Chiều công viên

Tôi không nhớ thời khắc ấy là vào tháng, năm nào, chỉ biết rằng khu vườn xanh mát đó là chuỗi ngày đã đưa tâm hồn một người cầm bút đi vào không gian tĩnh lặng, cái không gian mà không dễ dàng bắt gặp ở một đô thị đất chật, người đông, sự tĩnh lặng diệu kỳ, hiếm hoi giữa muôn trùng âm thanh cuộn trào theo nhịp sống.

Nơi mà tôi muốn nói, đó là Vườn Tao Đàn. Với người sống lâu năm ở thành phố Sài Gòn, khu vườn này quá quen thuộc, nhiều người mỗi ngày ít ra cũng một lần đi qua đó.

Nằm ở vị trí hết sức đặc biệt, gắn liền với Dinh Thống Nhất, cả bốn mặt đều là những con đường thiết yếu, cảnh quan đẹp của khu trung tâm, Tao Đàn từ 150 năm trước đã hội đủ những hoạt động từ thể chất đến tinh thần, thu hút từ tài tử, giai nhân cho đến tầng lớp nhân dân lao động.

Ngày nay, bên cạnh Thảo Cầm Viên, khu rừng sao trước Dinh Thống Nhất, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Hoàng Văn Thụ, Vườn Tao Đàn là một trong những lá phổi hiếm hoi thanh lọc bớt bầu không khí ô nhiễm do con người thải ra, đồng thời là những mảng xanh điểm xuyến trên bức tranh gân guốc của đô thị.

Buổi sáng ở đây thường sinh động với những hình ảnh vui chơi đội nhóm, dưỡng sinh tập thể, chạy tháo mồ hôi, trẻ em chơi trò đuổi bắt... nhưng buổi chiều lại vắng vẻ, chốc chốc một vài người già đi bộ quanh con đường trải nhựa, một hai đôi bạn trẻ ngồi tâm tình trên chiếc ghế đá, vài kẻ xa lạ cứ đứng ngắm nhìn những thân cây cao vút trên trời xanh.

Trong những ngày còn làm việc tại ngôi nhà 110 Nguyễn Du, cứ chiều chiều tôi lại xỏ giày đi qua khu địa đàng ấy. Với tôi, đó là chốn bồng lai xua đi nỗi mệt nhọc sau những giờ quần thảo với con chữ, thay đổi tạm thời những hình ảnh khô khan đeo bám trong tâm can gần như bất di bất dịch. Lạ thay, trong cuộc sống này không có gì để gọi là không thể.

Trong số người ít ỏi in bóng trong tà dương, tôi gặp lại ông Hai Sẹc tây, người chơi bóng cùng thời với trung vệ nổi tiếng Phạm Huỳnh Tam Lang, cựu chỉ đạo viên đội bóng đá Báo Công an thành phố một thời ngang dọc trên sân Tao Đàn.

Chia tay hơn 10 năm, mặc dù tuổi xấp xỉ 75, song da thịt ông vẫn còn rắn rỏi, giọng nói mạnh mẽ như xưa, vẫn thao thao khi kể chuyện sân cỏ thời nay và thời trước. Ông nói, sở dĩ giữ được sức khỏe như thế này là do thường xuyên đến công viên luyện tập, thời gian nào cũng được, miễn sắp xếp được việc riêng. Ông khuyên tôi nên giữ thói quen ấy, chẳng mất mát gì, chỉ có lợi mười mươi.

Một góc Công viên Tao Đàn

Một góc Công viên Tao Đàn

Rồi tôi cũng gặp lại một người chơi chim nổi tiếng ở Sài Gòn, hai mươi năm trước, ông ta đã từng chế ngự hầu hết các giải thi chim hót, chim đẹp khắp quận 5, quận 10, quận 1. Ông có thể diễn giải rành mạch nguồn gốc của giống Hoàng oanh, Sơn ca hay Họa mi và nói rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng loại.

Trò chơi cũng lắm công phu, con vật giống lông vũ bé tí có khi mua đến năm, bảy triệu, rồi còn phải mớm ăn, tắm nắng, lau chùi lồng chậu, dạy hót, dạy múa. Buổi sáng, khi ánh dương bừng lên mà thấy nó không nhảy nhót, cất tiếng là sốt ruột tìm cho ra nguyên nhân.

Giải thưởng chỉ mang lại tiếng tăm, hãnh diện trong chốc lát, không ai làm giàu với thú vui tạm gọi là tao nhã này. Vì vậy, sau hơn 10 năm cưng chim hơn cưng mình, ông "vua chíu chít" bán hết lồng, thả chim về ngàn đi tìm những khoảnh trời tĩnh lặng. Tôi gặp ông đôi ba lần ở quán cà phê chim Cây Lộc Vừng, vậy mà vẫn nhớ, vẫn sôi nổi như ngày nào.

Sắp bước qua tuổi 70, con người cần sức khỏe để tiếp tục sống vui với cuộc đời, nên mỗi ngày ông để ra một buổi vào đây đi loanh quanh và hít khí trời. Ông nói, con người có thể nhịn đói một tháng, nhịn uống một tuần, nhưng không thể nín thở chỉ trong vài phút, vì vậy hệ thống khí quản là quan trọng nhất. Từ khi trở về với thiên nhiên, ông thấy người khỏe ra, căn bệnh khò khè dần thuyên giảm, hối tiếc cái thời đã đày đọa những... đứa con của trời.

Người tôi nhớ mãi lại là ông già mù trên vai luôn đeo cái túi vải, cứ khoảng 4 giờ là đến chiếc ghế đá đặt dưới pho tượng "Người đàn bà tắm trăng". Dáng dấp ông có vẻ phong trần, đặc biệt là mái tóc quăn dài phủ gáy, nên có thể nghĩ đó là một nghệ sĩ hay là một gã ăn mày. Ông ngồi đấy không lâu, chỉ khoảng nửa giờ, lần nào cũng vậy, ông rút ống sáo tre từ chiếc túi ra, trỗi những bản nhạc tình. Hết Chiều của Hồ Dzếnh đến Mộng dưới hoa của Phạm Đình Chương, rồi Sương lạnh chiều đông của Mạnh Phát...

Tôi ghé vào ngồi bên cạnh, ông nghe thấy dù tiếng động êm như làn sương, nhỏ nhẹ nói: "Bạn cứ ngồi thưởng thức, dù mình chỉ thổi cho mình nghe thôi!". Tôi hỏi: "Ông thổi nhạc tây được không?", ông cười nhạt: "Được. Bạn nghe nhé!". Tiếng sáo lại cất lên, du dương, trầm bổng: "Biết dùng lời rất khó để mà nói rõ, ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá...", tôi nhận ra bản Love story lừng danh trong Chuyện tình Romeo - Juliet.

Tiếng sáo điêu luyện của ông cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện cổ tích Trương Chi - Mỵ Nương mà nhiều ngày tôi đã ngậm ngùi hồi lúc còn học lớp chín. Mỵ Nương tương tư tiếng sáo thiên thai, Trương Chi tương tư nét đẹp thiên thần, cuối cùng chuyện tình vỡ tan theo chén ngọc. Tôi lấy tờ giấy bạc 50.000 đồng dúi vào tay ông, người lãng du khiếm thị nhẹ nhàng nói: "Tôi không ăn xin, bán sách thơ, nhạc, bạn thích thì mua giúp...", trong chiếc túi vải có khoảng mươi quyển sách, tôi chọn tuyển tập thơ của Nguyễn Bính và đưa thêm 30.000 đồng. Ông già nói bâng quơ: "Tôi ghiền cái mùi thanh khiết ở đây. Ước gì sự trong lành này lây lan khắp chốn...".

Cách khu nhà tôi ở khoảng 5 phút đi bộ, có một công viên nhỏ hình thành đã lâu đời, có tên trong địa chí thành phố. Đó là một xẻo đất rộng chừng 5.000 mét vuông, hình như chiếc mũi tàu, nằm giữa hai trục lộ chính đi từ quận 1 về quận 5 và ngược lại.

So với những công viên ở khu trung tâm, cái khu vườn công cộng này có diện tích khiêm tốn và khá... bình dân. Đời là thế! Cũng cùng một công năng, một nhiệm vụ nhưng có nơi sang, nơi hèn, nơi được chăm sóc kỹ lưỡng, nơi làm qua loa, đại khái. Nếu nhớ không lầm, thì toàn thành phố hiện nay có khoảng 370 công viên (kể cả trong các khu nhà ở) với diện tích đất chừng 500 mẫu tây. Nếu chia bình quân thì mỗi người chỉ được 0,55 mét vuông mảng xanh, chỉ đạt 1/15 theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, thành phố cần thêm 650 công viên nữa để cải thiện môi trường, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhưng diện tích là bao nhiêu thì tính chưa được (?). Đất ở đâu ra, nếu tính lùi thời gian, thành phố có những khu đất lớn, lẽ ra nên dựng lên các công trình phúc lợi, đặc biệt là công viên, thì đã "cấp tập" phân lô, bán nền, xây nhà ở, chung cư mất rồi.

Ở cạnh chúng ta, đảo quốc Singapore, từng mét vuông đất quí như kim cương, từng giọt nước ngọt quí như vàng, nhưng họ cũng dành đến 13,5% diện tích đất, tương đương 9.000 mẫu tây để làm nên 350 công viên, cây xanh bao phủ 30% mặt bằng đô thị. Ở những thành phố tiên tiến mà tôi đã từng tham quan, có những công viên, khu sinh hoạt công cộng rộng lớn đến mức cứ ngỡ đó là một cánh rừng nguyên sinh, màu xanh rợp mát cả một góc trời. Đó cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cấp độ văn minh cũng như phục vụ dân sinh của nhà tổ chức, quản lý xã hội.

Singapore đứng đầu thế giới về qui hoạch công viên, cây xanh

Singapore đứng đầu thế giới về qui hoạch công viên, cây xanh

Đang vu vơ chuyện lá cỏ, thì một gã ăn mặc tuềnh toàng xuất hiện lôi theo một mùi hôi khó tả, đá nhẹ vào chân tôi: "Em đói quá... Cho xin một ít tiền, anh Hai...", tôi nhìn gã, màu da xám xịt, đôi mắt thâm quầng, mái tóc quăn quíu do nhiều ngày không tắm gội... ẩn trong cái bề ngoài đen đúa ấy là những tia nhìn máu lửa, tròng mắt mang hình "dao búa" mà tôi từng bắt gặp ở những tay giang hồ lấy tội ác làm kế mưu sinh. Gã này cũng có thể là tay nghiện nặng, có thể là tay "anh chị" sa cơ hoặc vừa bôn tẩu từ một trung tâm Bảo trợ xã hội?...

Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, gã nói như thuyết phục: "Em là giang hồ... chân chính mà!", tôi nén cái cười trong cổ họng, vậy giang hồ loại nào mới được xem là bất chính, giang hồ cũng được phân loại "đạo đức" nữa hay sao? Tôi có thói quen giúp đỡ người hoạn nạn, cho vài trăm ngàn là chuyện chẳng đáng quan tâm, và tôi cũng không lạ gì với thành phần này, nên xòe hai bàn tay ra: "Mình thất nghiệp, tiền đâu mà cho, anh xin mấy người ở đằng kia đi". Thấy khó ăn, gã nhìn quanh, rồi đổi thái độ: "Không tiền thì đừng vô đây, lần sau gặp lại thì... khó vui lắm nghe!", sau cái mím môi, "con thú hoang" ấy lững thững bỏ đi. Lời đe dọa của gã khiến tôi liên tưởng đến những vụ trả thù nhỏ nhặt, nhớ vệt máu loang đỏ thẫm nền cỏ xanh ở công viên Thăng Long vào buổi chiều mây đen phủ kín một góc trời.

Tôi vẫn ngồi đó, làn gió thoảng qua, lá cỏ lao xao, lòng người sảng khoái. Xung quanh cuộc sống vẫn bừng lên mãnh liệt: mấy đứa trẻ thi chơi lò cò, mươi cụ già múa những bài quyền cổ, hai bàn cờ thu hút khá đông người xem, đội bóng thiếu niên vừa chuyền, vừa gọi "Quang Hải, Công Phượng" ơi ới... Có thể nói, công viên là một tiện ích vô giá, cho dù ở cái chốn được coi là "bình dân" này vẫn còn những hình ảnh không hay, vẫn còn những bước chân lạc loài, vẫn có kẻ tự cho mình là... giang hồ chân chính! Trong nhân gian khó có xã hội nào được coi là một cộng đồng hoàn chỉnh, sự chênh lệch trong nhận thức, trong vị trí nghề nghiệp, trong thu nhập cá nhân, trong đòi hỏi nhu cầu... luôn luôn là cuộc đấu tranh giằng co, lắm khi nghiệt ngã. Đừng nghĩ những mảng xanh này là không cấp thiết, một khi nó góp phần không nhỏ trong giải quyết ô nhiễm môi trường; là không gian vui chơi, giải trí, tái tạo sức khỏe của những người ngụ cư trong hẻm hóc, trên các tòa chung cư cao tầng; là màu sắc điểm tô dung nhan đô thị, dung hòa các giác quan của con người trước âm thanh, nhịp điệu dập dồn của cuộc sống.

Ghế đá, hàng cây, thảm cỏ... từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa, nên chúng ta phải nhìn nhận công viên là một phần của đời sống văn hóa và cần có thái độ cư xử đúng mực với nó.

Tháng 8-2020

Trần Tử Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/chieu-cong-vien_99779.html