Chiêu trò của nhóm đối tượng giả danh bác sĩ khiến 20.000 người trên cả nước ' sập bẫy'

Sau một thời gian đấu tranh chuyên án, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Tân Yên và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã khám phá thành công chuyên án lớn. Bắt giữ nhiều danh y, bác sĩ giả mạo, lừa đảo hàng nghìn người trên cả nước.

Lực lượng chức năng khám xét tại nơi làm việc của các đối tượng

Lực lượng chức năng khám xét tại nơi làm việc của các đối tượng

Từ vụ bán nấm linh chi giá "trên trời"

Theo tài liệu điều tra, bà Trịnh Thị Oanh (57 tuổi), trú tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) bị một đối tượng tự giới thiệu là Hoàng Anh Đức, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lừa đảo, chiếm đoạt 237 triệu đồng bằng hình thức bán nấm linh chi.

Theo nội dung đơn tố cáo, bà Oanh được đối tượng này tư vấn mua rất nhiều loại thuốc, vì trong người có bệnh nên bà Oanh rất tin tưởng mua về sử dụng nhưng càng uống thuốc càng thấy mắt sưng to.

"Tôi có đặt rất nhiều loại thuốc nhưng uống không thấy tác dụng gì, tôi phản ánh thì “anh Đức- Giám đốc bệnh viện" nói phải kết hợp 5-6 loại, cứ tích cực uống sẽ khỏi. Nếu bà muốn khỏi nhanh thì có nấm linh chi, tốt, đắt mà chỉ mình bác sỹ mới lấy được, có giá 1,2 triệu đồng/kg" bà Oanh chia sẻ.

Cũng theo bà Oanh, vì tin lời quảng cáo nên bà đã gom tiền đặt mua 2 tạ nấm linh chi. Do không có tiền đủ một lúc nên "bác sĩ Đức" hướng dẫn bà chuyển khoản nhiều lần, tổng số 237 triệu đồng vào các số tài khoản anh "bác sĩ Đức" cung cấp. Sau đó người này không gửi nấm linh chi theo hứa hẹn mà cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Phát hiện mình bị các đối tượng lừa đảo, bà Trịnh Thị Oanh đã đến Công an huyện Tân Yên trình báo sự việc.

Theo cơ quan Công an, trường hợp bà Trịnh Thị Oanh chỉ là 1 trong số hàng nghìn bệnh nhân trên cả nước bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh và gây thiệt hại rất lớn về tài sản của các bệnh nhân.

Trước vụ việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao xác lập chuyên án đấu tranh.

Lộ diện công ty quảng cáo, tư vấn bán thuốc không đúng sự thật

Sau quá trình điều tra, Ban chuyên án xác định được đối tượng Đức "bác sĩ - giám đốc" tự xưng chính là nhân viên công ty Bảo Long Dược, có địa chỉ tại Hà Nội, chuyên đi quảng cáo giả làm bác sỹ để lừa bán thuốc.

Một số mẫu sản phẩm bị thu giữ

Một số mẫu sản phẩm bị thu giữ

Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Tân Yên và các đơn vị nghiệp vụ đã đồng loạt khám xét khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc và những nơi liên quan của Công ty TNHH Bảo Long Dược gồm:

Trụ sở chính tại số 10B, ngõ 88, đường Tô Vĩnh Diện, P. Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội (do Nguyễn Thị Hiền làm giám đốc); Văn phòng làm việc tại tầng 4, số nhà 118, Nguyễn Ngọc Nại, P. Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội ; Văn phòng làm việc tại tầng 6, số 116, Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Phòng 403, 603, số 212, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội và Phòng 404, số 1, ngõ 212, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại các nơi kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 287 thùng cát tông chứa các loại thuốc, 68 bộ máy tính và laptop các loại, 267 điện thoại và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng.

Theo đó, cơ quan công an xác định, Công ty TNHH Bảo Long Dược do 2 vợ chồng Nguyễn Thị Hiền, 27 tuổi, trú tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và Đặng Văn Thắng, 29 tuổi, trú tại Văn Lãng, Quang Trung, Phú Xuyên, Hà Nội cùng quản lý.

Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập công ty lấy tên là “Công ty TNHH Bảo Long Dược”, có bộ phận hành chính và bộ phận kinh doanh được tổ chức quản lý chặt chẽ, hoạt động theo hình thức đa cấp. Đồng thời, các đối tượng đã lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y, bác sĩ giỏi, có tiếng từng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để lừa đảo bằng hình thức quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân để bán thuốc thực phẩm chức năng có giá trị thấp với giá cao gấp từ 10 đến 15 lần.

Đơn cử như một số loại thuốc, giá nhập về chỉ 30-40 nghìn đồng/1 hộp nhưng bán cho người bệnh với giá từ 1-3 triệu đồng/1 hộp tùy theo loại bệnh. Khi thuốc đến tay người bệnh, giá bán đã gấp hàng chục lần giá gốc.

Các sản phẩm của công ty TNHH Bảo Long Dược chủ yếu là các thực phẩm chức năng, trong đó, một số là sản phẩm mà Thắng đặt sản xuất. Ngoài ra, các đối tượng còn nhập các sản phẩm thuốc nam không rõ nguồn gốc ở Ba Vì, Hà Nội để bán như: Giáp Nhất Khang, Bách Vị Nam…

Trên thực tế, các sản phẩm thực phẩm chứa thành phần hóa dược gì, công dụng thế nào thì vợ chồng Thắng không biết.

Đối tượng Thắng tại cơ quan điều tra

Đối tượng Thắng tại cơ quan điều tra

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán thành công khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20 nghìn bị hại ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước thu về gần 75 tỷ đồng.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên đang tạm giữ đối với 22 đối tượng để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174- Bộ luật hình sự.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chieu-tro-cua-nhom-doi-tuong-gia-danh-bac-si-khien-20000-nguoi-tren-ca-nuoc-sap-bay-post561320.antd