Dự kiến thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp vào chiều 5/5

Dự kiến, ngay sau phiên họp chiều 5/5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Chiều ngày 5/5, thảo luận tại hội trường về Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các ĐBQH nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo yêu cầu của thực tiễn. Lần sửa đổi, bổ sung này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại số và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Qua tổng hợp 44 ý kiến của các đại biểu phát biểu tại tổ và 4 ý kiến tại thảo luận hội trường, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, các ĐBQH tán thành cao với 2 dự thảo Nghị quyết này.

ĐB Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Lào Cai nêu ý kiến thảo luận. (Ảnh: Media Quốc hội)

ĐB Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Lào Cai nêu ý kiến thảo luận. (Ảnh: Media Quốc hội)

ĐB Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Lào Cai cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai, một số quy định của Hiến pháp năm 2013 không còn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, tinh gọn bộ máy đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nhiều mô hình tổ chức mới được thí điểm triển khai trên thực tế nhưng lại chưa có cơ sở hiến định vững chắc, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, việc sửa đổi cần làm rõ hơn vai trò của Mặt trận đại diện phản biện xã hội và giám sát quyền lực, đồng thời bảo đảm điều kiện pháp lý để tổ chức bộ máy tinh gọn làm suy giảm tính đại diện, liên kết và bám sát cơ sở.

Về tổ chức chính quyền địa phương, nữ đại biểu đồng tình với việc thể chế hóa chính quyền 2 cấp. Tuy nhiên, phải có quy định trực tiếp, rõ ràng, phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo quá trình sắp xếp, sáp nhập không bị gián đoạn hoạt động quản lý Nhà nước, nhất là địa phương vùng cao, vùng sâu…

Nêu ý kiến góp ý, ĐB Thạch Phước Bình, Đoàn Trà Vinh nói: “Tôi đề nghị bổ sung một khoản rõ phạm vi sửa đổi Hiến pháp. Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều từ Điều 9 đến Điều 116 của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến chức năng tổ chức và mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương. Việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính linh hoạt ổn định lâu dài của Hiến pháp trong tổ chức, đơn vị hành chính và xây dựng mô hình, mô hình chính quyền địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.

ĐB Thạch Phước Bình, Đoàn Trà Vinh. (Ảnh: Media Quốc hội)

ĐB Thạch Phước Bình, Đoàn Trà Vinh. (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu đoàn Trà Vinh cũng đề nghị bổ sung quy định về tổ chức triển khai và giám sát. Theo đó, quy định Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện giám sát quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng đúng quy định pháp luật và phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

“Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một quyết định hệ trọng, cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội và toàn hệ thống chính trị theo đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Thể hiện rõ tinh thần Hiến pháp là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, đại biểu Bình nhấn mạnh.

Tiếp thu, giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, đến ngày 7/5, dự kiến, Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp sau khi họp và thống nhất dự thảo Nghị quyết và hồ sơ sửa đổi bổ sung một số điều Hiến pháp thì mới trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp trong đó đề cập cụ thể các điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng giải trình một số nội dung các đại biểu nêu. (Ảnh: Media Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng giải trình một số nội dung các đại biểu nêu. (Ảnh: Media Quốc hội)

“Ủy ban này rất quan trọng, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến của nhân dân, các ngành, cấp để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua. Trong 15 thành viên tham gia Ủy ban, đã có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng gồm đại diện các cơ quan tổ chức trung ương có liên quan đến phạm vi sửa đổi bổ sung trong Hiến pháp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan của Đảng cũng như các cơ quan Quốc hội, Chính phủ…”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết, dự kiến ngay sau phiên họp chiều 5/5, Ủy ban sẽ thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; quy định cụ thể lộ trình, các công việc cần thiết, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, công việc cần thực hiện để việc lấy ý kiến được thực chất và việc tiếp thu giải trình được đảm bảo thấu đáo, toàn diện.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/du-kien-thong-qua-ke-hoach-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-hien-phap-vao-chieu-55-post1197155.vov