiết bị mới nào như vậy được Anh hỗ trợ suốt thời gian qua.

Mặc dù vậy cũng cần nhấn mạnh thêm, với chỉ 14 chiếc xe tăng Challenger 2 tung hoành khắp các mặt trận suốt thời gian dài vừa qua trong đội hình của một đơn vị thiện chiến nhất được xem là thiệt hại rất ít về tỷ lệ.

Để so sánh, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv của Nga đã được các nhà phân tích xác định phải chịu tổng cộng hơn 100 trường hợp bị phá hủy, chiếm tới 50% số bàn giao, cần lưu ý đây chỉ là những chiến xa có đầy đủ hình ảnh làm bằng chứng.

Về phần binh sĩ Ukraine, ngoài phàn nàn về sự nặng nề hay khó khăn trong công tác đảm bảo hậu cần, phần lớn ý kiến đánh giá về năng lực tác chiến của cỗ chiến xa này đều ở mức tích cực.