Chiều 23/2: Chính phủ họp với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Dự kiến, chiều 23/2, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp với yêu cầu thực tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 vào chiều ngày 19/2. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 vào chiều ngày 19/2. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 với nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước đây, như “mang tính động và mở”, phát triển tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, vào chiều ngày 19/2, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Theo thông tin tại cuộc họp vào chiều ngày 19/2, thời gian qua đã xuất hiện nhiều yếu tố mới trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện đã nêu tại Quy hoạch điện VIII, như: (i) Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;

(ii) Các cấp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 cao hơn rất nhiều so với trước (năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số);

(iii) Tình hình địa chính trị quốc tế (các xung đột Nga-Ucraina, xung đột khu vực Trung Đông, các biện pháp trừng phạt kinh tế…) còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dẫn tới những biến động trong giá nhiên liệu nhập khẩu cho phát điện;

(iv) Thu hút đầu tư FDI bị ảnh hưởng; cùng với sự phát triển về khoa học công nghệ, nhất là chi phí cho các hệ thống lưu trữ năng lượng có xu hướng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tích hợp nhiều hơn nguồn điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện.

Để đảm bảo cung ứng điện các năm tới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, việc rà soát, đánh giá khả năng phát triển các loại hình nguồn điện, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện đặc biệt giai đoạn đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt tại khu vực phía Bắc theo báo cáo của Bộ Công Thương là cần thiết. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vào ngày 12/2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vào ngày 12/2.

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Đề án

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã rất tích cực triển khai các thủ tục liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP về trình tự, thủ tục; đã lấy ý kiến tham vấn các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội và địa phương...

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra vào ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ đã rất khẩn trương triển khai xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong thời gian rất ngắn với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Trong quá trình tổ chức xây dựng Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương luôn bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Luật liên quan, các Kết luận, Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch …

Theo báo cáo về một số kết quả tính toán Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291-236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747-80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Cụ thể: Nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm 16,9-13,1%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII (công suất tăng thêm do cập nhật gam máy thực tế của các nhà máy điện); Nhiệt điện khí trong nước 10.861 MW (chiếm 5,9-4,6%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII; Nhiệt điện LNG 8.824 MW (chiếm 4,8-3,7 %), giảm so với Quy hoạch điện VIII 13.576 MW do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ; thủy điện 33.294-34.667 MW (chiếm 18,2-14,7%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII 4.560-5.275 MW;

Đáng chú ý, tổng công suất điện gió trên bờ 27.791-28.058 MW (chiếm 13,2-14,4%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 3.949-5.321 MW và điện mặt trời (gồm ĐMT tập trung và ĐMT áp mái) 46.459-73.416 MW (chiếm 25,3-31,1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 25.867-52.825 MW; điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.979-4.881 MW (chiếm 1,6-2,1%), tăng lên so với từ 709-2.611 MW;

Về nguồn lưu trữ 12.394 - 22.271 MW (chiếm 6,8-9,4 %), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 9.694-19.571 MW; nguồn điện linh hoạt 2.000-3.000 MW (chiếm 1,1-1,3%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 1.700-2.700 MW;

Về nhập khẩu điện chiếm khoảng 9.360 MW (chiếm 5,1-4,0% tổng công suất các nhà máy điện), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 4.360 MW.

Đặc biệt, trong Đề án điều chỉnh nguồn điện hạt nhân đạt khoảng từ 6.000-6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030-2035. Cùng với đó, xuất khẩu điện dự kiến đạt khoảng 5.000 MW đến 10.000 MW trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII diễn ra vào chiều 19/2, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương triển khai xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo đúng các quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP về trình tự, thủ tục; đã lấy ý kiến tham vấn các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội và địa phương...

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chieu-232-thu-tuong-hop-voi-cac-dia-phuong-ve-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-375223.html