Đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đang được tiến hành khẩn trương, bài bản, khoa học, dân chủ…
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thường xuyên có những chỉ đạo cụ thể, sát sao để cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra khẩn trương, bài bản. Cụ thể:
Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Đảng ủy Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chậm nhất là ngày 30/6/2025.
Thực hiện chỉ đạo trên, đến nay, các bước sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã được tiến hành khẩn trương, bài bản, khoa học, dân chủ, minh bạch, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ triển khai lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6/5/2025
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều: (1) Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; (2) Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Ủy ban cũng đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày 01/7/2025.
Trên cơ sở dự thảo Tờ trình, Quốc hội vừa họp phiên toàn thể tại hội trường, để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đặc biệt, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 06/5/2025 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Để đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân đạt kết quả cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã ký Quyết định số 1355/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, Bộ Tư pháp tập trung đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các ý kiến của tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Tư pháp (nếu có); xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, đảm bảo hoàn thành trước ngày 25/5/2025.
Đồng thời, Bộ sẽ tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là ngày 31/5/2025.
Cũng theo Kế hoạch được phê duyệt, Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo tổng hợp chung về kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chậm nhất ngày 03/6/2025, Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét, thông qua Báo cáo. Trên cơ sở đó, chậm nhất là ngày 05/6/2025, Chính phủ gửi Báo cáo tổng hợp chung về Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trên cơ sở ý kiến góp ý của nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến một lần nữa, sau đó sẽ chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 24/6/2025 theo đúng Chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua.
Như vậy, với tiến độ triển khai khẩn trương, khoa học, dân chủ, minh bạch như hiện nay, việc hoàn thiện sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đảm bảo về mặt tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ.