Chiềng Hắc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm qua, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu đã tích cực chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tìm đầu ra cho sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Hắc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả gieo cấy lúa xuân đạt 80 ha, lúa mùa 118 ha, diện tích ngô 2.400 ha, sản lượng cây lương thực hàng năm đạt trên 13.300 tấn. Toàn xã có 242 ha diện tích rau màu các loại, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 40 ha. Năm 2021, xã đã chỉ đạo trồng mới hơn 100 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 1.448 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn quả.
Đến bản Tà Niết, chúng tôi rất ấn tượng với những diện tích người dân đang trồng rau màu, những vườn cây ăn quả tươi tốt. Các hộ dân ở ở đây triển khai khá hiệu quả các mô hình trồng rau an toàn với nhiều phương pháp, như: Trồng trong nhà kính, nhà lưới, trồng thủy canh và trồng ngoài đồng. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bản Tà Niết đang thực hiện tốt việc phát triển các loại cây ăn quả, rau màu trên diện tích mặt bằng hơn 70 ha, trung bình mỗi hộ dân ở đây có thu nhập từ 300-400 triệu tiền rau màu/năm. Ông Dương Văn Phan, Trưởng bản cho biết: Bản có 150 hộ trồng rau. Hiện đã thành lập HTX rau an toàn Tà Niết với 9 thành viên tham gia, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 3,5 ha, sản phẩm rau sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ ở các siêu thị lớn ở Hà Nội, thu nhập bình quân của các hộ trồng rau từ 300-400 triệu/ha. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Duyến và anh Văn Đình Tình...
Nhân dân Chiềng Hắc nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương. Mô hình trồng nhãn được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng theo chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Xã thành lập HTX hoa quả Thành Đạt ở bản Long Phú có 17 thành viên tham gia, có 50 ha diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, khi các thành viên thực hiện quy trình ủ phân hữu cơ tại vườn, được huyện hỗ trợ tưới nhỏ giọt. Trung bình thu nhập từ 350-400 triệu đồng/ha. Mô hình trồng na ở các bản: Tà Niết, Tây Hưng, Long Phú, Tán Thuật với tổng diện tích trên 60 ha. Năm 2020, xã Chiềng Hắc đã thành lập HTX Hoa quả sơn với 11 thành viên tham gia, trong đó có 6 ha diện tích trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, cho biết: Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Thời gian tới, xã đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây ăn quả để hình thành vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Xã cũng khuyến cáo người dân sản xuất theo đúng quy hoạch, không chạy theo phong trào, khi đưa vào những giống cây trồng mới cần phải làm thử nghiệm nếu thấy hiệu quả kinh tế mới nhân rộng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Chiềng Hắc. Đây là tiền đề để xã hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.