Chiếu chèo giữa chốn non cao
Lâu nay, nói đến nghệ thuật chèo, nhiều người thường nhắc đến những làng chèo nổi tiếng ở vùng xuôi, tiêu biểu như: Hoàng Mai, phường Nếnh (Việt Yên), Tư Mại, Đồng Quan (TP Bắc Giang)... Vậy mà ở vùng non cao Sơn Động, từ nhiều đời nay đã hình thành và duy trì một chiếu chèo thu hút nhiều người dân tham gia, đó là chiếu chèo thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn.
Hòa vào dòng chảy văn hóa truyền thống
Cách thị trấn An Châu khoảng 6 km, vượt qua cung đường men theo triền núi, chúng tôi đến thôn Thanh Trà. Xa xa, nhà văn hóa thôn Thanh Trà tựa lưng vào dãy núi, bên cạnh những tán rừng xanh ngắt. Vang vọng giữa núi rừng là nhịp trống, phách hòa cùng tiếng hát chèo ngân nga.
Tại sân nhà văn hóa thôn, anh Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Động chia sẻ: “Xã Lệ Viễn là nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em, trong đó 70% là người dân tộc Sán Chí. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã gìn giữ, đam mê luyện tập, biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của dân tộc mình như: Múa Tắc xình (múa cầu mùa của dân tộc Sán Chí), hát Soong hao (dân ca Cao Lan), hát Soọng cô (dân ca Sán Chí)… Đặc biệt, người dân tộc Kinh ở tỉnh Hải Dương khi đến tụ cư, lập nghiệp tại thôn Thanh Trà đã mang theo tiếng hát chèo. Với những đặc điểm đó, xã Lệ Viễn nói chung, thôn Thanh Trà nói riêng đã trở thành điểm sáng trong phong trào văn hóa - văn nghệ của huyện”.
Có dịp tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Chèo thôn Thanh Trà, chúng tôi được thưởng thức những làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm và hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của chiếu chèo giữa chốn non cao. Bà Hoàng Thị Hiệu, Chủ nhiệm CLB, năm nay ngoài 60 tuổi tâm sự: Từ đời ông bà chúng tôi, vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã đam mê hát chèo. Hiện chưa có công trình nghiên cứu hay khảo cứu nào khẳng định về lịch sử hình thành phong trào hát chèo tại đây song có một bằng chứng khá thuyết phục đó là từ khi dòng họ Vũ di cư từ tỉnh Hải Dương lên khai hoang, lập nghiệp đã mang theo lời ca, tiếng hát chèo.
Được biết, dòng họ Vũ đã trải qua nhiều đời sinh cư lập nghiệp ở thôn Thanh Trà. Cụ Vũ Văn Phúc (sinh năm 1924, đã mất) là một trong những người đầu tiên từ Hải Dương đến lập nghiệp tại đây. Hiện các con, cháu, chắt của cụ vẫn đam mê hát chèo. Bên cạnh đó, nòng cốt của CLB Chèo thôn Thanh Trà ngày nay có nhiều người mang họ Vũ như các ông, bà: Vũ Sử, Vũ Thác, Vũ Hồng, Vũ Thị Hoàn... Trong đó bà Vũ Thị Hoàn là con gái, bà Ngô Thị Tỵ là con dâu và em Vũ Phương Vy là chắt nội của cụ Vũ Văn Phúc, đều hát chèo rất hay.
Để tiếng hát chèo mãi ngân vang
Trong câu chuyện với chúng tôi, các thành viên cao tuổi trong CLB Chèo thôn Thanh Trà đều bồi hồi nhớ lại những năm tháng được chứng kiến ông cha mình gắn bó, đam mê với nghệ thuật chèo. Đó là những dấu ấn khó phai mờ về một giai đoạn khó khăn, khi mà cái ăn còn chưa đủ no, cái mặc còn thiếu thốn, nhưng những lớp người đi trước vẫn đam mê, nâng niu và truyền lại cho các thế hệ con cháu về tình yêu đối với nghệ thuật chèo. Khi đó, vào những đêm trăng thanh, gió mát, sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc, từng tốp gia đình lại tụ hội để cùng ngân lên tiếng hát chèo. Cha mẹ đi hát, con cháu theo sau và cũng tham gia biểu diễn. Cứ như vậy, từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác, nghệ thuật chèo cứ từ từ sâu rễ, bền gốc, bám chặt vào từng thế núi, mạch rừng nơi đây.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này, năm 2013, CLB Chèo thôn Thanh Trà ra đời. Đến nay, CLB duy trì hoạt động với 20 diễn viên, nhạc công đều là những nông dân một nắng hai sương cần cù lao động sản xuất. Vào lúc nông nhàn, thành viên CLB lại tụ họp để luyện tập, uốn nắn cho nhau từng lời ca, nhịp đàn, nhịp trống. Ngoài sinh hoạt nội bộ thường kỳ, CLB còn tổ chức truyền dạy cho các cháu thiếu nhi. Được biết, số lượng các cháu trong thôn tham gia tập luyện, biểu diễn chèo rất đông. Đây là tín hiệu vui về đội ngũ kế cận, tiếp nối truyền thống ông cha, góp phần làm cho tiếng hát chèo mãi ngân vang ở làng quê Thanh Trà.
Vào một ngày cuối năm, những người yêu chèo, đam mê nghệ thuật chèo đón nhận tin vui: Nghệ thuật Chèo tỉnh Bắc Giang đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là bước chuẩn bị trong việc đưa nghệ thuật chèo của các tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các thành viên CLB Chèo thôn Thanh Trà không chỉ thể hiện tốt vai diễn thuộc các vở chèo, điệu chèo cổ như: Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Đào liễu, Du xuân, Đò đưa… mà còn tự viết kịch bản các vở chèo, điệu chèo bằng cách đặt lời mới trên nền chèo cổ. Thông qua lời ca, tiếng hát, thành viên CLB tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khuyên răn bà con loại bỏ phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chăm lo lao động sản xuất, tiêu biểu như các tiểu phẩm: “Chống ép duyên con”, “Ông cả nghiện”, “Người con của núi rừng”…
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hòe, Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn nói: “CLB Chèo thôn Thanh Trà đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương, trở thành sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm, đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị với các cuộc biểu diễn vào dịp lễ, Tết, hội nghị của xã, huyện và giao lưu với các xã bạn vào những lúc nông nhàn”.
Vào một ngày cuối năm, những người yêu chèo, đam mê nghệ thuật chèo đón nhận tin vui: Nghệ thuật Chèo tỉnh Bắc Giang đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là bước chuẩn bị trong việc đưa nghệ thuật chèo của các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Giang trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chia tay chiếu chèo giữa chốn non cao Thanh Trà, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng câu hát chèo ngân nga bên những triền núi, sườn đồi...
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chieu-cheo-giua-chon-non-cao-postid411546.bbg