Chiều sương Châu Mộc

Hiếm hoi Mộc Châu có một sậm chiều ràn rạt gió mùa đông bắc. Chưa phải là rét lắm nhưng tôi cũng nèo chú chủ nhà gày một bếp củi đầu hồi.

Người Châu Mộc

Hiếm hoi Mộc Châu có một sậm chiều ràn rạt gió mùa đông bắc. Chưa phải là rét lắm nhưng tôi cũng nèo chú chủ nhà gày một bếp củi đầu hồi.

Châu Mộc chứ! Ông bạn giơ tay vẻ hùng hồn chém gió. Ông cự nự lũ chúng tôi đang huơ tay bên bếp rằng ở cái xứ phát tích câu thơ Tây Tiến thì dứt khoát phải nhắc nhớ đến những địa danh thân thương. Phải là Châu Mộc - Ai đi Châu Mộc chiều sương ấy. Cũng như dứt khoát những địa danh hành chính phải đảo và nguyên vẹn lối xưa là Châu Yên, Châu Thuận…

Chút lửa chập chờn chiều sương Châu Mộc cứ như cơn cớ để gợi lại chuyện cũ của chú em chủ nhà vốn hoạt ngôn lại mặn chuyện. Những nẻo mòn cỏ gianh nơi có cái nền là nhà khách Nông trường bộ mà chúng tôi đang nhóm bếp đây nay đã thẳng thớm những vệt bê tông chắc khừ dũi mãi vào thảo nguyên mênh mông. Những vệt bê tông ấy là đường biên phân định những Tiểu khu của một đô thị mới mang tên Nông trường Mộc Châu.

…Ngày ấy, ông nội chú chủ nhà là bộ đội mới chuyển ngành trong tổ phục vụ nhà khách nông trường. Nhà khách gianh tre nứa lá nhưng được vinh dự đón nhiều khách bây giờ gọi là VIP. Chiều lạnh ấy có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ghé.

Sáng bửng tưng “ông nội” bê chậu nước để Đại tướng rửa mặt.

“Thủ trưởng ngủ ngon chứ ạ?”. Hơi chột dạ thấy sắc diện vị tướng không được tở mở như hồi đêm. Đại tướng cười “Chăn êm. Đệm ấm. Màn chiếu sạch sẽ nhưng mất ngủ cả đêm cậu ạ…”.

Ông nội chột dạ. Tuy nhà lợp gianh nhưng tường xây gạch chắc chắn cửa giả cẩn thận kín đáo. Lại chăn mùng màn đệm Thái hẳn hòi… Vị tướng cười xòa trước vẻ băn khoăn lo lắng ấy.

Thì ra thủ phạm khiến đại tướng mất ngủ là do ông nội gây ra! Để át cái mùi bức tường mới quét vôi, “ông nội” đã vẩy tí nước hoa Ỷ Lan trong phòng. Tuy chỉ là thứ nước hoa thông dụng hồi ấy nhưng đã khiến vị tướng bản chất giản dị chất phác từ quân đội mới được điều sang phụ trách mảng nông nghiệp đâm dị ứng, đâm khó ngủ!

Cái nhà khách của Nông trường Quân đội Châu Mộc ngày ấy đã biến mất, nhường chỗ cho những xây cất khang trang của những đổi thay thành Nông trường Quốc doanh Mộc Châu. Nông trường “mẹ” thuở ấy đã phát triển đã chuyển đổi và chia tách đã sản sinh ra những đứa con doanh nghiệp vạm vỡ. Những Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Mộc Châu; Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Bệnh viện Nông nghiệp Mộc Châu; Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu; Công ty cổ phần du lịch Công đoàn Mộc Châu.

Thế hệ đầu của nông trường cỡ như ông nội của Lưu Quốc Nghiệp, tên chú chủ nhà - hiện là quân của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đây đã lần lượt già yếu và khuất núi. Nhưng có cái lạ, chuyện về một thời gian khó của Nông trường “mẹ” quốc doanh Mộc Châu vẫn được Nghiệp thao thao kể lại! Phải chăng “ông nội” của Nghiệp vốn cưng chiều thằng cháu nội vẫn thường rủ rỉ cùng con cùng cháu về một quá vãng gần thương mến?

Có một lúc quanh bếp lửa bỗng lặng đi. Nghiệp đang kể về một mối tình.

… Những năm bom đạn mù trời có đơn vị bộ đội hành quân gấp rút vào Nam đã ghé vào một làng hẻo lánh ở huyện Tĩnh Gia Xứ Thanh dưỡng quân 2 ngày. Chuyện thời chiến, có bao thứ lạ. Một mối tình sét đánh chớp nhoáng của một O dân quân xóm nọ và một chàng lính trẻ. Rồi đơn vị chàng lính ấy xuôi mãi vào Nam. Và cái thai của O dân quân cứ lớn dần. Rồi đứa trẻ ra đời và lớn lên trong vô vàn những đàm tiếu dè bỉu của xóm giềng cùng người thân của cô gái.

Không một tấm hình. Không một bức thư hồi âm về xóm nghèo thèo đảnh ấy…

Mặc dù hàng chục lá thư của mẹ cậu bé gửi đến cái tên “Anh Hoàng Văn Chiến, Số hòm thư…” - Cái địa chỉ hòm thư biên vội của người yêu cô!

Cậu bé, tình trong một đêm ấy dần dà đã trở thành một trang thanh niên khôi ngô. Đang học dở cấp 3, có một đợt người ta về trường tuyển phi công. Cậu đã trúng tuyển. Nhưng đơn vị đào tạo bay đã trả cậu về với cái dòng khai trong bản lý lịch. Không có bố! Đào tạo phi công đòi hỏi lý lịch phải tuyệt đối trong sạch mà!

Bà mẹ cậu bé đã lên thẳng đơn vị nước mắt ngắn nước mắt dài cởi mở trình bày với Thủ trưởng đơn vị.

Đồng chí Thượng úy quân lực vò đầu bứt tai cùng ắng lặng khi nghe người mẹ trình bày cùng ngó đi ngó lại săm soi mãi cái địa chỉ hòm thư nọ!

Một khoảng vô vọng bao la… Những cá nước chim trời…

Ấy vậy mà một chuyện cổ tích đã xảy ra. Đồng chí thượng úy ấy đã bỏ ra mấy tháng trời lặn lội theo cái hòm thư mờ mịt thời chiến đó. Bao nhiêu là khó khăn trắc trở, nhiêu khê. Rồi cuối cùng người ta đã tìm ra cái tên Hoàng Văn Chiến. Chiến may mắn chỉ bị thương. Sau đó chuyển ngành về Nông trường Mộc Châu.

Khi đồng chí thượng úy quân lực tìm về một xí nghiệp của Nông trường thì cựu binh Hoàng Văn Chiến đã lấy vợ người Thái và đã có 2 con.

Rồi mẹ anh chàng phi công cũng đã rời quê nhà Tĩnh Gia về nông trường Mộc Châu đoàn tụ.

…Khi hỏi địa chỉ của cái đại gia đình may mắn, cư dân Châu Mộc mới ấy, thì chú chủ nhà cười xòa rằng chú chỉ mới nghe và thuật lại! Ngay cả cái tên nhân vật chính trong câu chuyện anh cũng không biết. Người viết bài này tạm đặt những cái tên vậy.

“Thể nào rồi chúng ta cũng sẽ tìm ra…”. Ông bạn quả quyết.

Tôi cũng lây niềm tin vậy vì câu chuyện thứ 2 chú chủ nhà kể là “nghe nói…”

Rằng nghe nói trong số chuyên gia nông nghiệp Cu Ba sang làm việc ở Nông trường Mộc Châu có người anh ruột của Chủ tịch Fidel Castro?

Chiều ngoại ô LaHabana

Chuyện này thì chả phải là nghe nói.

Tháng 10 năm 2002, tại Quảng trường Jose Marti La Habana, tôi đã bị một vệ sĩ của Fidel Castro cảnh báo điểm một phát đau điếng vì dám có động thái táo tợn, liều lĩnh là… nắn nắn vào cánh tay lãnh tụ.

Cũng chỉ là cho thỏa cái cơn tò mò như trẻ con. Rằng chả phải là mình đang mơ mà đương đứng kề bên vị lãnh tụ huyền thoại. Chả phải là mơ nữa mà mình cùng đám báo chí Việt Nam vinh hạnh được Fidel Castro trò chuyện cùng với Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm lịch sử!

Buổi chiều ấy, lại bất ngờ một vinh hạnh nữa…

Một việc không có trong chương trình, anh Lưu Hải, phóng viên Báo Ảnh Việt Nam thường trú ở La Habana trực tiếp lái xe đưa tôi với Vân Anh, Ngọc Tuấn phóng viên Truyền hình Việt Nam đi tham quan ngoại ô Thủ đô Cu Ba.

Chất giọng anh Lưu Hải tưng tửng mà tôi nghe như tiếng sét.

“Ta ghé thăm nhà người anh ruột Fidel tí chứ nhỉ?”

Tôi biết mình như được một đặc ân. Sáng gặp ông em lãnh tụ Fidel Castro. Chiều gặp người anh ruột.

… Người anh ruột Fidel, cái dáng cao to lừng lững, vóc dáng chả thua ông em chút nào - Ramon Castro đang tươi cười trước tôi đây. Bên cạnh là bà vợ.

Mới đầu cuộc gặp, các cung bậc cười vui vẻ đã dậy lên. Thấy chúng tôi buột miệng “sao mà giống Fidel Castro thế”? Ramon cười “Là Fidel giống tao chứ?”. Có cảm giác ngồ ngộ, bởi có lẽ ở đất nước này có một người gọi Fidel bằng… thằng!

Có một lúc tôi đã thân thiết ôm xiết lấy khổ người chắc đậm khuôn ngực thẳng căng ở tuổi 78 của Ramon. Cũng những lọn tóc hung lốm đốm bạc. Cặp mắt nâu nheo nheo và chóp mũi cao gồ. Hệt Fidel!

Cái ngày xuống núi sau cuộc tấn công vào trại lính Moncada, Fidel Castro thẳng tưng với ông anh Ramon rằng, nhà này 2 Commăngđăngtê (Tư lệnh) Raun và Fidel là đủ rồi. Ramon phải làm việc khác!

Là con một điền chủ giàu có sở hữu hàng ngàn ha đất, Ramon được thừa hưởng năng khiếu làm vườn của ông bố. Từng là một kỹ sư nông nghiệp giỏi, Ramon đã đảm nhận chức Bộ trưởng Nông nghiệp nhiều năm. Rời chức Bộ trưởng, nhưng Ramon chưa có ngày nào về hưu cả. Thời điểm năm 2002 ấy, ông là Cố vấn cho Trung ương Đảng CS Cuba về nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Giống, cây trồng thổ nhưỡng. Cố vấn cho các Bộ Mía Đường - Khoa học công nghệ, môi trường.

Ramon có 2 người con, một trai một gái. Anh con trai là kỹ sư tin học.

Bên chiếc bàn trong căn chòi mà Ramon tự cất, có cái tên ông tự đặt và kẻ dòng chữ với những đường nét khá bay bướm El Ranchon del Amor (Chòi tình yêu). Có rượu Rum và xì gà Cu Ba do chính tay Ramon cuốn lấy vẫn nổi trội hương vị bưởi rôn rốt mà Ramon vừa tự tay trẩy và bổ ra.

Bưởi?

Năm 1983, Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba thăm Việt Nam được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Chủ mời khách dùng cơm thân mật tại Nhà sàn Bác Hồ và hái bưởi vườn Bác tiếp khách. Thấy khách khen chất lượng bưởi, Thủ tướng đem ra ba cây bưởi nhỏ xíu cho biết đây là giống bưởi nhà sàn Bác. Thủ tướng nhờ Bộ trưởng đem về Cuba tặng cho 3 anh em Fidel, Raun và Ramon Castro.

Nhận quà, cả 3 anh em đều lo. Tuy là nhà nông học nhưng Ramon lo vì giống bưởi này chắc gì đã sinh trưởng và cho ra trái ở đất mới? Ramon bố trí 3 cây ở 3 vùng có thổ nhưỡng khác nhau. Và may mắn cả 3 cây đều sống tốt và cho ra quả.

Lứa quả bói đầu tiên đã được bổ ra chia đều cho các thành viên Hội đồng Bộ trưởng CuBa. Theo đề nghị của Fidel Castro, mọi người nhất trí đặt tên là Bưởi Hồ Chí Minh.

Ramon chỉ hai cây bưởi Hồ Chí Minh sum suê lúc lỉu quả bên hiên nhà. Giống bưởi quý ấy đã được nhân giống khắp nơi, thứ trồng hạt, thứ chiết.

Thấy tôi tò mò về cái Chòi Tình yêu, Ramon ngạc nhiên “Cái gì? Mày bảo 78 tuổi mà không yêu à? Là tao nói tao yêu vợ ấy! Chúng tao vừa làm lễ 40 năm ngày cưới ở cái chòi này đấy”.

Bò sữa Châu Mộc

Bò sữa Châu Mộc

Bên người vợ có nụ cười lành hiền, Ramon say sưa nhắc lại kỷ niệm năm 1970, anh kỹ sư nông nghiệp Cuba Ramon Castro cùng vợ và phái đoàn chuyên gia Cuba trực tiếp đưa 129 con bò sữa về Nông trường Mộc Châu.

Lộ trình của đàn bò sữa dằng dặc từ Tây Bán Cầu vượt qua các vùng khí hậu khác nhau, chuyên chở trên nhiều phương tiện khác nhau lại dưới sự săm soi rình rập của bom Mỹ là cả một công trình xiết kể mấy mươi!

Không phụ tấm lòng của Fidel Castro mong muốn góp phần xây dựng ngành bò sữa ở Việt Nam để người dân Việt Nam sớm có đủ sữa bò cải thiện dinh dưỡng.

Cũng như không phụ công của Chủ tịch Fidel Castro đã trực tiếp chỉ đạo việc chọn giống bò rồi đốc thúc việc chuyển giao công nghệ, cung cấp những trang thiết bị tốt nhất thế giới thời đó và xây dựng 10 trại bò hoàn chỉnh, 1 trại bê và những trại vắt sữa ở Mộc Châu nên công việc của vợ chồng Ramon và đội chuyên gia không phải chỉ lên Mộc Châu một lần mà nhiều lần. Mãi hơn nửa năm, hai vợ chồng Ramon mới tạm hòm hòm công việc.

…Tạm ngưng dòng hồi ức về Ramon, tôi trở lại với cuộc ngồi gần đây trước thời điểm cuộc thi “Hoa hậu Bò sữa” lần thứ 17 năm 2023 với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, ông Trần Công Chiến.

Vợ chồng Ramon cùng con gái và cháu ngoại

Vợ chồng Ramon cùng con gái và cháu ngoại

Ramon bổ bưởi Hồ Chí Minh cùng tác giả

Ramon bổ bưởi Hồ Chí Minh cùng tác giả

Ramon Castro trong vườn nhà

Ramon Castro trong vườn nhà

Ông cho biết, nhiều người đã gắn bó với Nông trường Mộc Châu từ thời ông Fidel gửi tặng đàn bò sữa cho đến khi nghỉ hưu.

Từ đàn bò sữa và bò đực giống của Cuba, đến nay Mộc Châu đã có đàn bò 32.000 con, trong đó phần nhiều là những “hậu duệ” đời thứ 11 hoặc 12 của đàn bò sữa giống Canada mà Cuba đã mua và gửi tặng Việt Nam ngày ấy. Sản lượng sữa bình quân của đàn bò Mộc Châu hiện khoảng 25 lít mỗi con/ngày. Nhớ lại năm 1958, về thăm nông trường Mộc Châu, Bác Hồ được báo cáo và ngỏ lời khen có bò lai Shine vắt được 7 lít sữa/ ngày, đã là kỷ lục!

… Sương giăng như hừng đượm thêm bếp lửa chiều Châu Mộc. Như hằn thêm, đượm thêm ký ức hơn 20 năm trước, cũng buổi chiều tháng mười ở ngoại ô La Habana. Tôi vẫn giữ được tấm hình chụp trái bưởi Hồ Chí Minh mà Ramon đã tự tay viết lên đó con số biết nói 30/10/2002. Và bên dưới là chữ ký của Ramon để tôi rinh về Việt Nam!

Vậy mà bây giờ những day dứt tiếc nuối bởi khi chia tay, chưa kịp ngỏ nhời xin của Ramon tấm ảnh thời gian 2 vợ chồng người anh trai Fidel Castro công cán ở xứ Châu Mộc này!

Đâu rồi khúc đoạn của dốc Cun rồi Thung Khe ngược Châu Mộc, vợ chồng Ramon khi ô tô khi thập thững cuốc bộ lẽo đẽo bám theo đàn bò?

Đâu rồi chỗ nào trên mênh mang cao nguyên. Mà có khi ngay chỗ này, chỗ nhà khách cũ đây. Những sậm chiều sương buông kèm gió lạnh như chiều nay, cái tạng người xứ quanh năm nắng và ràn rạt gió nhiệt đới, thời ở Châu Mộc mới bốn mấy vậm vạp sưng sức ấy có lúc nào phải chịu ngồi mà hơ tay lên bếp củi cao nguyên trong tiết hanh hao như này không nhỉ?

Qua bạn bè, tôi được biết, cả hai ông bà, nay đã là người thiên cổ!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chieu-suong-chau-moc-post1582328.tpo