Chiêu trò xuyên tạc về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để chống phá Việt Nam

Cả hệ thống chính trị đang triển khai các bước chặt chẽ, khoa học, đảm bảo dân chủ để lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết).

Một số thông tin chống phá, xuyên tạc về sửa đổi Hiến pháp xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Một số thông tin chống phá, xuyên tạc về sửa đổi Hiến pháp xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Lợi dụng việc này, các thế lực thù địch “tung” các chiêu trò chống phá như: vu cáo Việt Nam “vi hiến”, xuyên tạc “không dân chủ” khi sửa Hiến pháp, “đòi” bỏ Điều 4 Hiến pháp, “đòi” đa nguyên, đa đảng…

Nhận diện thủ đoạn chống phá

Hòng tạo ra những luồng thông tin độc hại, gây nhiễu loạn thông tin, mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường thông tin chống phá liên quan đến Dự thảo Nghị quyết. Có thể nhận diện một số luồng thông tin chống phá chủ yếu trên mạng xã hội như sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch tung ra các luận điệu xuyên tạc cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 lần này là “vi hiến”.

Thứ hai, họ xuyên tạc việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết và cho rằng đây là “trò làm màu tốn thời gian”. Với giọng điệu mỉa mai, bỡn cợt, họ cố tình bóp méo công tác vận động, phổ biến chủ trương lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, cho rằng người dân “không tiếp cận được các phiếu lấy ý kiến góp ý”, “người dân không quan tâm”…

Thứ ba, một số tài khoản mạng xã hội lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo Nghị quyết để đưa ra những đòi hỏi vô căn cứ, thể hiện rõ sự chống phá: như “đòi” đổi lại tên nước, “đòi” đa nguyên, đa đảng... Thể hiện rõ nhất là tổ chức V.T. nêu ra “10 điều cần sửa đổi trong Hiến pháp Việt Nam”. Trong đó, điều đầu tiên là “đòi xóa bỏ Điều 4 - chấm dứt độc quyền lãnh đạo, chấp nhận đa đảng”...

Việc đòi “sửa đổi Điều 4 của Hiến pháp”, quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy âm mưu muốn lật đổ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước ta.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

Trước hết, có thể khẳng định rằng, việc Quốc hội ban hành Dự thảo Nghị quyết nằm trong nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này hoàn toàn không phải “vi hiến”, bởi Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là: “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Nhiệm vụ và quyền hạn này được xếp vị trí đầu tiên trong 15 nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được nêu tại Điều 70 của Hiến pháp.

Ngày 7-5, trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, căn cứ Nghị quyết số 194/2025/QH15 ngày 5-5-2025 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được thành lập, Ủy ban đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết. Ủy ban xác định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp của Đảng; tuân thủ Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đang mở đợt cao điểm, kêu gọi người dân tham gia, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết với tinh thần dân chủ, thực chất, bằng nhiều hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Hoàn toàn không có chuyện “làm màu” hay người dân không tiếp cận được nội dung lấy ý kiến, hay “người dân không quan tâm”. Bằng chứng thể hiện rõ qua hơn 4,3 triệu ý kiến tham gia sau 7 ngày triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết, trong đó có gần 745 ngàn người dân tham gia góp ý qua ứng dụng VNeID.

Qua đó cho thấy các tầng lớp nhân dân cả nước đang dành sự quan tâm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao và những đóng góp ý nghĩa vào quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Anh Dương Bá Thông (ngụ xã Phước Bình, huyện Long Thành) cho biết: “Với vai trò Chi ủy viên Chi bộ ấp 1, xã Phước Bình, tôi sẽ cùng các thành viên chi ủy theo dõi việc tổ chức triển khai, đôn đốc việc lấy ý kiến người dân địa phương góp ý vào Dự thảo Nghị quyết. Với vai trò đảng viên và người dân, tôi rất quan tâm đến đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết và sẽ dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các nội dung lấy ý kiến để có những đóng góp xác đáng, hợp lý nhất…”.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết để báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến một lần nữa, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua. Có thể nói, quá trình thực hiện sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội tiến hành chặt chẽ, dân chủ và đúng quy định.

Việt Nam giữ vững thể chế chính trị

Lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để “làm cớ” chống phá, từ đó đưa ra những đòi hỏi vô căn cứ, phản cách mạng, đi ngược lại với chế độ chính trị của Việt Nam là không thể chấp nhận.

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Từ khi thành lập từ năm 1930 đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta gặt hái được nhiều thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào sáng 18-5, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân tộc và nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chúng ta đã vượt qua các cú sốc toàn cầu, kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, phục hồi nhanh nền kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình được giữ vững; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao; đất nước tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác khu vực và toàn cầu, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện”…

Do đó, những luận điệu “mượn cớ” lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết để đưa ra nội dung chống phá nhằm làm phức tạp tình hình là không thể chấp nhận và người dân cần hết sức cảnh giác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, đất nước ngày càng phát triển và nhân dân ngày càng được quan tâm về đời sống vật chất lẫn tinh thần… Người dân hoàn toàn không nên tin, nghe theo những luận điệu sai trái, chống phá của các thế lực thù địch.

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/chieu-tro-xuyen-tac-ve-viec-sua-doi-hien-phap-nam-2013-de-chong-pha-viet-nam-ece0515/