Chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi đạt 168,1cm

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho thấy, chiều cao của nam thanh niên Việt 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1 cm tăng 3,7 cm so với năm 2010 (164,4 cm). Chiều cao của nữ thanh niên 18 tuổi đạt 155,6 cm tăng 0,6 cm so với năm 2010 (154,8 cm).

Đây là những con số tích cực, tuy nhiên vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển chiều cao, sức bền cơ thể của các thế hệ người Việt Nam.

Theo BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, một trong những giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần về tương lai của mỗi con người là giai đoạn bào thai, trẻ dưới 2 tuổi và tuổi vị thành niên (10-18 tuổi).

Chế độ can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ vị thành niên hết sức quan trọng, vì lứa tuổi này phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục...

Cân nặng trung bình trẻ em vị thành niên tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7 cm/năm, trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi cũng rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, do vậy trẻ thường ăn không biết no.

Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển lứa tuổi này, trước hết là vấn đề năng lượng từ 2100-2200 Kcalo/ngày/nữ và 2100-2900 Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.

Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang học tập thi cử, nếu phải thức khuya học nhiều cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ như sữa, hoa quả..Một số trẻ nữ thường ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.

K.Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chieu-cao-trung-binh-nam-thanh-nien-18-tuoi-dat-1681cm-559122.html